Cán bộ công chức TP Thủ Đức giải quyết hồ sơ nhà đất cho người dân - Ảnh: TỰ TRUNG
TP.HCM vừa có văn bản báo cáo tình hình thực hiện nghị quyết số 18 của Trung ương về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và nghị quyết số 19 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập tại các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc UBND TP.
Theo nội dung báo cáo, có 3 lý do chính để TP.HCM có số lượng biên chế công chức, số lượng người làm việc giao hàng năm cao hơn số được cấp có thẩm quyền giao, cụ thể bao gồm:
Yếu tố lịch sử: Đối với khối hành chính chủ yếu do chia tách quận, thành lập các phòng ban chức năng, từ năm 2003-2014, TP đã tăng 3.856 biên chế công chức; đối với khối sự nghiệp chủ yếu nhằm để đáp ứng với nhu cầu tăng dân số cơ học, TP cần đảm bảo định mức số lượng người làm việc theo quy định, nhất là đối với khối giáo dục và khối y tế.
Tính chất đặc thù về cơ cấu tổ chức bộ máy: TP.HCM có 10 cơ quan hành chính khác mà các tỉnh thành trên cả nước không có; các cơ quan đang hoạt động có hiệu quả từ, thực hiện tốt công tác tham mưu của UBND TP, thể hiện được tính cần thiết tồn tại các đơn vị.
Khối lượng công việc thực tế tại TP: Theo số liệu thống kê sơ bộ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại một số sở - ban - ngành giai đoạn 2017-2021, tính bình quân 1 công chức thực hiện từ 580 hồ sơ/năm và tăng dần theo từng năm.
Hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại phường, xã, thị trấn giai đoạn 2017-2021, tính bình quân 1 công chức thực hiện từ 2.550 hồ sơ/năm.
Qua khảo sát đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại 48 phường, xã, thị trấn có dân số trên 50.000 người bị quá tải trong giải quyết hồ sơ, xử lý nhiệm vụ quản lý nhà nước tại địa phương.
Mặc dù giai đoạn 2015-2021, riêng khối chính quyền TP đã giảm biên chế đối với 1.298 trường hợp, tuy nhiên, lượng biên chế cơ bản đáp ứng được nhu cầu thực tế nên việc giảm số lượng gặp nhiều khó khăn.
UBND TP.HCM cho rằng với khối lượng công việc ngày càng tăng hiện nay cùng với việc khó khăn trong khâu tuyển dụng nên việc xác định số lượng công chức, viên chức, hợp đồng lao động dôi dư là rất ít.
Chủ yếu số lượng dư ra là do sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo các quy định pháp luật hiện hành và sắp xếp lại đơn vị hành chính.
Nhằm đảm bảo đủ nhân sự hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao, UBND TP báo cáo và đề xuất, kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ ghi nhận số lượng biên chế, số lượng người làm việc thực tế hiện nay tại TP.
Đồng thời, TP sẽ xây dựng và báo cáo lộ trình giảm biên chế, số lượng người làm việc, thực hiện nghiêm kết luận số 40.
TP cũng kiến nghị Chính phủ tăng cường phân cấp, ủy quyền trong việc thành lập, sắp xếp lại, giải thể tổ chức bộ máy nhằm tạo tính chủ động cho TP.HCM.
TTO - Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP sẽ có báo cáo đầy đủ với trung ương về vấn đề biên chế dựa trên những phân tích từ thực tiễn. Quan điểm của TP là không đòi nhiều, nhưng phải đủ để thực hiện công việc.