Cuộc khủng hoảng tiền thuê nhà vốn đã đáng lo ngại trước đại dịch, với khoảng 7,6 triệu người Mỹ phải đối mặt với việc bị trục xuất mỗi năm từ năm 2007-2016, theo một báo cáo mới từ The Eviction Lab - tổ chức của Đại học Princeton chuyên thống kê dữ liệu các vụ người thuê bị trục xuất khỏi nhà - và Cục Điều tra dân số Mỹ.
Tuy nhiên, đến nay số đơn chủ nhà xin trục xuất người thuê cao hơn 50% so với mức trung bình trước đại dịch ở nhiều thành phố, theo trang tin MoneyWise.
Giá thuê vẫn tăng trong bối cảnh thiếu nhà ở
Theo Eviction Lab, hơn 86.000 hộ gia đình đã bị đuổi khỏi nhà chỉ trong tháng 9, và trong 12 tháng qua hơn 1 triệu hộ gia đình đã bị đuổi khỏi nhà thuê.
Giá nhà ở cao đồng nghĩa với việc nhiều người Mỹ không còn có khả năng sở hữu nhà. Trong khi đó các chuyên gia chỉ ra giá thuê nhà tăng đang vượt quá tầm với của nhiều người thuê nhà ở Mỹ và khiến chủ nhà nộp đơn xin trục xuất.
Giá thuê thông thường ở Mỹ hiện ở mức 2.050 USD/tháng, cao hơn 3,3% so với năm 2022, theo báo cáo tháng 9 từ Công ty bất động sản Zillow.
Liên minh Nhà ở cho người thu nhập thấp (NLIHC) tính toán một người làm việc toàn thời gian sẽ cần kiếm trung bình 28,58 USD/giờ để có thể thuê một căn hộ hai phòng ngủ khiêm tốn - cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu quốc gia, 7,25 USD/giờ.
Điều này khiến người Mỹ có thu nhập thấp có nguy cơ mất nhà ở và đối mặt với tình trạng vô gia cư.
Để giải quyết vấn đề này, Mỹ đang thiếu hụt 7,3 triệu căn nhà cho thuê có giá cả phải chăng dành cho những người thuê nhà có thu nhập cực thấp (thu nhập bằng hoặc thấp hơn chuẩn nghèo liên bang hoặc 30% thu nhập trung bình trong khu vực của họ), báo cáo của NLIHC.
Ai có nguy cơ bị trục xuất cao nhất?
Hơn một nửa trong số 7,6 triệu cá nhân được nêu trong báo cáo mới nhất của The Eviction Lab sống theo hộ gia đình đã nhận được phán quyết trục xuất.
Báo cáo còn chỉ ra một nhóm đáng ngạc nhiên có nguy cơ bị đuổi khỏi nhà cho thuê cao nhất: Trẻ em.
Mỗi năm, 2,9 triệu trẻ em dưới 18 tuổi bị đe dọa đuổi khỏi nhà, trong khi 1,5 triệu em đã bị đuổi ra khỏi nhà.
Trong một cuộc phỏng vấn với New York Times, ông Matthew Desmond, điều tra viên chính tại The Eviction Lab, cho biết: “Khi bắt đầu viết về những vấn đề này, tôi đã nghĩ trẻ em sẽ bảo vệ các gia đình khỏi bị trục xuất. Nhưng không, chính các em lại khiến các gia đình bị đuổi ra khỏi nhà”.
Bằng cớ là tỉ lệ nộp đơn xin trục xuất đối với người lớn sống cùng trẻ em là 10,4%, nguy cơ cao hơn gấp đôi đối với những người không có con.
Mặt khác, dù chưa đến 1/5 số người thuê nhà ở Mỹ là người da đen, nhưng hơn một nửa số thông báo trục xuất được đưa ra nhằm vào những người thuê nhà là người da đen.
Nguy cơ bị trục xuất thường giảm theo độ tuổi và thu nhập, dù nghiên cứu lưu ý đây không chỉ là vấn đề của người trẻ, nhưng cũng có gần 830.000 người thuê nhà trên 50 tuổi phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất mỗi năm.
Trong đại dịch COVID-19, Chính phủ Mỹ đã đưa ra các chương trình hỗ trợ tiền thuê nhà khẩn cấp. Trợ cấp này nhằm ngăn chặn tình trạng hồ sơ trục xuất khỏi nhà thuê vượt khỏi tầm kiểm soát, khi nhiều người Mỹ mất việc.
Trên thực tế, vào đầu năm nay các chính sách thời COVID-19 đã giúp giảm hơn một nửa số đơn xin trục xuất so với thời điểm trước đại dịch.
Diane Yentel, giám đốc điều hành và chủ tịch của NLIHC, cho biết những biện pháp bảo vệ này cần phải được áp dụng trở lại.
Cô tin rằng cuộc khủng hoảng nhà ở có thể được giải quyết bằng các chương trình hỗ trợ thuê nhà khẩn cấp ngắn hạn và hỗ trợ thuê nhà dài hạn.
Đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn và xây dựng thêm nhiều căn hộ có giá cả phải chăng cho những người có thu nhập cực thấp cũng như bảo vệ người thuê nhà mạnh mẽ.
Theo Hiệp hội Môi giới bất động sản Mỹ, tháng 11 vừa qua có 37% đại lý bất động sản phải "vật lộn" để trả tiền thuê văn phòng. Đây là tháng thứ hai liên tiếp họ gặp khó khăn và là một dấu hiệu đáng lo ngại.