Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp, bốn nhà thầu thi công được giao đầy đủ hồ sơ bốn mỏ cát gồm vị trí, trữ lượng, báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Công ty cổ phần Hải Đăng được bàn giao mỏ cát thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự; Công ty cổ phần xây dựng Tân Nam được bàn giao mỏ cát xã Tân Mỹ, Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò; Công ty TNHH sản xuất và xây dựng Thi Sơn nhận mỏ cát xã Định Yên, huyện Lấp Vò; Tổng công ty xây dựng Trường Sơn nhận mỏ cát xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh và xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò.
Ông Trần Văn Thi - giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận - cho biết mỏ cát đầu tiên bàn giao trước đó đã khai thác được 13.000m3, trung bình mỗi ngày 2.000m3, hướng tới sẽ tăng lên 4.000 - 5.000 m3/ngày. Bốn mỏ được bàn giao lần này tổng trữ lượng khoảng 3,2 triệu m3.
"Tôi kiến nghị các địa phương thực hiện công bố giá vật liệu tại mỏ, Ban quản lý dự án sẽ xây dựng giá theo quy định, có thể kéo giãn thời gian khai thác, tránh gây áp lực lên các mỏ.
Đồng thời, các đơn vị được giao phối hợp chặt chẽ tránh tình trạng thất thoát, bán lậu ra bên ngoài, không phải bàn giao là xong, thường kỳ họp giao ban để thông tin tình hình, giải quyết khó khăn, giám sát và kiểm soát theo đúng quy định", ông Thi nói.
Ông Phạm Thiện Nghĩa - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết giao mỏ cho nhà thầu chưa có tiền lệ, do đó tỉnh vừa làm vừa nghiên cứu, không bỏ bước, không sai quy định và phối hợp chặt chẽ với nhà thầu đúng chủ trương Chính phủ.
"Tôi đề nghị nhà thầu tuyệt đối đảm bảo chủ trương của Nhà nước, trong quá trình khai thác đảm bảo an toàn, đúng chỉ định, vận chuyển đúng mục đích. Nếu có sơ suất sẽ làm ảnh hưởng chung đến mục tiêu của quốc gia và hình ảnh doanh nghiệp, do đó mong các bên có sự phối hợp tốt", ông Nghĩa nói.
Trong bối cảnh chưa có nguồn vật liệu thay thế khiến các dự án đường cao tốc khu vực miền Tây có nguy cơ chậm tiến độ, sáng 20-9 tỉnh Đồng Tháp đã bàn giao một mỏ cát dành riêng cho những dự án giao thông trọng điểm này.