Tác phẩm Thung lũng Đồng Vang - Ảnh: NHÃ LINH
* Thưa anh, Thung lũng Đồng Vang của Trung Sỹ mới vừa ra mắt đã được nhận không ít lời khen từ bạn đọc. Họ bảo rằng đây là một quyển sách thiếu nhi rất "chất". Bạn đọc nhìn thấy thế giới của những đứa trẻ đầy trong trẻo, hồn nhiên, chớ không có màu sắc lính chiến của một tác giả từng viết Chuyện lính Tây Nam. Điều gì đã khiến anh "viết lành" đến vậy?
- Chính vì tôi đã trải qua thời chiến tranh gian lao từ lứa tuổi thiếu niên, rồi từng là một người lính trận mạc tuổi thanh niên với quá nhiều khốc liệt.
Tôi viết cuốn này cho các em, cũng chính là viết cho tôi như một đối trọng, một ước mơ về những ngày tươi sáng yên lành. Viết cho các em cũng là tự an ủi tâm hồn sứt sẹo của mình vậy.
* Anh đặt bọn trẻ vào đời sống phố núi vùng cao, nơi người Kinh sống chung với người Tày, nơi dòng sông chảy dưới chân ngọn núi. Anh mở ra cho bạn đọc những hiểu biết độc đáo về sinh hoạt, văn hóa, phong tục. Anh đã xử lý "kho tư liệu" như thế nào khi đặt bút viết truyện dài này?
- Tôi có gần chục năm làm thủy điện trên biên giới phía Bắc, ăn ở cùng đồng bào Tày - Nùng. Đó là một vốn tư liệu dày dặn về địa hình địa mạo, về phong tục văn hóa cũng như khí hậu vùng cao nói chung. Các nhân vật của cuốn sách sinh ra, lớn lên và học hành trong hoàn cảnh đó.
Ở nhà thì mẹ tôi cũng là một nhà giáo, cậu tôi từng cắm bản sáu năm trên vùng cao Cao Bằng. Tất nhiên cả tôi và bạn hiện đang trò chuyện với nhau, thì trước đó chúng ta cùng đều là những đứa trẻ và đi học. Ai cũng yêu và nhớ về cái lứa tuổi vô tư trong sáng ấy.
Chỉ cần chơi với con trẻ, nghe những câu chuyện các em hoặc cha mẹ chúng kể nơi này nơi khác... rồi sắp xếp lại liền mạch như những tiết học nối nhau là thành truyện.
Chẳng hạn chuyện cứu bạn khi cánh cửa sổ rơi là chính chuyện của cháu tôi. Có những câu chuyện tưởng nhỏ nhưng lại chẳng hề nhỏ nếu suy nghĩ thấu đáo và đặt nó ở một góc nhìn khác, góc nhìn thơ trẻ.
Nhà văn Trung Sỹ - Ảnh: NVCC
* Còn nhớ, anh nói ở đâu đó, rằng viết với anh như cái bình đầy thì tràn, khi dốc nước ra thì sẽ lại đầy nữa và tràn ra tiếp tục. Anh có định viết tiếp cho thiếu nhi?
- Tôi nghĩ tôi sẽ tiếp tục. Tôi muốn tái tạo một cuộc sống con trẻ, đi học, với những điều bình dị đang diễn ra hằng ngày chứ không phải là các nhân vật huyền thoại hay dựng lên một cốt truyện phiêu lưu.
Nói chung đây là một lối đi rất khó. Dĩ nhiên cũng tùy thuộc vào hiệu ứng của cuốn sách đối với trẻ em của chúng ta chứ không phải của các nhà phê bình. Đấy là đối tượng nhắm đến của tôi. Thật may các cháu tôi cũng thích các câu chuyện này.
* Trong nhiều tọa đàm về văn chương cho thiếu nhi, vẫn thấy than vãn là lâu nay không ai chịu viết cho bọn trẻ, sách văn học thiếu nhi trong nước lép vế so với sách dịch. Tôi lại nghĩ, hình như nhà văn chưa đi tới một "cú hích" gì đấy. Như anh, thì "cú hích" ở đây là gì?
- Ít người viết cho trẻ em, tôi nghĩ có lẽ do các nhà văn hay chú ý đến những điều lớn, những vấn đề khác bề bộn trong xã hội mà ở đó họ được thể hiện hết mình hơn về mọi mặt tư tưởng, kỹ thuật văn chương cũng như xúc cảm. Viết cho thiếu nhi nó như một sự không đáng, một sự cúi mình.
Tôi cho là để viết cho thiếu nhi thì người ta cũng phải thực sự lớn và tinh tế. Andersen là một ví dụ.
"Chỉ có thiên nhiên hiền hòa cùng tình bạn đẹp"
Từ cuốn sách đầu tay viết về chiến tranh biên giới Tây Nam đến cuốn sách đầu tiên viết cho thiếu nhi có tên Thung lũng Đồng Vang, từ ký ức của bạo hành, chết chóc chuyển sang thế giới sống động trong trẻo, người đọc cảm giác như không có trang viết nào là gượng ép. Trung Sỹ tôn trọng bọn trẻ, tôn trọng thế giới của chúng.
Lứa tuổi 12, 13 mà tác giả chọn cho các nhân vật thiếu nhi trong sách là lứa tuổi dễ rơi vào "khủng hoảng tuổi teen", nhưng những đứa trẻ trong Thung lũng Đồng Vang của Trung Sỹ thì hóm hỉnh, chính trực, sống hòa mình vào thiên nhiên bản làng.
Tác giả gọi đây là quyển "sách lành cho các cháu. Không có đấu tranh hay khẩu hiệu, không có sao đỏ trực tuần mà chỉ có thiên nhiên hiền hòa cùng tình bạn đẹp".
Ngoài bọn trẻ, ở đó còn có những thầy cô giáo trẻ hết lòng cho bài giảng của mình, không chỉ là bài giảng trên sách giáo khoa, mà còn truyền dạy cả niềm say mê và tình yêu về cuộc sống.
Người lớn tinh tế gieo vào lòng trẻ con những điều để chúng kết nối mình với vùng đất mình đang sống. Văn chương như vậy làm cho người ta hy vọng và tin vào những điều đẹp đẽ phía trước, tin vào thế hệ tương lai.
TTO - Tọa đàm Trần Hoài Dương - con người và tác phẩm vừa được Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức sáng 6-5 để tưởng niệm 10 năm ngày nhà văn biệt văn đàn.
Xem thêm: mth.92313538030012202-et-hnit-av-nol-us-taht-iahp-ihn-ueiht-ohc-teiv-ys-gnurt-nav-ahn/nv.ertiout