Mỹ xuất khẩu lạm phát
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang tăng cường tập trung vào việc chế ngự lạm phát. Nhưng các quốc gia cách Mỹ hàng nghìn cây số cũng đang quay cuồng trong những chiến dịch cứng rắn nhằm ngăn chặn lạm phát. Khi đó, các ngân hàng trung ương buộc phải nhanh chóng tăng lãi suất và đồng USD tăng giá đẩy giá trị đồng tiền của các quốc gia khác xuống.
Ông Chris Turner, người đứng đầu toàn cầu về các thị trường của tập đoàn ING, cho biết: “Chúng ta đang thấy FED tỏ ra quyết liệt như họ đã từng vào đầu thập niên 1980. Họ sẵn sàng chịu đựng tỷ lệ thất nghiệp cao và suy thoái. Điều đó không hề tốt cho sự phát triển toàn cầu”.
Quyết định tăng lãi suất của FED 0,75 điểm phần trăm trong 3 cuộc họp liên tiếp, đồng thời báo hiệu nhiều đợt tăng lãi suất lớn tiếp theo, đã đẩy các quốc gia đối tác trên khắp thế giới vào thế khó. Nếu các quốc gia đó tụt lại quá xa so với FED, các nhà đầu tư có thể rút tiền khỏi thị trường tài chính và gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng.
Sau động thái của FED, các ngân hàng trung ương ở Thụy Sĩ, Vương quốc Anh, Na Uy, Indonesia, Nam Phi, Đài Loan, Nigeria và Philippines đều đã tăng lãi suất trong tuần qua.
Lập trường của FED cũng đã đẩy đồng USD lên mức cao nhất trong hai thập kỷ trở lại đây so với rổ tiền tệ lớn. Mặc dù đồng USD tăng giá là điều có lợi cho người Mỹ khi mua sắm ở nước ngoài, đó lại là tin xấu đối với các quốc gia khác.
Giá của đồng nhân dân tệ, đồng yên, đồng rupee, đồng euro và đồng bảng Anh đồng loạt giảm. Do đó, việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu và nhiên liệu trở nên đắt đỏ hơn. Về cơ bản thì FED xuất khẩu lạm phát sang các quốc gia khác và động thái này gây thêm áp lực cho các ngân hàng trung ương của các nước khác.
James Ashley, giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu tại Goldman Sachs Asset Management, đánh giá: “Đồng USD không mạnh lên một mình. Nó cần mạnh lên khi so với một thứ khác”.
Hậu quả của việc đồng USD tăng giá nhanh chóng đã trở nên rõ ràng hơn trong những ngày gần đây. Sau 24 năm, Nhật Bản cũng đã phải can thiệp để củng cố đồng yên. Kể từ đầu năm đến nay, đồng yên Nhật Bản đã giảm 26% so với đồng USD. Nhưng ngân hàng trung ương Nhật Bản vẫn là một ngoại lệ, vì đã không tăng lãi suất mặc cho lạm phát gia tăng.
Trung Quốc cũng đang theo dõi thị trường tiền tệ sau khi tỷ giá đồng nhân dân tệ so với đồng USD tại nội địa giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde cảnh báo rằng đồng euro giảm giá mạnh đã “làm tăng thêm áp lực lạm phát”.
Tình hình tại Vương quốc Anh vượt ngoài tầm kiểm soát một cách nhanh chóng. Các nhà đầu tư toàn cầu bị sốc trước kế hoạch tăng trưởng kinh tế của chính phủ mới. Tỷ giá đồng bảng Anh so với đồng USD đã giảm xuống mức thấp kỷ lục sau thông báo về chương trình giảm thuế quy mô lớn.
Ông Turner nói rằng hệ thống tài chính toàn cầu lúc này như một “chiếc nồi áp suất lớn”. “Bạn cần có các chính sách mạnh mẽ, đáng tin cậy và những bước đi sai lầm về chính sách đều phải chịu phạt”, ông nói.
Ảnh: CNN
Mối đe dọa với các thị trường mới nổi
Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo nguy cơ suy thoái toàn cầu vào năm 2023 đang tăng lên, vì các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới tăng lãi suất cùng lúc để đối phó với lạm phát.
Cơ quan này nói thêm rằng xu hướng này sẽ tạo ra hàng loạt cuộc khủng hoảng tài chính giữa các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có nhiều quốc gia còn đang hồi phục sau đại dịch.
Những hậu họa lớn nhất có thể xảy ra đối với những quốc gia có những khoản nợ tính bằng USD. Khi tỷ giá đồng nội tệ giảm nhiều so với đồng USD, món nợ sẽ càng đắt đỏ hơn. Như vậy, các chính phủ buộc phải cắt giảm chi tiêu trong các lĩnh vực khác, ngay khi lạm phát khiến mức sống người dân suy giảm.
Việc dự trữ tiền tệ suy giảm cũng gây ra lo ngại. Tình trạng thiếu hụt USD tại Sri Lanka đã góp phần tạo ra cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử quốc gia và buộc Tổng thống nước này phải từ chức.
Quy mô tăng lãi suất tại nhiều quốc gia ngày càng làm lộ rõ những nguy cơ. Ví dụ như Brazil đã tăng lãi suất cơ bản 12 lần liên tiếp lên mức 13,75%.
Đầu tuần, ngân hàng trung ương Nigeria đã tăng lãi suất lên 15,5%, cao hơn nhiều so với dự kiến của các nhà kinh tế. Trong một tuyên bố, ngân hàng trung ương lưu ý rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ của FED cũng đang gây áp lực tăng giá đối với các đồng nội tệ trên toàn thế giới, theo đó ảnh hưởng đến giá cả trong nước.
Cơn đau này liệu có thể chấm dứt?
Lần cuối cùng đồng USD giảm giá là vào đầu thập niên 1980, khi các nhà hoạch định chính sách Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp và Vương quốc Anh đã công bố Hiệp ước Plaza, phối hợp can thiệt vào các thị trường tiền tệ.
Sự phục hồi của đồng USD và nỗi đau mà nó gây ra cho các quốc gia khác làm dấy lên câu hỏi rằng có phải đã đến lúc cho một thỏa thuận khác ra đời. Nhưng Nhà Trắng đã “dội gáo nước lạnh” khiến ý tưởng đó khó có thể xảy ra vào lúc này.
Trong thời gian chờ đợi, FED dự kiến sẽ giữ nguyên lập trường thắt chặt chính sách. Điều đó có nghĩa là đồng USD vẫn có thể tăng cao hơn nữa và các ngân hàng trung ương khác sẽ còn phải chịu áp lực.
Giám đốc Ashley của Goldman Sachs Asset Management cho biết chúng ta nên ý thức trước rằng đồng USD sẽ tiếp tục mạnh lên và lãi suất của Mỹ sẽ còn tăng. Điều đó sẽ để lại hậu quả rất lớn.
Theo CNN