Đám tang thì ai cũng thông cảm với ý nghĩ nghĩa tử là nghĩa tận. Nhưng còn tiệc cưới, thôi nôi, sinh nhật, họp mặt đồng hương các kiểu... đều có thể tổ chức nơi khác phù hợp hơn, cớ sao cứ dựng cái rạp, bày hàng chục bàn ăn chiếm hết cả con hẻm hoặc gần hết đường nội bộ khu dân cư?
Thông cảm cũng có giới hạn thôi
Những tiệc vui vẻ hát hò này thường không có bảng cảnh báo "nhà có đám", bởi sự thông cảm cũng có giới hạn thôi. Mấy ai an vui cho nổi trước cảnh tiệc vui nhà người hát hò ầm vang, thực khách ngồi ăn uống trong rạp dựng ở lòng đường, lối đi chung. Một lần ghé về nhà thăm mẹ, tôi đã từng phải gửi xe máy từ xa, len lách người qua lối đi dưới lòng đường (còn lại chưa đến 1m) đi bộ tới nhà mẹ.
Con đường nội bộ (đường cụt) rộng gần 8m, nhưng không còn đủ chỗ cho xe máy đi qua an toàn. Một rạp cưới dài mấy mươi mét (40 bàn) và một tiệc thôi nôi 10 bàn ở phía đối diện. Ước chừng cỡ 500 khách và mấy trăm chiếc xe máy của khách cũng chiếm một đoạn dài dưới lòng đường. Mươi chiếc ô tô cá nhân đậu gần đó nữa. Vỉa hè mỗi bên hơn 3m, xen lẫn những chậu cây kiểng trước mỗi nhà là nơi để thức ăn nước uống phục vụ tiệc. Cho nên ai có nhà ở khu vực tiệc tùng cũng phải len lỏi mới vào được nhà mình.
Tôi vào nhà mẹ được một lúc, người mẹ trẻ dắt bé gái đến trước nhà xin cho bé đi vệ sinh nhờ vì đám giữa đường không biết cho con đi chỗ nào. Nhà gia chủ đám cưới thì bài trí đủ thứ ngổn ngang, lại quá đông người ra vào... Thiệt là khổ cho thực khách tại những đám cưới giữa đường kiểu này!
Cuối đường nhà mẹ tôi có một khoảng đất khá rộng, lần nọ người ta dựng rạp làm tiệc họp mặt đồng hương cuối năm ở đó. Những người con xa quê thành đạt được mời đến cùng nhau hát từ 18h đến 22h, hàng xóm qua nhắc mới ngưng.
Đâu phải nơi nào cũng có thể bày tiệc
Chuyện xóm nhà mẹ tôi chỉ là một ví dụ thôi. Hiện tại thì đường hẻm, đường nội bộ, đường liên thôn, liên xã, đường tỉnh và quốc lộ cũng thường xuyên bị biến thành "sảnh tiệc". Một người bạn của tôi đã từng phải bỏ dở buổi tiệc cưới sau khi chưa xong món thứ nhất vì rạp cưới nằm trọn dưới lòng đường quốc lộ ở Bạc Liêu.
Ngồi trong rạp mà lạnh sống lưng vì xe tải, xe đò chạy qua chạy lại hai chiều, đường chật lại có rạp nên xe phải lượn mình né nhau. Ngồi mà thấp thỏm sợ lỡ khi bác tài lạc tay lái... Thôi đành viện lý do đứng lên sớm.
Theo luật giao thông, rạp lấn chiếm lòng đường là sai nhưng lâu nay hiếm có ai bị phạt! Lâu dần thành lỗi sai sờ sờ bị ngó lơ. Tôi và bạn, ai cũng từng phải quay xe đi đường khác vì rạp tiệc chiếm gần hết đường, có khi phải đi vòng vèo xa hơn cả cây số hoặc vào đường nhỏ ngoằn ngoèo khó đi để "né đám".
Tôi đồng tình với quy định nhà có đám phải báo cáo chính quyền khi dựng rạp và chấp hành đúng hướng dẫn, để xe trật tự, âm nhạc nếu có chỉ vừa đủ nghe. Xe máy, ô tô của khách phải có nơi dựng đậu trật tự. Nhiều lần đi viếng tang tôi thầm cảm ơn gia chủ và các anh dân quân tự vệ tổ chức giữ xe (miễn phí cho khách), xe được sắp xếp trật tự, đỡ phiền bà con xung quanh.
Việc này cần nhân rộng hơn. Đồng thời, cần có quy định những tiệc đông cả trăm người nên tổ chức ở mặt bằng phù hợp, không ảnh hưởng lớn đến đường giao thông. Đời có một lần, đừng để tiệc đám cưới nhà mình gây bất an và nguy hiểm cho cộng đồng.
Tiệc phải đúng nơi đúng chỗ
Các khu dân cư nhà phố nhỏ hẹp không có sân riêng, cực chẳng đã đám tang phải tổ chức tại nhà. Các tiệc khác thì nên tổ chức nơi phù hợp để không phiền hàng xóm và người đi đường. Tôi nghĩ về những nhà cộng đồng ở các chung cư, nhà văn hóa phường, xã... Đó là những nơi cư dân có thể tổ chức đám tiệc một cách văn minh lịch sự và ít phiền hà nhất.
Thật trớ trêu là nhiều phường xã có nhà văn hóa, có không gian có thể tổ chức 30-40 bàn tiệc nhưng không mấy khi có ai thuê mặt bằng. Người người vẫn quen kiểu rạp tiệc ngay trước nhà mình cho tiện lợi và tiết kiệm. Và cũng đã có tai nạn thảm khốc khi xe ô tô tông vào rạp cưới dưới lòng đường, ngày vui thành ngày đại tang.
Dựng rạp cưới trên đường song hành xa lộ Hà Nội (phường Linh Trung, TP Thủ Đức, TP.HCM), một hộ dân vừa bị xử phạt vi phạm hành chính vì lấn chiếm lòng đường.