Đường Bạch Đằng nối dài vẫn đang treo biển cấm xe - Ảnh: BÁ SƠN
Ngày 27-10, trả lời Tuổi Trẻ Online vì sao tuyến đường Bạch Đằng nối dài tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương được khánh thành dịp 2-9-2022 nhưng tới nay vẫn cấm xe cộ, đại diện Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương cho biết UBND tỉnh đã chấp thuận gia hạn thi công tới ngày 31-12-2022.
Việc gia hạn là từ đề xuất của UBND thành phố Thủ Dầu Một, lý do để thi công hạng mục "điều chỉnh thiết kế, bổ sung một số nội dung thuộc Trường sĩ quan Công binh (tên dân sự là Trường đại học Ngô Quyền - PV) liên quan đến công trình thuộc dự án đường Bạch Đằng nối dài".
Đại diện chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Thủ Dầu Một cho biết sẽ thúc đẩy tiến độ, đảm bảo để sau ngày 31-12-2022 thông xe toàn tuyến. Trước đó, vào ngày 2-9, cơ quan chức năng của thành phố chỉ mới khánh thành chợ đêm và phố đi bộ tại hoa viên Bạch Đằng (nằm trên đường Bạch Đằng nối dài).
Nhiều người dân cũng nêu câu hỏi việc tổ chức giao thông của đường Bạch Đằng nối dài như thế nào, khi đây là tuyến đường quan trọng nối ra đường Huỳnh Văn Cù và cầu Phú Cường (cầu nối TP.HCM - Bình Dương với lưu lượng giao thông cao), lãnh đạo Ban Quản lý dự án cho biết sau khi thi công xong, sẽ bàn giao cơ quan chức năng tổ chức phương án lưu thông.
Hình thành phố đi bộ, giảm áp lực cho cầu nối TP.HCM - Bình Dương
Đường Bạch Đằng nối dài được ví như "phố đi bộ Nguyễn Huệ" của Bình Dương, khi có vị trí đắc địa nằm ven sông Sài Gòn ở khu vực trung tâm nhất tại phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một (bờ bên kia là huyện Củ Chi, TP.HCM).
Đường được khởi công từ năm 2017 và dự kiến đưa vào sử dụng từ tháng 6-2020, nhưng vì dịch bệnh và các lý do khác nên chậm đến nay.
Đây cũng là tuyến đường "đắt giá" theo nghĩa đen khi chỉ có chiều dài 762m nhưng có tổng mức đầu tư lên tới trên 650 tỉ đồng, trong đó phần lớn là chi phí xây dựng (khoảng 434 tỉ đồng). Ngoài lòng đường 4 làn xe, dự án còn thi công vỉa hè, hoa viên, công viên đi bộ rộng 15m và bờ kè dọc sông với tổng diện tích xây dựng lên tới hơn 2,4ha.
Đường Bạch Đằng cũng sẽ đi dưới dạ cầu Phú Cường để nối ra giao lộ đường Huỳnh Văn Cù - Nguyễn Văn Cừ, giảm áp lực quá tải và giảm tai nạn giao thông cho tuyến giao thông huyết mạch nối TP.HCM - Bình Dương.
TTO - Công viên tự nhiên lớn nhất tại đô thị trung tâm của Bình Dương từng được giao cho doanh nghiệp, nhưng nay được trả lại cho Nhà nước và đặt lại theo tên gọi cũ.