Theo tôi hiểu, khi nói chính sách khuyến khích DN ứng dụng KH, CN hiện đại, không nên nói chung tất cả DN. Ở đây, có lẽ phải chia thành 3 loại hình DN và có chính sách riêng cho mỗi loại. Loại A là DN lớn, loại B là DN nhỏ và vừa (SMEs) và loại C là DN KHCN, là loại hình chuyên nghiên cứu triển khai (R&D), thành phẩm là bằng phát minh, sáng chế…
Phương hướng, chính sách cho 3 loại hình DN này có những đặc thù riêng. Đối với DN lớn nên có nguồn lực cho hoạt động R&D. Nhà nước chỉ cần có một số chính sách khuyến khích như cho khấu trừ thuế đối với chi phí R&D... Đối với DN quy mô nhỏ nhưng thành viên hầu hết là kỹ sư, nhà KH hiểu CN, hiểu thị trường, chính sách, luật lệ bảo đảm sở hữu trí tuệ có lẽ là rất quan trọng. Quốc hội, Chính phủ cần nghe ý kiến của họ để có các chính sách cần thiết khác.
Các doanh nghiệp cần được hỗ trợ để đầu tư chuyển đổi công nghệ (ảnh minh họa) |
DN nhỏ và vừa (SMEs) cần được Nhà nước quan tâm nhiều nhất vì SMEs chiếm tuyệt đại đa số trong DN, chiếm tỉ trọng lớn trong GDP, trong lực lượng lao động. Ứng dụng CN để SMEs hoạt động hiệu quả sẽ tăng năng suất của cả nền kinh tế. Tuy nhiên do SMEs có nguồn lực, hiểu biết về thị trường, CN có giới hạn nên chính sách khuyến khích áp dụng CN, đổi mới sáng tạo cần kết hợp với chính sách hỗ trợ, nuôi dưỡng SMEs nói chung.
Ngoài ra, còn một vấn đề quan trọng nữa là việc thực thi các chính sách cần công khai, minh bạch dễ áp dụng. Nhiều SMEs phản ánh làm thủ tục để xin vay vốn ưu đãi (lãi suất giảm vài điểm phần trăm so với lãi suất thông thường) nhưng hồ sơ xin và tư liệu liên quan phải chuẩn bị quá nhiều. Phải đi lại nhiều lần, qua nhiều cửa, mất quá nhiều thì giờ, tính ra phí tổn còn lớn hơn chỗ lợi từ lãi suất ưu đãi. Do vậy mà nhiều SMEs đã không còn mặn mà sử dụng chính sách ưu đãi.
Để chính sách KHCN của Việt Nam thực sự đi vào cuộc sống, đề nghị phải sửa các điểm chủ yếu sau đây:
1. DN ngoài nhà nước được khuyến khích lập quỹ phát triển KHCN như DN nhà nước và mức trích lập tối đa 10% lợi nhuận trước thuế, được miễn thuế thu nhập DN đối với phần kinh phí trích lập quỹ.
2. Chế độ ưu đãi thuế đối với DN KHCN là miễn giảm thuế thu nhập DN (chứ không phải thuế chung chung). Cho đến nay, rất ít DN KHCN được hưởng ưu đãi này vì thủ tục rất phiền hà, lượng tiền được miễn giảm không nhiều do luật thuế thu nhập DN hạn chế mức trần trích lập quỹ phát triển KHCN của DN chỉ tối đa 10% lợi nhuận trước thuế.
3. Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia do Chính phủ lập để hỗ trợ DN đổi mới CN (không phải là quỹ của DN) với mức vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Nhưng hơn 10 năm nay hầu như không hoạt động được vì luôn bị ép là quỹ tài chính ngoài ngân sách phải tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên qua hoạt động cho vay và bảo lãnh vốn vay để tạo ra lợi nhuận đảm bảo tự chi thường xuyên. Trong khi bộ máy nhân sự của quỹ không đủ điều kiện làm chức năng cho vay và bảo lãnh vốn vay như ngân hàng. Vì vậy, quỹ đổi mới công nghệ quốc gia chưa giúp được DN và không hiệu quả.
4. Các DN cần tiếp cận với các chương trình KHCN cấp quốc gia và cấp bộ để có nguồn lực R&D và đổi mới CN. Cần thay đổi tư duy ngân sách nhà nước không hỗ trợ cho khu vực tư nhân để các DN tư nhân có thể được nhận hỗ trợ của Nhà nước - kênh hỗ trợ duy nhất được phép đối với thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Ở các nước tiên tiến, để ý tưởng KHCN được đầu tư và thương mại hóa, họ cũng phải chủ động đi tìm nhà đầu tư, chứ không hoàn toàn dựa vào sự hỗ trợ của Chính phủ. Muốn tìm nguồn đầu tư có hiệu quả, kể cả nguồn của tín dụng và chính sách thuế thì nhiều DN phải hướng CN của mình vào hướng DN xã hội vì cộng đồng. Các DN có chiến lược phát triển KHCN rõ ràng và khả năng ứng dụng cao đầy trách nhiệm xã hội, thể chế quản lý phải minh bạch mới phát triển bền vững.
Tiến sĩ Tô Văn Trường