Ngày 16/10, vụ tranh chấp quyền sở hữu tài sản và chia tài sản chung sau ly hôn - trị giá khoảng 288 tỷ đồng, giữa nguyên đơn Nguyễn Đức An (61 tuổi, Việt kiều Mỹ) và bị đơn Phạm Thị Ngọc Thúy (43 tuổi, siêu mẫu Ngọc Thúy) bước vào phần tranh luận.
Người đại diện theo uỷ quyền của ông Đức An giữ nguyên yêu cầu tòa giao toàn bộ tài sản đang tranh chấp cho nguyên đơn để sang tên cho 2 con gái chung với Ngọc Thúy, bởi số tài sản này được mua từ "nguồn tiền ông An có trước thời kỳ hôn nhân". Trong trường hợp tòa công nhận các tài sản tranh chấp là tài sản chung của vợ chồng, nguyên đơn đề nghị chia theo tỷ lệ: ông An nhận 70%, Ngọc Thúy 30% - đối với một số tài sản; còn một số bất động sản và cổ phần tại Công ty Bình Minh ở Vũng Tàu là của riêng ông An. Ông An muốn được nhận tài sản, sẽ trả cho Ngọc Thúy số tiền tương đương với giá trị cô được nhận.
Trong khi đó, đại diện bị đơn không đồng ý, đề nghị tòa chia theo tỷ lệ 50/50 bởi đây là tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân. Và Ngọc Thúy cũng muốn nhận tài sản, sẽ thanh toán 50% giá trị cho ông An.
Trong hơn một giờ phát biểu quan điểm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông An, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch cùng Cao Ngọc Sơn đã phân tích, đưa ra nhiều căn cứ đề nghị tòa công nhận 9 căn hộ tại quận 1 (5 căn Avalon tower, 4 căn Sailing Tower), một căn biệt thự tại quận Bình Thạnh, một căn hộ tại quận 7, 5 căn biệt thự tại Bình Thuận là tài sản riêng của ông An.
Ngoài ra, Thúy phải trả cho ông An tổng cộng hơn 224 tỷ đồng gồm: giá trị của 8 căn biệt thự tại Phan Thiết (đã bán), cổ phần tại hai công ty ở Vũng Tàu, tiền trong 3 tài khoản, gần 2 triệu USD (35 tỷ đồng) tiền chuyển vào tài khoản của mẹ Ngọc Thúy (bà Trương Thị Bê) để mua đất ở phường Thảo Điền, quận 2 (nay là TP Thủ Đức), tiền khai thác từ việc cho thuê 9 căn hộ cao cấp tại quận 1... và lãi suất phát sinh.
Luật sư cho biết, thân chủ là Việt kiều, đã kinh doanh và tạo lập được khối tài sản lớn tại Mỹ. Vì ông An muốn hồi hương đầu tư vào kinh doanh bất động sản ở Việt Nam nên đã chuyển tiền về cho Thúy mua các tài sản. Đây được cho là lý do có cuộc hôn nhân với Ngọc Thuý, để có người nhờ đứng tên mua tài sản trong bối cảnh pháp luật chưa cho phép ông An (có quốc tịch nước ngoài) đứng tên bất động sản.
Về việc Ngọc Thuý cho rằng số tiền để mua các tài sản vào năm 2007, 2008 (hơn 136 tỷ đồng) là "tiền có được từ công việc người mẫu, làm cho các tập đoàn lớn hay kinh doanh bất động sản", luật sư nói: "Bị đơn không đưa ra được tài liệu chứng minh nguồn gốc số tiền. Trong năm 2007 đến 2008 bị đơn liên tục sinh con thì làm cách nào để có thể tạo ra nguồn thu nhập hàng triệu USD để mua bất động sản?".
Quá trình tố tụng bà Trương Thị Bê đã nhiều lần khai với tòa rằng tất cả tài sản con gái mình đứng tên "đều có nguồn gốc từ việc ông An chuyển tiền". Những người thân khác của Ngọc Thuý cũng có lời khai tương tự.
Ngoài các tài liệu chứng cứ chứng minh nguồn gốc dòng tiền nguyên đơn gửi về, luật sư bảo vệ cho ông An cũng khẳng định căn cứ để buộc Thúy phải giao lại các tài sản là phán quyết ghi nhận sự thoả thuận của các bên năm 2011 của Tòa án cấp cao California, quận Santa Clara.
Về yêu cầu phản tố của siêu mẫu Ngọc Thúy, luật sư bảo vệ cho ông An đề nghị HĐXX không chấp nhận vì không có căn cứ.
Bị đơn: Chia 50/50 là thỏa đáng
Hơn hai giờ bảo vệ quyền và lợi ích của Ngọc Thúy trong phiên làm việc buổi chiều, luật sư Nguyễn Thị Minh Huyền cho rằng, bản thỏa thuận năm 2011 của Tòa án cấp cao California về việc giao tài sản vào công ty chung cho các con thì các bên phải xin lệnh của tòa án Việt Nam, phù hợp với các điều khoản và điều kiện được nêu trong thỏa thuận này, mới có thể được thực thi tại Việt Nam.
Theo luật sư, quan hệ hôn nhân giữa ông An và Ngọc Thúy là hợp pháp. Bị đơn thừa nhận ông An đã gửi về 47 tỷ đồng và 700.000 USD để mua một số tài sản và đây là tiền chung trong thời kỳ hôn nhân. Bằng chứng là, trên bản kê khai thuế chung của ông An và Ngọc Thúy nộp cho cơ quan chức năng tại Mỹ thể hiện cả hai người có khoản thu nhập chung là 2,6 triệu USD. Số tiền này do cả hai cùng bán căn nhà nên được xem là lợi tức có được trong thời kỳ hôn nhân. Việc sử dụng tài sản chung để mua tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân là hợp lý.
Phía ông An nhiều lần thay đổi lời khai về số tiền từ Mỹ gửi về, lúc cho rằng 13 triệu USD, lúc 5-6 triệu, nhưng không đưa ra được các chứng cứ chứng minh về những lần gửi tiền này. Trong khi đó Ngọc Thúy là người trực tiếp đứng ra giao dịch, chứng minh nguồn gốc nguồn tiền mua.
Đối với việc bà Bê từng có lời khai thừa nhận toàn bộ tiền mua tài sản do ông An gửi về, luật sư nói không có căn cứ. Bởi bà Bê không thể biết được việc ông An đưa cho Thúy bao nhiêu tiền để mua, Thúy có đóng góp thế nào vào việc tạo lập tài sản chung.
Nói về yêu cầu chia số tài sản đang tranh chấp theo tỷ lệ 50/50, luật sư cho là thỏa đáng, căn cứ khoản 2 Điều 59 Luật hôn nhân gia đình. Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc là chia đôi nhưng có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên.
Bị đơn là người cùng đóng góp tiền, trực tiếp tham gia việc mua, duy trì quản lý, phát triển tài sản trong 15 năm qua. Ngọc Thúy có lợi thế là người Việt, trực tiếp đứng tên các giao dịch, là người trực tiếp nuôi 2 con sau ly hôn mà không có trợ cấp của ông An. Do đó, việc giao tài sản này cho bị đơn tiếp tục quản lý và thanh toán bằng tiền cho ông An là có căn cứ, hợp lý.
Về việc ông An cho rằng nhờ bà Thúy đứng tên khi mua các tài sản ở Việt Nam, luật sư nói: "Một người chồng nói vợ đứng tên giúp mình là không có căn cứ. Thực tế là hai bên có quan hệ hôn nhân, có con chung, và quá trình mua tài sản bà Thúy là người đi mua, trả tiền".
Theo luật sư Huyền, số tiền cấp dưỡng ông An phải thực hiện để nuôi các con trong 15 năm qua theo phán quyết của tòa án Mỹ hiện đã lên tới 6 triệu USD (khoảng 155 tỷ đồng). Ông An từng thỏa thuận dùng tiền cho thuê 5 căn hộ tại quận 1 để cấp dưỡng cho con, song giờ lại đòi lại hết là không có trách nhiệm với con cái. Do đó, luật sư đề nghị tòa nghi nhận công sức đóng góp của người vợ trong việc tạo lập khối tài sản chung khi chia đôi.
Đối đáp lại, nguyên đơn bác bỏ các quan điểm của phía Ngọc Thuý. Trong đó, phía nguyên đơn cho rằng, khoản tiền 2,6 triệu USD mà ông An và Ngọc Thuý cùng khai báo thuế là có nguồn gốc từ việc bán căn nhà do ông An và vợ đầu tiên tạo lập.
Về việc không cấp dưỡng nuôi con, luật sư bảo vệ nguyên đơn cho rằng, toàn bộ khối tài sản đến nay đều do Ngọc Thúy đứng tên và quản lý. Mỗi tháng thu về 500 triệu hoa lợi lợi tức mà vẫn nói "ông An không cấp dưỡng nuôi con" là vô lý, và việc Ngọc Thuý kiện ông An ra tòa án Mỹ yêu cầu xử lý hình sự vì không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con là quá đáng.
Sau khi hai bên kết thúc tranh luận, đại diện VKS cho rằng đương sự đưa ra thêm nhiều chứng cứ mới nên cần thời gian để nghiên cứu toàn diện, trước khi phát biểu quan điểm giải quyết vụ án.
HĐXX quyết định tạm dừng phiên xử và sẽ mở lại vào chiều 26/10.
Hải Duyên
Xem thêm: lmth.0945664-yuht-cogn-av-na-cud-aig-iad-auig-nas-iat-pahc-hnart-ceiv-gnort-gnaht-gnac/ten.sserpxenv