Nhiều tuyến phố ngập sâu cả mét
Mưa liên tiếp nhiều giờ liền, đến trưa 14.10, khu dân cư tại đường Mẹ Suốt (P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) bị ngập sâu, có nơi ngập đến ngang bụng. Ghi nhận tại P.Hòa Khánh Nam, lực lượng chức năng đã phong tỏa, chốt chặn tại 2 điểm ngập sâu từ 1 - 2 m trên đường Mẹ Suốt. Từ rạng sáng 14.10, lực lượng gồm Ban Chỉ huy quân sự Q.Liên Chiểu, Cảnh sát cơ động (Công an TP.Đà Nẵng) đã phối hợp lực lượng địa phương, sử dụng ca nô, phao cứu sinh đi sâu vào các con hẻm, kiệt nhỏ triển khai ứng cứu và di dời người dân đến nơi an toàn. Gia đình bà Trần Thị Thu (trú tại tổ 35, đường Mẹ Suốt) được lực lượng chức năng đến tận nhà, dùng phao cứu sinh để đưa 9 người (6 người lớn, 3 trẻ nhỏ) thoát khỏi vùng ngập lụt.
Thông tin từ UBND P.Hòa Khánh Nam (Q.Liên Chiểu) cho biết địa phương đã sơ tán tại chỗ 3.100 người (đến các nhà cao tầng xung quanh, sinh viên qua trú ở ký túc xá Trường Đại học Sư phạm); sơ tán tập trung 110 người (đến 2 điểm tránh trú là UBND P.Hòa Khánh Nam 45 người, Trường tiểu học Hồng Quang 65 người)...
Tại các điểm sơ tán tập trung, người dân đã chủ động sắp xếp vị trí để nghỉ ngơi. UBND P.Hòa Khánh Nam cung cấp bánh mì, mì ăn liền, đặt cơm hộp cho người dân và cán bộ phường ăn chung, ngoài ra còn mua sữa cho trẻ nhỏ.
Trung tá Lê Thanh Sơn, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự Q.Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng), thông tin thêm, trước tình hình mưa lớn diễn biến phức tạp, các lực lượng đã trực suốt đêm, phòng người dân có thể tự ý về nhà dọn đồ đạc sẽ gặp nguy hiểm.
Trưa 14.10, túc trực tại chốt chặn cuối đường Mẹ Suốt (P.Hòa Khánh Nam), ông Trần Văn Thể, Phó chủ tịch UBND P.Hòa Khánh Nam, cho hay lực lượng địa phương chia ca để có thể hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân còn ở nhà kiên cố tại khu vực; đồng thời luôn sẵn sàng trong mọi tình huống khác. Theo thống kê, toàn TP.Đà Nẵng có 11 vị trí ngập từ 1 m trở lên, trong đó 5 vị trí tại P.Hòa Minh, 6 vị trí tại P.Hòa Khánh Bắc (Q.Liên Chiểu); tại H.Hòa Vang có 381 hộ bị ngập.
Mưa lớn cũng khiến nhiều khu vực ở chợ Tam Kỳ (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) bị ngập sâu.
Ông Đặng Tấn Dục, Chủ tịch UBND xã Bình Quý (H.Thăng Bình, Quảng Nam), cho biết khoảng 15 giờ ngày 13.10, trận gió lốc xảy ra tại thôn Quý Xuân (xã Bình Quý) làm 3 ngôi nhà tốc mái. Trong đó, 2 nhà bị thiệt hại nhẹ, 1 nhà bị tốc mái ngói 50% và toàn bộ mái tôn trước nhà. Ngoài ra, ngói rơi làm 1 người bị thương.
Tại 2 huyện vùng trũng của tỉnh Quảng Trị là Triệu Phong và Hải Lăng, mưa lớn đã làm ngập nhiều đường sá, khu dân cư và nhấn chìm 24 ha hoa màu. Trong đó, tại H.Hải Lăng số tuyến đường liên xã, liên thôn thuộc địa bàn các xã Hải Phong (thôn An Thơ, Phú Kinh, Hội Điền), Hải Sơn (thôn Đông Sơn, thôn Hà Lộc), Hải Chánh (vùng Càng, thôn Hội Kỳ), Hải Định (Phước Điền, Thiện Tây, Thiện Đông, Trung Sơn), Hải Dương (đoạn thấp của QL49), Hải Trường, TT.Diên Sanh (Cây Da) bị ngập trung bình từ 20-40 cm, có đoạn ngập sâu từ 50-80 cm, gây chia cắt giao thông. Trong khi tại xã Hải Định, chính quyền đã cho sơ tán 6 hộ neo đơn ở thôn Phước Điền đến nơi trú ẩn an toàn.
Sạt lở từ miền núi xuống miền biển
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, mưa lớn kéo dài khiến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xuất hiện tình trạng sạt lở và ngập úng cục bộ, giao thông bị chia cắt. Cụ thể, điểm sạt lở tại Km 24+650, trên tuyến ĐT611 đoạn qua đèo Le (giữa 2 huyện Quế Sơn và Nông Sơn) xảy ra vào tối 13.10 đã cơ bản thông xe một chiều vào sáng hôm qua (14.10). Ước tính khối lượng sạt lở khoảng 5.000 m3.
Tại huyện miền núi Tây Giang, mưa lớn kéo dài khiến mực nước các sông, suối lên cao gây chia cắt nhiều nơi; sạt lở taluy dương đường ĐH4, từ xã AXan lên xã Gari, gây tắc đường tại 3 điểm. Tuyến đường huyết mạch lên trung tâm xã Kà Dăng (H.Đông Giang) bị sạt lở nghiêm trọng, một số điểm cầu ngầm bị nước lũ chia cắt. Mưa to kéo dài kèm sóng lớn đã quật bật gốc phi lao, phá tan hoang kè chắn sóng và gây sạt lở nghiêm trọng cả trăm mét bờ biển Hội An (TP.Hội An).
Tại Đà Nẵng, trưa 14.10 mưa lớn tiếp tục kéo dài đã khiến taluy dương đường lên bán đảo Sơn Trà xảy ra tình trạng đá tảng lăn, một số vị trí đất cát sụt trượt xuống mặt đường. Ngoài ra còn xuất hiện nhiều điểm sạt lở như: tại Km905 đường đèo Hải Vân, Liên Chiểu; sạt lở taluy đường ĐT602 đoạn Km7+00; sạt lở trôi 1 cống thoát nước ngang qua đường bê tông 3,5 m tại tuyến đường tổ 2 thôn An Sơn; sạt lở taluy dương, lấp mương dọc dài 15m, khối lượng sạt lở khoảng 15 m³ đường ĐT602 (gần Suối Tiên)…
Cũng trong ngày 14.10, hàng loạt điểm sạt lở bờ biển, đường dân sinh tại xã Phú Diên (H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) được lực lượng chức năng địa phương ra sức khắc phục. Sau mưa lớn, trên địa bàn xã này xuất hiện 7 điểm sạt lở ven biển, ăn sâu vào từ 5 - 7 m.
Chính quyền địa phương đã khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ phối hợp cùng người dân tổ chức gia cố, khóa các vị trí sạt lở xung yếu, tránh để lan rộng. Đồng thời cắm biển cảnh báo, bố trí lực lượng chốt trực, khoanh vùng sạt lở, không cho người và phương tiện qua lại khu vực sạt lở…
Hiện Quảng Bình có 9 hồ chứa nước đạt 100% dung tích. Nếu mưa lớn kéo dài, lo ngại nhất là vỡ các hồ đập. Trong khi đó Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cũng thông tin toàn tỉnh Quảng Bình ghi nhận 85 điểm nguy cơ sạt lở núi đe dọa hơn 1.100 hộ dân. Trong đó, 8 điểm nguy cơ cao về sạt lở; khu vực núi Cây Sường (tổ dân phố 8, TT.Quy Đạt, H.Minh Hóa) đang bị sạt trượt rất nguy hiểm.
Ngoài khu vực có nguy cơ sạt lở cao ở tổ dân phố 8 (TT.Quy Đạt) thì các xã biên giới như Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn, Thượng Hóa cũng xuất hiện nhiều vị trí sạt lở đất. Mưa lớn 2 ngày qua đã gây ra những vụ sạt lở đất ở xã Đồng Hóa và Phong Hóa (H.Tuyên Hóa), buộc các hộ dân phải di dời.
Giao thông nhiều nơi bị chia cắt
Mưa lớn kéo dài trong ngày 14.10 đã gây ngập sâu; tại Quảng Nam, tuyến QL14H đi qua địa bàn H.Duy Xuyên, TP.Hội An và TX.Điện Bàn bị ngập gần 1 m khiến các phương tiện đi lại khó khăn. Lực lượng chức năng đã cắm biển, giăng dây cảnh báo và cử người chốt trực, không cho xe cộ đi qua vùng ngập.
Tại khu vực miền núi Quảng Trị, mưa lớn đã gây ngập một số ngầm tràn, làm chia cắt giao thông tạm thời, chủ yếu tập trung ở địa bàn H.Đakrông như cầu tràn xã Ba Lòng, tràn xã A Vao… Tuyến đường tuần tra biên giới Sa Trầm (xã Ba Nang) đi Pa Linh (xã A Vao, H.Đakrông) bị sạt lở, đất đá đổ xuống đường khoảng 30 m3; đoạn Km15 thuộc địa bàn thôn Ba Ngày (xã Tà Long) giao thông bị chia cắt tạm thời; trên QL15 đoạn qua xã A Ngo đá sụt tràn ra mặt đường, khối lượng khoảng 250 m3.
Trong khi đó, nhiều tuyến phố ở trung tâm TP.Đà Nẵng bị ngập sâu khiến các phương tiện không thể lưu thông, giờ tan tầm người dân chật vật tìm đường về nhà. Đặc biệt tại các tuyến quốc lộ vùng ven, cửa ngõ TP.Đà Nẵng, giao thông "tê liệt" vì nước ngập sâu.
Theo Văn phòng Quản lý đường bộ III.1, điểm ngập sâu nhất trên tuyến QL14G đoạn từ Km0+800 (thuộc xã Hòa Nhơn, H.Hòa Vang), các phương tiện không thể di chuyển qua đoạn đường này, giao thông bị chia cắt. Lực lượng chức năng đã đặt biển cảnh báo và phân luồng giao thông tránh nguy hiểm.
Đáng chú ý, tại cửa ngõ TP.Đà Nẵng, tuyến QL14B (đoạn chân cầu vượt Hòa Cầm về hướng trung tâm TP.Đà Nẵng) nhiều đoạn ngập nước khá sâu, phương tiện không thể di chuyển qua đoạn này.
Cảnh báo cấp độ rủi ro cao nhất
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ chiều 14 - 16.10, từ Quảng Bình đến Bình Định có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ
150 - 250 mm, có nơi trên 400 mm, riêng khu vực Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam mưa 300 - 500 mm, có nơi trên 800 mm. Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50 - 100 mm, có nơi trên 150 mm. Ngoài ra, từ chiều 14.10, ở khu vực phía nam Nghệ An, Kon Tum, Gia Lai có mưa vừa, cục bộ có mưa to với lượng mưa 30 - 60 mm, có nơi trên 80 mm.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét khu vực Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng cấp 4; Quảng Nam cấp 3; Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi cấp 2; Hà Tĩnh cấp 1. Đây là lần đầu tiên xuất hiện mức cảnh báo thiên tai do mưa lớn ở cấp 4 cho khu vực các tỉnh, thành Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng. Theo quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai của VN, có 4 cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, từ cấp 1 đến cấp 4 (cấp độ rủi ro cao nhất).
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia), thông tin đợt mưa này là "hình thế kinh điển của mùa mưa ở khu vực miền Trung". Hình thế của đợt mưa kỷ lục năm 1999 cơ bản đang giống giai đoạn hiện tại. Tuy nhiên, hình thế gây ra mưa kỷ lục từ ngày 1 - 6.11.1999 mạnh hơn nên khả năng cao cường độ đợt mưa hiện tại ở miền Trung sẽ không gay gắt bằng năm 1999.
Nguyên nhân là tác động của không khí lạnh, dải hội tụ nhiệt đới cùng gió đông di chuyển từ phía đông vào. Gió đông phát triển từ 1.500 - 5.000 m, đưa lượng ẩm rất lớn từ Biển Đông vào. Cùng với đó, gió đông bắc đẩy lượng ẩm đó lên cao gây ra đối lưu mạnh ở khu vực miền Trung tạo ra mưa lớn.
"Chúng tôi nhận định trong những ngày tới các hình thế thời tiết gây mưa ở miền Trung tiếp tục hoạt động. Ngoài ra, chúng tôi vẫn đang theo dõi vùng áp thấp đang di chuyển ở giữa Biển Đông, có thể hướng về Trung bộ và gây mưa lớn", ông Hưởng thông tin.
Theo Trưởng phòng Dự báo thời tiết, tâm mưa từ ngày 15.10 sẽ thay đổi, tập trung ở khu vực Quảng Trị đến Quảng Nam và mở rộng một chút đến Bình Định, phía bắc tỉnh Kon Tum, Gia Lai. Trong thời gian tới, mưa có khả năng đi sâu vào đất liền, miền núi phía bắc của Trung bộ; thậm chí ngược lên miền Bắc trong giai đoạn ngày 16 - 18.10.
Đình Huy