Doanh nghiệp lỗ tỷ giá
Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cơ khí Duy Khanh - cho hay, đầu năm 2022, công ty ký hợp đồng nhập khẩu máy từ Đức với trị giá đơn hàng khoảng 80 tỷ đồng.
Thời điểm ký hợp đồng, giá USD chưa tới 23.000 đồng/USD, công ty chỉ mới thanh toán khoảng 20 tỷ đồng. Đến lúc nhận hàng, thanh toán, tỷ giá tăng lên 24.870 đồng/USD khiến số tiền mà công ty phải thanh toán bị đội thêm gần 4 tỷ đồng, chưa kể khoản phát sinh từ lãi suất cho vay bằng USD của ngân hàng tăng từ 3,4%/năm lên 5,7%/năm.
Giá USD tăng mạnh ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp sản xuất sử dụng nguyên phụ liệu nhập khẩu, thanh toán bằng USD (ảnh chụp tại Công ty Kềm Nghĩa) - Ảnh: Hoa Lài |
Giá USD tăng đột biến khiến các doanh nghiệp (DN) chế biến thực phẩm càng khó khăn hơn do phải thường xuyên nhập khẩu nguyên liệu. Ông Phạm Hải Long - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Agrex Sài Gòn - cho biết, giá bột mì nhập khẩu đã tăng thêm 40 - 50%, từ 500-600 USD/tấn lên 1.000 USD/tấn. Nay giá USD tăng thêm 2.000 đồng/USD so với hồi năm 2021 nên tính ra, cứ 100 tấn bột mì nhập khẩu, DN phải tốn thêm 200 triệu đồng chênh lệch tỷ giá.
Ông Phạm Hải Long than: “Khó chồng khó bởi mọi chi phí đầu vào đều tăng nhưng đơn hàng xuất khẩu lại giảm do người tiêu dùng các nước đang thắt chặt chi tiêu trước tình hình lạm phát cao. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ xuất khẩu các đơn hàng đã ký trong tháng Mười này nhưng hiện đối tác đều yêu cầu dời sang tháng 12 hoặc năm sau”.
Về lý thuyết, việc USD tăng giá sẽ có lợi cho các DN xuất khẩu, nhưng thực tế thì họ không hưởng được gì do thiếu hụt đơn hàng. Theo ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM - lẽ ra hiện nay là mùa cao điểm bán hàng, tỷ giá VND/USD tăng thì ngành gỗ sẽ thắng đậm. Nhưng từ tháng 5 - 9/2022, đơn hàng xuất khẩu đồ gỗ liên tục giảm mạnh. Tính riêng trong tháng 9/2022, doanh thu xuất khẩu gỗ và lượng sản phẩm gỗ giảm 21% so với tháng trước đó.
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM - thông tin, đơn hàng xuất khẩu của ngành dệt may giảm 60 - 70% nên các DN cũng không hưởng lợi từ việc USD tăng giá, thậm chí đang chịu thiệt hại do chi phí nguyên liệu nhập khẩu trả bằng USD gia tăng.
Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM - cho biết, hơn 70% DN có hợp đồng mua bán với đối tác nước ngoài, thanh toán cước vận chuyển bằng USD. Khi USD tăng giá, DN xuất khẩu hưởng lợi nhưng hầu hết DN sản xuất đều phải nhập khẩu nguyên phụ liệu. Những DN phải vay USD từ ngân hàng để nhập khẩu nguyên liệu về sản xuất rồi sau đó xuất khẩu lại càng khó khăn hơn.
Nhiều DN đã công khai khoản lỗ do biến động tỷ giá: Tập đoàn Lộc Trời lỗ 46 tỷ đồng trong quý II/2022; Công ty cổ phần Đầu tư cao su Đắk Lắk lỗ hơn 30 tỷ đồng; Tập đoàn Hòa Phát lỗ khoảng 1.000 tỷ đồng. Các DN lớn khác như HAGL Agrico, Hoa Sen, Vietnam Airlines cũng lỗ tỷ giá hàng trăm tỷ đồng.
Cố gắng giữ thị trường
“Rất khó can thiệp vào sự biến động về tỷ giá, lãi suất, chỉ trừ khi gói hỗ trợ lãi suất 2% được triển khai hiệu quả. Các DN cần phải giảm lệ thuộc vào tín dụng ngân hàng, cân đối quá trình sản xuất, xuất nhập khẩu của mình trong bối cảnh đối mặt nhiều rủi ro như hiện nay” - ông Phạm Ngọc Hưng nói.
Theo chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Đinh Thế Hiển, USD tăng giá là do ảnh hưởng của thị trường thế giới, tức là do khách quan. Điều mà các DN cần làm trong giai đoạn này là cố gắng giữ vững đơn hàng và thị trường, chấp nhận thiệt hại tài chính do biến động tỷ giá. Không thể đặt ra mục tiêu có lãi đối với các thị trường không sử dụng USD. Dù giá USD tăng nhưng đối với một nước có nhiều DN vừa và nhỏ như Việt Nam thì USD vẫn là loại tiền tốt. DN bị tỷ giá tác động là do chưa có chi phí dự phòng cho trường hợp này. Các DN vẫn nên ưu tiên sử dụng loại ngoại tệ này do hiện nay, chênh lệch tỷ giá USD và tiền đồng vẫn thấp nhất trong các loại tiền phổ biến.
Đối với việc lãi suất ngân hàng đang tăng cao, ông Đinh Thế Hiển cho rằng: không một quốc gia nào muốn thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất để tăng gánh nặng cho DN và người dân. Bởi nếu lãi suất tăng cao thì người dân thắt chặt chi tiêu, nền kinh tế giảm sức cầu. Áp lực lãi suất chỉ là một phần của vấn đề. Điều đáng lo nhất là tình trạng giảm đơn hàng, hàng tồn kho tăng lên, DN không có đơn hàng xuất khẩu mới. Ông dự báo, trong vòng 3-6 tháng hoặc lâu hơn, kinh tế toàn cầu tiến vào giai đoạn suy kiệt tài chính, nguồn cung tiền và nhu cầu tiêu dùng đều bị co lại.
Theo tiến sĩ Đinh Thế Hiển, trong khoảng ba năm trở lại đây, kinh tế Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu. Khi thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, đơn hàng giảm thì người lao động bị giảm thu nhập, tiêu dùng cũng giảm sút. Trong bối cảnh này, Chính phủ nên xem xét giảm các loại thuế, phí đất đai đến hết năm 2023, miễn hoàn toàn thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu để hạ giá sản phẩm. Chính phủ nên hỗ trợ trực tiếp để kích thích tiêu dùng, đầu tư, hỗ trợ lãi suất ưu đãi 2%.
Cũng theo ông, các DN nên quay về sân nhà, liên kết với các nhà phân phối nội địa để giảm tồn kho; tận dụng thương mại điện tử, bán hàng có niêm yết giá xuất khẩu và giá khuyến mãi nội địa để kích thích tiêu dùng. “Từ đây đến hết năm 2023, DN phải xây dựng hai kịch bản cho hai thị trường: suy thoái và không suy thoái. Các giải pháp quản trị phải bám sát hai kịch bản này để ứng phó” - tiến sĩ Đinh Thế Hiển khuyến nghị.
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.5316741a-hnam-gnat-dsu-dnv-aig-yt-iv-oad-oal/nv.moc.enilnounuhp.www