Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ ký báo cáo gửi Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã thông tin về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Một trong các nội dung được Bộ trưởng Hồ Đức Phớc báo cáo có việc thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng, đầu tư công.
Theo đó, ông Phớc cho biết, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động thực hiện rà soát, phân loại, làm rõ trách nhiệm đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến các dự án không hiệu quả hoặc lãng phí, chậm tiến độ, không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án, tránh thất thoát, lãng phí.
Cụ thể, qua rà soát 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí, có 08 dự án đã khắc phục tồn tại và đưa vào hoạt động; 01 dự án đã thực hiện thu hồi, thanh lý tài sản; 01 dự án được gia hạn tiến độ thực hiện; 04 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư; 02 dự án đơn vị thực hiện bàn giao cho đơn vị khác quản lý, sử dụng.
Các dự án còn lại đang rà soát, xử lý theo quy định. Trong số này, tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Hà Nam, Nam Định, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Đồng Nai, Cần Thơ, Đồng Tháp, Cà Mau, Bà Rịa – Vũng Tàu, mỗi nơi có 01 dự án; Bắc Giang, Lâm Đồng mỗi nơi 02 dự án; Thanh Hoá 03 dự án.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 04 dự án và Bộ Giao thông vận tải 03 dự án đang được xử lý.
Đối với 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ, Bộ trưởng Tài chính cho biết, đến nay có 01 dự án đang triển khai thực hiện; các dự án còn lại đang rà soát, xử lý theo quy định, trong đó có các Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I; II; III; IV…
“Với dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn III, IV, Thủ tướng Chính phủ thống nhất đồng ý chủ trương chuyển chủ đầu tư các dự án từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam sang Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và đang triển khai các thủ tục thay đổi theo quy định pháp luật” – ông Phớc thông tin.
Đề cập đến 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, hiện đang triển khai thực hiện 02 dự án; gia hạn tiến độ sử dụng đất 3 dự án; chấm dứt hoạt động 02 dự án; xem xét giao đất 01 dự án; còn lại đang thực hiện rà soát, xử lý theo quy định. Trong số này, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Long Anh mỗi nơi có 02 dự án; tỉnh Đồng Nai 01 dự án; tỉnh Kiên Giang 05 dự án.
Liên quan đến 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng, sau rà soát đã chấm dứt hoạt động 22 dự án; quyết định thu hồi đất 126 dự án; gia hạn tiến độ sử dụng đất 93 dự án; rà soát để thu hồi đất 25 dự án; điều chỉnh 10 dự án; đưa vào hoạt động 41 dự án.
Trong các dự án đang thực hiện rà soát, xử lý, theo ông Phớc, Lai Châu, Kiên Giang, TP.Cần Thơ mỗi nơi 01 dự án; Sơn La, Gia Lai mỗi nơi 02 dự án; Hòa Bình 16 dự án, Cao Bằng 76 dự án; Bắc Giang 16 dự án; Thái Nguyên 20 dự án.
Ngoài ra, Hà Giang có 17 dự án; Phú Thọ 29 dự án; Yên Bái, Hậu Giang, Bắc Kạn mỗi nơi 05 dự án; Thái Bình, Khánh Hoà mỗi nơi 14 dự án; Hà Nam, Quảng Nam, Cà Mau, Quảng Ngãi, Đồng Tháp mỗi nơi 08 dự án; Thanh Hóa 109 dự án; Quảng Bình 12 dự án; Phú Yên, Đắk Lắk, Trà Vinh mỗi nơi 22 dự án; Bình Phước 28 dự án; Đồng Nai 43 dự án; Long An 15 dự án; An Giang 03 dự án.
Nhiều dự án trong số trên đã được UBND các địa phương ra quyết định thu hồi.
Thời gian tới, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ giao các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện rà soát, phân loại, làm rõ trách nhiệm đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến các dự án không hiệu quả hoặc lãng phí, chậm tiến độ, không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng nêu tại Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội.
Chính phủ cũng yêu cầu xây dựng kế hoạch, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án tránh thất thoát, lãng phí.