vĐồng tin tức tài chính 365

'Hoa trên bản' xuống núi 'bắt cái chữ'

2023-10-18 14:51
Tại Trung tâm Công tác xã hội và bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái, khoảng trống ký ức tuổi thơ của Dua được lấp đầy bằng những kỷ niệm đẹp với các em ở trung tâm - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Tại Trung tâm Công tác xã hội và bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái, khoảng trống ký ức tuổi thơ của Dua được lấp đầy bằng những kỷ niệm đẹp với các em ở trung tâm - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Những lúc buồn ở một mình, cô tân sinh viên Lù Thị Dua (18 tuổi, dân tộc Mông, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai) đều ngân nga những bài hát về gia đình. Trong cuốn vở ghi chép, Dua nắn nót lời bài hát Cả nhà thương nhau mà em đã thuộc nằm lòng.

Những đóa hoa trên núi đá

- Em còn nhớ mặt bố mẹ không?

Không ạ.

- Em còn nhớ quê hương mình không?

Có ạ. Em nhớ bản làng, nhớ quê hương Mù Cang Chải…

Bông hoa từ vùng núi cao Mù Cang Chải

12 năm trước, em Lù Thị Dua (ở Mù Cang Chải, Yên Bái) cùng em trai được gửi đến Trung tâm Công tác xã hội và bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái nuôi dưỡng.

Năm Dua 4 tuổi, bố đột ngột qua đời vì tai nạn. Sau đó một năm, mẹ cũng qua đời vì bị sét đánh. Chỉ trong hai năm ngắn ngủi, hai chị em Dua trở thành trẻ mồ côi.

Trong trái tim của cô bé dân tộc Mông luôn khát khao cháy bỏng về một gia đình hạnh phúc có đủ đầy bố mẹ, dù nghèo khó nhưng rất yêu thương nhau.

Ước mơ của Dua là một ngày nào đó sẽ được trở về góp sức cho quê hương Mù Cang Chải phát triển du lịch - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Ước mơ của Dua là một ngày nào đó sẽ được trở về góp sức cho quê hương Mù Cang Chải phát triển du lịch - Ảnh: NGUYÊN BẢO

"Em đi học, những năm cấp hai, lúc đấy cũng hơi biết biết, có mấy bạn trong lớp thường hay nói: "Kìa, đứa nhà quê kìa", "Kìa, đứa mồ côi không có bố mẹ". Em khóc, cũng buồn lắm" - Dua nhớ lại.

Suốt 12 năm qua, khoảng trống ký ức tuổi thơ của Dua được khỏa lấp bằng những kỷ niệm vui với bạn bè, với các em ở trung tâm. Ở đó, ai cũng có hoàn cảnh đặc biệt, có bạn mất bố, có bạn mất mẹ, có bạn mất cả bố lẫn mẹ như chị em Dua.

Ở phòng, Dua được mấy em gọi là "chị cả". Ai cho Dua quà bánh hay quần áo đẹp, Dua đều nhớ để dành phần cho các em. Vậy nên mấy đứa trẻ ai cũng yêu thương, cũng quý chị Dua lắm.

Nay Dua đỗ đại học, rời xa "ngôi nhà chung" để bước đến môi trường mới. Trước khi đi, cô chú ở trung tâm dặn dò em ngoài việc học cần cố gắng học thêm các kỹ năng sống để phòng tránh các nguy cơ ở bên ngoài.

"Ước mơ của em là một ngày nào đó sẽ được trở về quê nhà, góp sức cho quê hương Mù Cang Chải phát triển du lịch" - Dua mong ước với quyết tâm theo đuổi ngành du lịch.

May mắn ở môi trường mới, Dua xin được phụ việc ở căng tin ký túc xá. Dua nói sẽ cố gắng đi làm thêm để lo thêm tiền học tập, sinh hoạt phí, tiết kiệm tiền để theo đuổi con đường học tập và sau này còn lo cho em trai nữa.

Dua xin phụ việc ở căng tin ký túc xá để trang trải sinh hoạt phí - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Dua xin phụ việc ở căng tin ký túc xá để trang trải sinh hoạt phí - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Ước vọng của Phe

Từ trung tâm Lào Cai, chẳng biết ngược lên bao nhiêu ngọn núi, cung đèo uốn lượn thì nếp nhà của tân sinh viên Sào Thó Phe mới thấp thoáng hiện ra trong làn mây mù bao phủ trên đỉnh Tơ Phồ Xa (thôn Lao Chải, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát).

Ở bản xa nhất ấy, Phe như bông hoa nở trên đỉnh núi, mang trong mình khát khao cháy bỏng là "bắt lấy cái chữ" về giúp bản làng.

Bố mẹ mất hết rồi, chỉ còn mấy anh em Phe sống nương tựa vào nhau. Nhưng nỗi đau tiếp tục ập đến khi anh trai cả mất vì bạo bệnh. Sau này các chị gái cũng đi lấy chồng xa, nay chỉ còn lại ba anh em Phe sống quanh nếp nhà xưa bố mẹ để lại.

Trên đỉnh Tơ Phồ Xa, Phe như bông hoa trên đỉnh núi - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Trên đỉnh Tơ Phồ Xa, Phe như bông hoa trên đỉnh núi - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Trong nhà chẳng có lấy vật gì đáng giá, song, đổi lại tình yêu thương của anh trai luôn chở che cho cô gái dân tộc Hà Nhì vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên cũng có lúc Phe tủi thân. Đó là khi em bị bạn bè trêu chọc vì nhà nghèo, vì không có bố mẹ. Hay những lúc phải nộp tiền học phí mà trong ví chẳng có đồng nào.

"Nhiều lúc các bạn cứ trêu em là không có bố mẹ thì em cũng rất buồn. Nhưng em không thể từ bỏ được đi học" - Phe bày tỏ.

Nhà nghèo quá, làm nương rẫy chẳng thể đủ ăn, Phe phải đi làm từ nhỏ - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Nhà nghèo quá, làm nương rẫy chẳng thể đủ ăn, Phe phải đi làm từ nhỏ - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Phe được về ở với vợ chồng anh trai Sào Thó Xá (anh trai Phe), nhưng nhà hoàn cảnh quá, vợ anh lại thường xuyên đau ốm. Nhà chẳng có ruộng nương, phải mượn tạm nương rẫy của người ta để canh tác. Anh trai thương Phe lắm, nhưng nhà khổ quá rồi, chẳng có tiền để giúp được em gái đi học.

Vừa qua Phe trúng tuyển vào Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai. Thương em ham học, nhưng nhà nghèo lấy đâu ra tiền hỗ trợ em gái suốt 4 năm đại học. Vậy là anh Xá ngập ngừng hỏi Phe: "Hay là dừng lại?".

"Nhưng nó (Phe) bảo: "Anh ơi, bây giờ em bắt buộc phải đi học, nếu mà không đi học, nó không có tương lai gì, cố gắng đi thôi. Em vừa đi làm thêm, vừa học, lúc nào mà em cực quá thì anh giúp cho em một tí". Nó bảo thế. Nên cho nó đi học thôi" - anh Xá bộc bạch.

Bố mẹ mất sớm, mấy anh em Phe nương tựa vào nhau. Các anh không được học nhiều, trong nhà ai cũng mong Phe được đi học - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Bố mẹ mất sớm, mấy anh em Phe nương tựa vào nhau. Các anh không được học nhiều, trong nhà ai cũng mong Phe được đi học - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Đi học rồi, Phe càng thương anh chị nhiều hơn. Gia đình cực khổ quá, các anh chị của Phe chẳng được đi học. Không được đi học, cái chữ cũng không biết nên cái nghèo cứ bám riết.

Từ trên đỉnh núi cheo leo, Phe chọn xuống núi "bắt lấy cái chữ" để cuộc đời đỡ cơ cực, để thoát khỏi cái nghèo đeo đẳng. Vừa xuống núi, em đã xin ngay việc làm thêm để trang trải cho chặng đường học sắp tới.

"Bây giờ nhà em chỉ còn mỗi mình em đi học, em muốn sau này mình trở thành một phiên dịch viên thật giỏi để kiếm thật nhiều tiền phụ giúp anh chị, cho anh chị đỡ khổ, cho hai cháu được đi học tiếp" - tân sinh viên Sào Thó Phe chia sẻ.

Trong 81 tân sinh viên nhận học bổng Tiếp sức đến trường khu vực Tây Bắc sáng 18-10 tại Lào Cai, ban tổ chức quyết định trao học bổng đặc biệt suốt bốn năm học cho hai em Lù Thị Dua và Sào Thó Phe.

'Hoa trên bản' xuống núi 'bắt cái chữ' - Ảnh 11.

Hạnh ơi, cố lên!Hạnh ơi, cố lên!

Như bông hoa nở giữa núi rừng, vượt qua bao nhọc nhằn, Lò Thị Hạnh đã chạm đến ước mơ giảng đường, đi 'bắt lấy cái chữ để không lấy chồng sớm' như bao bé gái người Dao quê mình.

Xem thêm: mth.88183559171013202-uhc-iac-tab-iun-gnoux-nab-nert-aoh/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“'Hoa trên bản' xuống núi 'bắt cái chữ'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools