Vắng thợ, anh Nguyễn Nho Vỹ vừa là chủ vừa là thợ gia công sản phẩm cho khách hàng - Ảnh: Đ.ANH
Họ - những người chọn con đường tạo công ăn việc làm cho người khác - đang điêu đứng với trăm kiểu nỗi niềm: thiếu thợ, cạn vốn, khó kiếm đơn hàng mới...
Thợ không có, "thầy" phải tự lo
Anh Nguyễn Nho Vỹ, giám đốc Công ty TNHH MAKEDESIGN tại quận Bình Thạnh (TP.HCM), có xưởng cơ khí chuyên gia công và lắp ráp đèn nghệ thuật. Doanh nghiệp nhỏ, chỉ có 5 thợ lành nghề, từ sau Tết 2021 đơn hàng ít ỏi, đến trước giãn cách thì chỉ còn một đơn hàng.
Những ngày TP thực hiện nghiêm "ai ở đâu ở yên đó" (23-8 đến 30-9) vẫn chưa kịp gia công và lắp ráp hàng cho khách. Khi được mở cửa trở lại, thợ đã về quê và hiện nay chưa trở lại TP.HCM được.
Không có thợ nhưng đơn hàng vẫn phải giao đúng hẹn, "ông chủ" phải tự làm ngày làm đêm. Bản thân anh là một kỹ sư cơ khí, gọi thêm người em rể để phụ việc được vài ngày thì công ty lại gọi đi làm, nên anh một mình "ôm hết". Anh tính chuyện tăng lương, hỗ trợ suất ăn 3 buổi/ngày nhưng vẫn không tìm được thợ cơ khí thạo nghề.
Về nhà xưởng, vì là xưởng cơ khí nên máy móc nhiều và cồng kềnh, không như những ngành nghề khác, gánh nặng tiền thuê mặt bằng cộng với việc trả lương nhân viên để giữ chân họ. Có nơi có nhân công cũng khó kiếm đơn hàng mới. Không có việc, không nguồn thu, doanh nghiệp rất rầu rĩ.
Cầm sổ đỏ để lo công việc
Chị Ngọc, chủ một xưởng sản xuất inox tại Bình Chánh, càng khó khăn hơn khi lượng hàng bán ra giảm rất nhiều trong khi giờ ai cũng cắt giảm các khoản chi tiêu chưa thật cần thiết. Thợ inox không có nhiều, nhất là thợ có tay nghề giỏi. Xưởng của chị không sản xuất được, sản phẩm khó tiêu thụ, nhưng chị phải nuôi lượng nhân viên cố định bởi có người đã theo chị đến chục năm dù có nhiều xưởng khác "chiêu dụ" đến làm cho họ với mức lương cao hơn. Thợ sống nghĩa tình, khó mấy chủ cơ sở cũng phải lo cho họ.
Vốn bỏ ra nhiều, sản phẩm giao không nhận tiền ngay nên vốn chưa thể thu hồi, thêm 3 tháng dịch bệnh chi nhiều hơn thu, chị đã tổn thất một khoản không nhỏ. Chị động viên mình giữ được sức khỏe, của cải có thể tạo ra được và hy vọng vào sức mua cuối năm.
Anh Trí, chủ một cơ sở kinh doanh quảng cáo, bảng hiệu, hộp đèn, thi công sửa chữa các cửa hàng thời trang, ăn uống... lại gặp khó khăn kiểu khác. Công việc sửa chữa thi công của anh cần nhiều người mới có thể hoàn thành công trình sớm nhất. Thợ quảng cáo sẵn sàng "nhảy việc" do ngành nghề này hút nhân lực, nhất là những người thợ khéo tay, chăm chỉ, sáng tạo.
Nghỉ dài do dịch bệnh, công ty vẫn phải trả tiền mặt bằng và trợ cấp một khoản lương để giữ thợ. Nay được hoạt động trở lại đã có một số khách hàng, nhưng hơn 20 ngày qua, đội ngũ thi công của anh vẫn chưa tập trung đến 2/3 nhân lực.
Thợ có người là F0 chưa đến ngày được đi lại, có người về quê chưa được tiêm ngừa không trở lại TP.HCM. Năng suất thi công giảm và tiến độ thi công chậm, khó chồng khó. Nghề thi công cần vốn nhiều, khách hàng thanh toán chậm, nợ cũ khó thu hồi nhanh, đầu tháng 10 anh lại tính toán dùng sổ đỏ của gia đình vay thế chấp ngân hàng để có vốn tiếp tục công việc.
Cần thêm những chính sách hỗ trợ
Dịch đến và qua đi kéo theo những khó khăn cho con người từ sức khỏe, công việc, tiền bạc và tính mạng. Thành phố mở cửa, chủ hàng quán có thể nở nụ cười nhưng chủ doanh nghiệp và cơ sở sản xuất nhỏ vẫn còn đang ngộp trong khó khăn. Có nơi phải gầy dựng lại từ con số 0 sau bao nhiêu cố gắng. Họ như những người "đuối nước" cần lắm một chiếc phao, một đôi tay nắm chặt để cứu khỏi dòng nước đang chảy siết.
Họ cần lắm sự giúp đỡ từ những chính sách hỗ trợ, từ các khoản vay không lãi suất, giảm thuế, giảm phí các dịch vụ... Khi ấy, doanh nghiệp mới đủ sức phục hồi, tạo công ăn việc làm cho nhiều người và đóng thuế cho ngân sách.
TTO - Khoảng 700 người ở một huyện thuộc TP.HCM đã "nhận nhầm" tiền hỗ trợ mùa dịch COVID-19. Con số này không phải là cuối cùng khi thành phố sẽ tiếp tục kiểm tra việc lập danh sách người có hoàn cảnh khó khăn ở những quận, huyện còn lại.
Xem thêm: mth.56120138182011202-nol-gnos-auq-oahp-nac-ohn-taux-nas-os-oc-nahk-ohk-gnort-pogn/nv.ertiout