Ngày 20/10/2023, Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn (Công ty VTSG) sẽ chính thức mở bán vé tàu cá nhân Tết Giáp Thìn 2024. Trước thời điểm này, lãnh đạo Công ty VTSG cho biết, đợt mở bán vé Tết năm nay có nhiều điểm đổi mới hướng vào chất lượng và dịch vụ.
Ứng dụng công nghệ trong bán vé
Đầu tháng 10/2023, Công ty VTSG đã thông báo lịch chạy tàu phục vụ Tết nguyên đán. Theo đó, từ ngày 26/1 đến hết 26/2/2024 (tức từ 16 tháng Chạp đến 17 tháng Giêng) sẽ có 10 đôi tàu Thống Nhất (Sài Gòn - Hà Nội và ngược lại), 12 đôi tàu khu đoạn từ TP Hồ Chí Minh đi Vinh, Đồng Hới, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết; Hà Nội đi Vinh, Đà Nẵng và ngược lại.
Số chỗ cung ứng là hơn 200.000 cho 10 ngày trước Tết và 15 ngày sau Tết.
Ga Sài Gòn mở bán vé tàu Tết cho hành khách cá nhân từ 8h sáng ngày 20/10. Ảnh Phương Nhi
Hiện, đã có hơn 9.000 vé tàu tập thể được đăng ký và đơn vị đang tiến hành xuất vé. Riêng với vé tàu cá nhân, bắt đầu mở bán từ 08h sáng ngày 20/10, mỗi hành khách được đặt chỗ và mua không quá 10 vé cho chiều đi và 10 vé cho chiều về.
Chia sẻ với VTV News, Ông Thái Văn Truyền - Tổng giám đốc Công ty VTSG cho biết, đợt mở bán vé Tết Giáp Thìn sẽ có nhiều điểm mới trong ứng dụng công nghệ: "Chúng tôi hiện đang từng bước nâng cấp để mang lại nhiều tiện ích hơn cho người dân. Hệ thống bán vé lẻ hiện nay cũng đã được nâng cấp để đảm bảo không bị những vấn đề như nghẽn mạng. Vào đợt bán vé Tết Quý Mão 2023, thời điểm lượng truy cập lớn nhất là hơn 50.000 người cũng chỉ chiếm 45% dung lượng của hệ thống. Ngoài ra chúng tôi còn phối hợp với các đối tác để chuẩn bị sẵn sàng hệ thống dự phòng khi có trục trặc".
Ông Thái Văn Truyền - Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn. Ảnh Phương Nhi
Đại diện Công ty VTSG cũng cho biết thêm, ngoài việc tích hợp các tiện ích thanh toán, kiểm tra vé, nhận vé trên trang web thì đơn vị còn có ứng dụng bán hàng trên tàu. Thông qua việc quét mã QR hành khách có thể đặt đồ ăn và thức uống tại chỗ, sau đó nhân viên sẽ mang đến phục vụ tận nơi.
"Hiện tại chúng tôi cũng đã đa dạng các hình thức bán vé như bán vé tại nhà ga, các điểm bán vé và đại lý, bán thông qua website, qua các ví điện tử như Momo, VNPay, ViettelPay, qua apps hoặc thông qua các tổng đài điện thoại. Chúng tôi khuyến khích người dân mua vé trực tiếp tại các kênh chính thống, không mua vé qua các đối tượng "cò mồi, chợ đen" vừa mất tiền và không có giá trị để đi tàu", ông Truyền nói.
Box: Giá vé cao điểm Tết cao nhất ở chiều cao nhất đối với giường nằm mềm tầng một từ TP Hồ Chí Minh về TP Hà Nội và ngược lại là 2.950.000. Còn giá ghế ngồi thì khoảng 1.950.000. Giá vé này so với tết Quý Mão cũng tăng từ 1 - 4%, tùy từng chặng, loại tàu và khoang tàu. Tuy nhiên với chiều vắng khách giá vé giảm sâu từ 1 – 8% so với năm ngoái.
Bán vé không chạy theo số lượng
Ngoài việc tích hợp tiện ích trong dịch vụ đặt vé, thanh toán, và nhận vé qua các địa chỉ đăng ký, Công ty VTSG nhận định, ngành đường sắt có tỉ trọng vận tải hành khách khá cao, việc tìm kiếm các giải pháp để nâng cao chất lượng phục vụ và phương tiện để thu hút hành khách sử dụng đường sắt được chú trọng.
"Đối với đường sắt hiện nay thì chúng tôi thấy mình đang định vị mình bằng những yếu tố khác nhau. Các khách hàng có cự li di chuyển trung bình, tức là khoảng dưới 1.000km, là tệp khách hàng mà chúng tôi có lợi thế. Các nhà ga cũng được đặt ở những vị trí thuận tiện như nằm ở trung tâm các thành phố và thị trấn. Tàu hỏa cũng là một phương tiện có độ an toàn cao và đúng giờ. Vậy nên đối với những hành khách có cự li di chuyển dưới 1.000km thì đường sắt là một lựa chọn phù hợp".
Các nhà ga, toa tàu hướng vào chất lượng dịch vụ. Ảnh Phương Nhi
Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ đi lại vào dịp cao điểm tết, giữ chân khách hàng, đại diện ngành đường sắt Sài Gòn cho rằng phải tiếp tục đưa ra các cái giải pháp để nâng cao chất lượng. Theo đó, hiện nay trên các toa tàu, vấn đề vệ sinh trên được đảm nhiệm bởi các nhân viên chuyên trách, được bố trí xuyên suốt hành trình. "Bởi vì đặc trưng phương tiện là sẽ có nhiều hành khách lên xuống trong suốt quá trình nên cần phải đảm bảo vệ sinh được thường xuyên, liên tục".
Ngoài ra thì việc cải tạo và nâng cấp các toa xe cũng được Công ty VTSG chú trọng. Không chỉ để đảm bảo an toàn, thoải mái cho hành khách mà còn là về mặt thẩm mĩ.
"Tuy nhu cầu mỗi dịp Tết tăng cao nhưng chúng tôi cũng không quá chạy theo số lượng nữa. Những năm trước chúng tôi thường bổ sung thêm ghế phụ và chuyển đổi giường nằm mềm tầng 1 thành 3 ghế, nhưng từ 2 năm nay thì không làm như vậy nữa". Ông Truyền phân tích, nhu cầu hành khách đi tàu dịp tết thì nhiều, có thể trong một vài ngày cao điểm không phục vụ được hết, nhưng chất lượng phải được đảm bảo. Đơn cử như việc bán ghế phụ, chỉ khi nào khách thực sự có nhu cầu thì mới bán ghế phụ chứ công ty không có chủ trương. Ghế phụ ở những toa ghế ngồi mềm và giường nằm sẽ bán tối đa là 7 ghế, những toa ghế ngồi cứng có máy lạnh bán tối đa là 10 ghế. Thế nhưng số toa ghế ngồi cứng có máy lạnh không nhiều, công ty chỉ có 10 toa thôi, thế nên cũng hạn chế tối đa việc bán ghế phụ những toa này.
Sẽ có hơn 200.000 chỗ được Cty VTSG cung ứng cho hành khách trong 10 ngày trước Tết và 15 ngày sau Tết Giáp Thìn.
Tình hình kinh doanh có khởi sắc: Sau dịch COVID-19, Công ty VTSG có mức tăng trưởng doanh thu vận tải hàng hóa ngành đường sắt năm 2022 lớn nhất của công ty từ trước tới nay. 9 tháng đầu năm 2023, vận tải hàng hóa có sụt giảm so với năm 2022 nhưng tăng so với năm 2019.
Với vận tải hành khách, 6 tháng đầu năm 2023, lượng khách tăng trưởng tốt so với cùng kì và tăng khá cao. 3 tháng gần đây có dấu hiệu chững lại do những tác động chung của tình hình kinh tế. Dự kiến trong quý 4 năm 2023 vận tải hành khách và hàng hóa sẽ có phục hồi tăng trở lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.84201045191013202-gnod-ueirt-3-nag-tahn-oac-4202-niht-paig-tet-uat-ev/et-hnik/nv.vtv