Ở vùng núi Ngọc Linh, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) không chỉ nổi tiếng có sâm, mà còn có ngũ vị tử mọc tự nhiên trong rừng sâu.
Loại cây này thường mọc trong rừng, ở độ cao từ 1.200m đến 1.600m, và ra quả từ tháng 7 đến cuối tháng 10 hằng năm.
Lên núi "săn" ngũ vị tử
Cứ tầm tháng 9 hằng năm, lúc lúa chưa chín hay khi gặt xong, người Xơ Đăng ở các xã Ngọc Lây, Đăk Na, Tê Xăng, Măng Ri… tập hợp thành từng nhóm vào rừng hái ngũ vị tử.
Sau khi ăn vội bữa sáng, rồi chuẩn bị xong cơm nắm, nước uống và các vật dụng cần thiết như bao, gùi..., 6h sáng, anh A Thiên (28 tuổi, trú tại thôn Đăk Sia 1, xã Ngọc Lây) cùng vài người trong làng nhập thành một nhóm bắt đầu cuộc hành trình đi lên rừng hái ngũ vị tử.
Anh Thiên đi xe máy đến khu rừng cách nhà khoảng 3-4km, để xe ở lại bìa rừng rồi đi bộ khoảng 1-2 km thì đến nơi có nhiều ngũ vị tử.
"Ngũ vị tử rừng trước đây chẳng ai hái đâu, chủ yếu là khi đi rẫy, đi rừng, tiện tay thì hái ăn rồi đem về cho lũ nhỏ thôi. Nhưng từ vài năm trở lại đây, có thương lái vào tận xã tìm mua, thế là từ đó đến nay, cứ đến mùa là chúng tôi lên núi tìm hái" - A Thiên chia sẻ.
Anh A Dũng (thôn Mô Bành 1, xã Đăk Na) cho biết hái ngũ vị tử mỗi ngày kiếm được khoảng 500.000 đồng, có khi may mắn thì kiếm được triệu đồng.
"Ngày xưa, quả nhiều nên mỗi chuyến đi hái quả được cả gùi lớn. Sau này, quả ít dần nên ngày càng phải đi sâu vào trong rừng để tìm kiếm", anh Dũng kể.
Bảo vệ sản phẩm dược liệu đặc trưng
Các xã Ngọc Lây, Măng Ri, Tê Xăng và Đăk Na có cây ngũ vị tử nhiều nhất.
Theo ông Nguyễn Anh Vũ - phó chủ tịch UBND xã Ngọc Lây, xã đang có khoảng 300 hộ dân hái ngũ vị tử, thu được 10 - 20 tấn/năm.
Hiện nay, có doanh nghiệp và hợp tác xã tại xã gom mua trực tiếp ngũ vị tử từ người dân với giá từ 10.000 - 12.000 đồng/kg.
Ngoài ra, một số nơi cũng tìm mua ngũ vị tử để chế biến thành các sản phẩm khác như trà, rượu ngâm,…
Trồng ngũ vị tử dưới tán rừng
Các nhà khoa học ở Viện Dược liệu trung ương đã có đề tài nghiên cứu "Xây dựng quy trình trồng cây ngũ vị tử dưới tán rừng".
Theo đó, ngũ vị tử là cây thuộc loại "đang bị nguy cấp ở Việt Nam" vì thế việc trồng cây này là rất cần thiết. Qua thực nghiệm, cây giống có thể lấy từ hạt hoặc từ hom, với tỉ lệ đồng đều lên tới 90% và tỉ lệ cây sống sau trồng đạt 80%.
Tháng 5 được xác định là thời điểm thích hợp nhất để trồng cây ngũ vị tử. Quả ngũ vị tử chín từ cuối tháng 8 đến hết tháng 10 có thể thu hoạch bằng phương pháp thủ công, với năng suất cá thể và năng suất thực thu tương ứng đạt cao là 1,8kg và 1,657 tấn/ha.
Ông Võ Trung Mạnh, chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết hiện địa phương chủ trương bảo tồn và phát triển loài dược liệu quý này thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Vừa qua, cũng đã có một số doanh nghiệp cử chuyên gia đến lấy mẫu, nghiên cứu hàm lượng các hoạt chất có trong ngũ vị tử tại Tu Mơ Rông. Nếu kết quả nghiên cứu tốt sẽ đề xuất triển khai cơ sở chế biến đặt tại huyện này.
Đối với việc bảo tồn các diện tích ngũ vị tử tự nhiên hiện có, ông Mạnh cho biết đã tuyên truyền cho bà con khi thu hái không thu hái tận diệt.
“Trước kia bà con thu hái thường chặt cả dây. Tuy nhiên gần đây qua tuyên truyền bà con nhận thức được nên chỉ hái quả, hạn chế chặt dây, gốc cây để ảnh hưởng đến năng suất các năm sau”, ông Mạnh nói.
Bài thuốc quý
Theo Viện Y dược cổ truyền dân tộc, ngũ vị tử có vị chua, tính ấm, quy vào kinh thận và phổi. Quả này có tác dụng an thần, thu liễm phế khí, sáp trường, bổ thận, sinh tân chỉ khát và thường được sử dụng trong bài thuốc chữa thận dương hư, hoạt tinh, di tinh, ho suyễn, ra mồ hôi trộm.
Trong y học hiện đại, ngũ vị tử được biết đến với khả năng kháng khuẩn, bảo vệ gan và giải độc cơ thể. Nước sắc từ thảo dược này có khả năng tăng lượng dự trữ glucose và glycogen ở gan, đồng thời làm tăng lactic acid trong cơ thể.
Phiên chợ tiền tỉ sâm Ngọc Linh ở thủ phủ sâm Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) lại lập những kỷ lục mới về giá khủng. Có những người dân cuốc bộ đeo gùi tới chợ với củ sâm có giá có thể mua được chiếc ô tô, căn nhà.