Đã 25 năm ra đời và từng bước khẳng định giá trị của giải thưởng này, câu chuyện được nhắc đến không phải được mất mà chính là làm sao để thúc đẩy hơn nữa đam mê nghiên cứu khoa học trong sinh viên.
PGS.TS Trần Minh Triết - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho rằng Thành Đoàn TP.HCM cần nhiều buổi giao lưu, trò chuyện mà chính các bạn từng nghiên cứu, có thành tích chia sẻ để sinh viên hình dung nghiên cứu khoa học là gì.
Theo ông Triết, cần tạo ra thư viện số tổng hợp để lưu trữ những bài nghiên cứu, bài thuyết trình tại các hội thảo liên quan làm tư liệu cho sinh viên, giảng viên hay bất kỳ ai quan tâm cũng có thể tham khảo.
Trong khi đó, TS Lê Hoàng Việt Lâm (trung tá, Trường ĐH An ninh nhân dân TP.HCM) chia sẻ nghiên cứu là cơ hội mang lại cho bản thân mạch kiến thức để đi đến cùng sự thật, rèn cho mình thái độ say mê vì không say mê không bao giờ có thể nghiên cứu khoa học.
Ông Lâm nói "6 dám" mà sinh viên cần có để thúc đẩy quá trình tích cực nghiên cứu của mình. Đó là dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với thử thách và dám đột phá sáng tạo. Chưa kể còn phải "dám hành động vì lợi ích chung".
Nhưng nhận thức nghiên cứu khoa học để có sản phẩm, theo trung tá Lâm, là không đúng! Bởi quá trình nghiên cứu ngoài mang lại tri thức và sản phẩm còn giúp hình thành nhân cách, đạo đức của sinh viên.
Ông cho rằng cần chấp nhận hạn chế của sản phẩm vì đó là những bước nghiên cứu đầu tiên của sinh viên. Nên không nhất thiết phải là đề tài hoành tráng vài trăm trang mà có khi chỉ là bài viết trên tạp chí, tờ báo chuyên đề hay bài tiểu luận.
Một trong các ý kiến tại hội thảo là chọn hướng dẫn nhóm sinh viên nghiên cứu. Bởi khi làm nhóm sẽ giúp giảm tải công việc do ưu tiên hàng đầu của sinh viên phải là học tốt.
Quan trọng hơn, làm nhóm nhiều người sẽ có những ý tưởng khác nhau, giúp hình thành kỹ năng làm việc nhóm, khả năng hợp tác của các bạn, điều cần thiết cho các bạn sau này đi làm.
Cùng với đó, có ý kiến cho rằng cần đa dạng hình thức tổ chức, chú trọng các cuộc thi mang tính chuyên biệt gắn với đặt hàng cụ thể vì bám sát thực tiễn, góp phần phát triển TP.
Việc cần làm khác chính là công khai các sản phẩm nghiên cứu khoa học đã đoạt giải, được ứng dụng và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội để mọi người biết cũng là cách lan tỏa hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên.
TTO - Những năm gần đây, nghiên cứu sinh trẻ người Việt tham dự và trình bày đề tài tại các hội thảo khoa học, trường hè quốc tế ngày càng nhiều. Đã nhìn thấy niềm đam mê họ dành cho nghiên cứu khoa học.