Dư luận vẫn đang tranh cãi không ngớt việc trang Facebook có tên Đàm Vĩnh Hưng treo thưởng 20 triệu đồng cho người nào tát vào mặt anh Đoàn Văn Tí - người đàn ông ở An Giang bạo hành con trai trong lúc say rượu.
Sau khi mạng xã hội lan truyền clip ghi lại hình ảnh Đoàn Văn Tí say rượu đánh tới tấp vào mặt con trai khiến nhiều người phẫn nộ, ngày 17/10, trên trang Facebook có tên Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ trạng thái thể hiện thái độ bức xúc và hứa thưởng 20 triệu đồng cho người nào "tát vào mặt ông bố liên tục y chang như vậy".
Sau đó, khoảng 100 người tìm đến một nhà trọ của anh Tí ở TP Mỹ Tho (Tiền Giang) để đánh người đàn ông này, đồng thời quay clip tung lên mạng.
Anh Tí sau đó nhận sai về việc đã đánh con trai. Tuy nhiên, sự việc người đàn ông này đánh con được vợ quay lại bằng điện thoại từ hai năm trước.
Chủ tài khoản Facebook Đàm Vĩnh Hưng đã nhanh chóng gỡ bỏ status nói trên.
Nhiều người bày tỏ đồng cảm với bức xúc của Facebooker Đàm Vĩnh Hưng và cho đó là cảm xúc dễ phát sinh trước hành vi bạo hành trẻ em dã man của người đàn ông nọ. Tuy nhiên nhiều người lên án đây là hành vi kích động bạo lực.
Trao đổi với PV Infonet, luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương, một luật sư có nhiều hoạt động hỗ trợ pháp lý, chống bạo hành trẻ em, đồng thời là Ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hà Nội cho rằng: Việc trừng trị đối với hành vi bạo hành trẻ em là cần thiết, đã được pháp luật quy định cụ thể và rất nghiêm khắc. Tuy nhiên, việc xử lý hoặc xúi giục, kích động người khác xử lý, như trong trường hợp này là nhóm người lạ mặt đã tát (hành hung), xúc phạm anh Đoàn Văn Tí lại là hành vi trái pháp luật.
“Những hành vi này dù là trực tiếp hay gián tiếp, cố ý hay vô ý mà gây ảnh hưởng xấu đến tính mạng, sức khỏe của con người thì phải chịu những trách nhiệm nhất định trước người bị thiệt hại và trước pháp luật. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy tính chất mức độ hành vi và hậu quả, người xúi giục trong trường hợp này có vai trò đồng phạm”, luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương nói.
Tuy nhiên, theo nữ luật sư, việc xử lý chỉ diễn ra khi có hậu quả hoặc có đơn của bị hại (anh Đoàn Văn Tí), hoặc cơ quan chức năng phát hiện được hành vi gây rối trật tự công cộng của những người này.
Cùng quan điểm trên, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng hành vi của nhóm người đánh người đàn ông bạo hành con nhỏ được coi là hành vi cố ý gây thương tích; thậm chí, việc quay clip tung lên mạng xã hội là có dấu hiệu làm nhục người khác.
LS cũng cho rằng nếu muốn xử lý thì cần chứng minh được từ việc treo giải dẫn đến đối tượng đã thực hiện hành vi và yêu cầu facebooker 'Đàm Vĩnh Hưng' đưa tiền.
Hành vi đánh người đó có tính chất côn đồ, chỉ cần có tỷ lệ thương tích thì cơ quan Cảnh sát điều tra cần vào cuộc khởi tố về hành vi cố ý gây thương tích. Khi đó, người dùng tài khoản Facebook 'Đàm Vĩnh Hưng' sẽ được xác định là người xúi giục hoặc thuê người gây thương tích.
Trả lời trên Zing.vn, Thiếu tướng Bùi Bé Tư, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, thì cho rằng việc có xử lý Facebooker Đàm Vĩnh Hưng hay không còn tùy theo việc đánh giá tín chất hành động kích động bạo lực gây ra hậu quả như thế nào. Lời khai của những người đánh anh Tí cần được làm rõ xem có liên quan đến nội dung trên Facebook Đàm Vĩnh Hưng hay không.
"Nếu lợi dụng mạng xã hội để đăng nội dung có thể dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật thì nên ngăn ngừa bằng cách truy tìm chủ tài khoản Facebook để giáo dục. Trong trường hợp này, không chỉ cơ quan công an mà phía cơ quan quản lý thông tin truyền thông cùng vào cuộc", Giám đốc Công an tỉnh An Giang nói.