Ông Trần Công Thiện tại tòa - Ảnh: B.L.
Không đủ năng lực vẫn xin thực hiện dự án
Được xét hỏi đầu tiên, ông Trần Công Thiện (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận) cho biết trong thời gian làm tổng giám đốc, Công ty Tân Thuận thực hiện 15 dự án, trong đó có các dự án Phước Kiển (huyện Nhà Bè) và dự án khu dân cư Ven Sông (quận 7).
Đối với dự án Phước Kiển, khi ông Thiện làm giám đốc thì dự án đã bồi thường được hơn 60%, tổng vốn đầu tư là 151 tỉ.
Ông Thiện thừa nhận Công ty Tân Thuận không đủ năng lực để thực hiện dự án. Tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 6.000 tỉ, theo quy định vốn chủ sở hữu phải là 1.200 tỉ nhưng thực tế Tân Thuận không có tiền.
Chủ tọa hỏi: "Một dự án còn không đủ vốn mà làm đến mười mấy dự án?", ông Thiện cãi: "Vì trước đây không quy định vốn chủ sở hữu phải có nhiều tiền như vậy, sau này mới có quy định".
Chủ tọa giải thích luật quy định như vậy để tránh các công ty 'tay không bắt giặc', không có tiền nhưng lập dự án rồi huy động tiền.
Do không đủ vốn nên Công ty Tân Thuận đã hợp tác với Công ty Quốc Cường Gia Lai để thực hiện dự án. Ông Thiện cho rằng Công ty Quốc Cường Gia Lai đề nghị hợp tác theo tỉ lệ 70-30, trong đó Quốc Cường Gia Lai 70%.
Chủ tọa truy vì sao Quốc Cường Gia Lai biết để đề nghị tham gia, ông Thiện cho rằng do Quốc Cường Gia Lai làm những dự án gần đó.
Sử dụng sai mục đích của chứng thư thẩm định giá
Ông Thiện khai sau khi trình phương án hợp tác lên chủ sở hữu, lúc đầu chủ sở hữu không đồng ý vì nếu hợp tác thì sẽ sinh ra tranh chấp, mà chỉ đồng ý cho chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã bồi thường.
Theo quy định đất mới cập nhật cho Công ty Tân Thuận nên không đủ điều kiện chuyển nhượng đất, nhưng ông Thiện đã áp dụng trường hợp tương tự để chuyển nhượng đất với giá 1,2 triệu đồng/m2.
Ông Thiện nói đây là giá do Công ty thẩm định Thương Tín xác định. Công ty này do Công ty Tân Thuận thuê thẩm định giá với mục đích xác định giá thị trường của khu đất để hợp tác.
Chủ tọa cho rằng việc thẩm định giá nhằm hợp tác nhưng bản chất là không hợp tác thì đã sử dụng sai mục đích chứng thư thẩm định. Khi vụ án bị phát hiện thì các việc làm của bị cáo là trái pháp luật, không phù hợp với giá thị trường, làm thiệt hại là 202 tỉ đồng.
Ông Thiện giải thích rằng mình làm đúng, và cho rằng nguồn gốc vốn này không phải là vốn nhà nước.
Theo cáo trạng, Công ty Tân Thuận được giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng dự án Phước Kiển, xã Phước Kiển.
Tháng 8-2016, Công ty Quốc Cường Gia Lai có văn bản đề nghị hợp tác đầu tư với tỉ lệ 75:25.
Tháng 6-2017, Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng 32 héc ta đất Phước Kiển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 1,29 triệu đồng/m2, và đã nhận của Công ty Quốc Cường Gia Lai 374 tỉ đồng cùng tiền thuế VAT là 23 tỉ đồng.
Sau đó, hợp đồng bị hủy bỏ, Công ty Tân Thuận đã trả lại cho Công ty Quốc Cường Gia Lai cả tiền chuyển nhượng, tiền thuế VAT, thêm tiền lãi suất là 21 tỉ đồng. Cáo trạng xác định số tiền Nhà nước thiệt hại ở dự án này là 202,6 tỉ đồng.
Tương tự, đối với 32.967m2 đất thuộc khu 4 dự án khu dân cư Ven Sông tại phường Tân Phong, quận 7, Công ty Tân Thuận cũng căn cứ vào chứng thư thẩm định giá của Công ty Thương Tín, xác định giá trị bình quân khu đất này là hơn 17,6 triệu đồng/m².
Đến tháng 11-2017, Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng toàn bộ khu đất này cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 20 triệu đồng/m², gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 532,6 tỉ đồng.
TTO - Sáng nay (10-10), TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử ông Tất Thành Cang (cựu phó bí thư Thành ủy TP.HCM) và 9 người liên quan đến sai phạm tại dự án khu dân cư Phước Kiển, khu dân cư Ven Sông.