Theo tạp chí Asia Times, tại Diễn đàn Công nghiệp quốc phòng quốc tế hôm 29-9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tỏ rõ tham vọng biến Ukraine thành "trung tâm công nghiệp quốc phòng lớn" cho cả thế giới, hướng đến tự cung cấp, thậm chí xuất khẩu nhiều mặt hàng khí tài quân sự hiện đại.
Để đạt mục tiêu đó, Kiev sẽ tận dụng nền công nghiệp quốc phòng hùng mạnh kế thừa từ Liên Xô, cũng như sự hỗ trợ của các nước phương Tây.
Chủ nghĩa anh hùng không thể chặn tên lửa
Nhìn chung, chủ trương trên của Ukraine nhận được sự phản hồi tương đối khách quan từ phía phương Tây.
Phát biểu trực tuyến tại diễn đàn, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg khẳng định Ukraine "đã chọn đúng việc để làm".
Tổng thư ký NATO nhấn mạnh: "Một mình chủ nghĩa anh hùng không thể đánh chặn tên lửa… Ukraine cũng sẽ không thể có nền quốc phòng nếu không có ngành công nghiệp đủ tốt".
Những tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và các nước phương Tây đang dần hụt hơi trong việc viện trợ vũ khí cho Ukraine.
Trong bối cảnh đó, việc Kiev hướng đến tự chủ vũ khí mang ý nghĩa sống còn cho việc duy trì năng lực chiến đấu của Ukraine.
Nền tảng công nghiệp quốc phòng hàng đầu các nước hậu Xô Viết
Khi Liên Xô tan rã năm 1991, Ukraine là một trong những nước được kế thừa nhiều nhất. Theo Viện Nghiên cứu chính sách nước ngoài (FPRI), về mặt quân sự, Kiev tiếp nhận nền quốc phòng với 780.000 binh lính, 6.500 xe tăng, 1.100 máy bay chiến đấu, 176 tên lửa liên lục địa (ICBM) và 1.000 vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Trong những năm sau đó, giới chức Ukraine đã dần thu nhỏ quy mô quốc phòng của mình, cũng như từ bỏ việc sở hữu vũ khí hạt nhân dưới sức ép từ cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, theo báo cáo vào tháng 1-2022 của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS), Ukraine vẫn sở hữu hạ tầng công nghiệp quốc phòng cực kỳ đồ sộ. Với hạ tầng này, Kiev có thể sản xuất xe tăng, phương tiện chiến đấu, máy bay, tàu chiến và cả tên lửa.
Nền công nghiệp quốc phòng Ukraine hiện được giám sát bởi tập đoàn quốc doanh Ukroboronprom, nắm trong tay hơn 130 công ty con.
Báo cáo của CRS cũng chỉ rõ giới chức Ukraine đang đẩy mạnh việc cải tổ Ukroboronprom cùng nền công nghiệp quốc phòng. Trong đó, tháng 7-2020, Kiev thông qua Đạo luật Mua sắm quốc phòng, trực tiếp đưa những tiêu chuẩn của NATO vào việc mua sắm khí tài.
Phương Tây cam kết đỡ đầu cho Ukraine
Theo báo Politico, tháng 12-2022, NATO bắt đầu phát triển một kế hoạch tái xây dựng nền công nghiệp quốc phòng của Ukraine trong 10 năm.
Mục tiêu của kế hoạch là giảm sự phụ thuộc của Ukraine vào vũ khí thời Liên Xô, hướng đến các dòng vũ khí tương thích với chuẩn NATO của phương Tây.
Ukroboronprom hiện tham gia một số dự án chung với Pháp, Đan Mạch, Ba Lan và Cộng hòa Czech nhằm hợp tác sản xuất vũ khí.
Cụ thể, hồi tháng 4, tập đoàn quốc phòng PGZ của Ba Lan và Artem, công ty con của Ukroboronprom, đã ký thỏa thuận nhằm hợp tác xây dựng dây chuyền sản xuất pháo xe tăng 125mm mới.
Với Czech, Ukraine đang thương thảo nhiều chương trình khác nhau, trong đó có một thương vụ liên quan đến việc sản xuất máy bay chiến đấu F/A-259 Striker do Công ty Aero Vodochody của Czech phát triển.
Ngoài ra, từ giữa năm 2023, hai tập đoàn quốc phòng BAE Systems và Rheinmetall trứ danh của Anh và Đức đã thành lập các cơ sở sửa chữa xe bọc thép và pháo ngay trên lãnh thổ Ukraine.
Cơ sở hiện tại sẽ là bước đệm để tập đoàn Rheinmetall mở một nhà máy sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực Panther KF51 trong tương lai.
Ukraine đã phát triển áo choàng tàng hình chặn bức xạ nhiệt, chống lại camera dò nhiệt, kể cả máy bay không người lái (drone) của Nga, giúp các binh sĩ trở nên vô hình trước kẻ thù.