Ngôi nhà của chị Thái Thị Nhung ở sát mép biển thuộc thôn Mạch Nước, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Những ngày này gia đình như tràn ngập niềm vui khi chị Nhung được chọn là một trong 40 hộ nông dân của Quảng Trị tham gia chương trình Tiếp sức nhà nông.
Tìm thấy lối đi
Mấy hôm nay chị ở nhà dọn dẹp lại khoảnh đất sau vườn để chuẩn bị cho một hành trình mới: Hành trình chăn nuôi gà cải thiện sinh kế gia đình từ khoản vốn vay không lãi suất mà chương trình Tiếp sức nhà nông hỗ trợ.
Thật khó để có thể hình dung hết những gập ghềnh mà người phụ nữ đã trải qua trong hai năm qua. Ngôi nhà đơn sơ nhưng yên ấm thì bỗng sóng gió ập đến khi chồng chị lâm bệnh nặng rồi qua đời.
Mất đi trụ cột, đôi vai gầy của chị càng thêm oằn xuống vì phải gồng gánh nuôi 4 đứa con ăn học và mẹ chồng ngoài 80 tuổi. Số phận chưa buông tha khi người mẹ già ngã quỵ vì tai biến sau đó. Một tay chị vừa phải nuôi 4 người con ăn học, vừa phải lo cho mẹ chồng bị bệnh gần như không thể tự sinh hoạt.
Bình thường chị làm nghề hái củi trên rừng về bán. Ngoài ra, chị còn nuôi thêm vài con bò, gà để hỗ trợ thêm thu nhập. Nhưng từ khi chồng mất rồi mẹ chồng đổ bệnh, chị phải bán hết bò, gà đi để có tiền lo cho con và mẹ chồng. Kinh tế gia đình gần như kiệt quệ.
"Nhiều khi cũng muốn làm thêm việc gì đó để có thêm chút tiền lo cho con. Nhưng không có vốn. Không biết xoay xở ra sao", chị Nhung nhớ lại lúc bế tắc.
Nguồn vốn 20 triệu đồng từ chương trình Tiếp sức nhà nông như gieo vào ngôi nhà này một niềm hy vọng. Từ số tiền này, chị mạnh dạn đầu tư mua 200 con gà giống để nuôi.
Mảnh vườn sau nhà được chị dùng lưới quây lại một khoảnh rộng để đủ diện tích cho số gà giống có điều kiện sống tốt nhất. Ở giữa, khu chuồng có mái che cũng được chị sửa sang để gà có chỗ trú ngụ ấm áp qua mùa mưa gió.
"Không thể tả được niềm vui này. Mơ ước lâu nay của tui đã được thực hiện theo cách không thể ngờ. Đàn gà 200 con này nếu được chăm sóc tốt sẽ mang lại nguồn thu nhập lớn và bền vững cho gia đình. Con cái tui có đứa sắp vào đại học cũng nhờ đến đàn gà này để đi học", chị Nhung cười tít mắt.
"Như người thân"
Chị Nguyễn Thị Thúy, trú thôn Tân Thuận, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, dù không đến mức bi đát như chị Nhung, nhưng cái khó cái nghèo vẫn đeo đẳng gia đình này nhiều năm qua.
Gia đình chị vốn thuần nông với công việc chính là chăn nuôi lợn, gà. Đã có thời điểm chị Thúy nuôi đến 4 con lợn nái. Với hệ thống chuồng trại được đầu tư khá cơ bản, dù không dư giả nhưng chị cũng gắng nuôi được hai con ăn học đàng hoàng.
Nhưng rồi đến năm 2017, chồng chị phát bệnh lao phổi không làm được việc nặng. Đến khoảng cuối năm 2018, một trận dịch tả lợn châu Phi ập tới đã khiến toàn bộ lợn của chị nhiễm bệnh phải tiêu hủy. Từ đó, chị không còn đủ sức để vực lại việc chăn nuôi lợn như trước nữa. Chuồng trại từ đó phải bỏ không.
Đến năm ngoái, chị mới tích cóp được để mua lại một con lợn nái làm giống. Nhưng đó cũng là lúc con trai đầu của chị lên học cấp ba, còn con gái út cũng vào cấp hai. Chi phí học hành của con tăng lên theo từng bậc lớp cũng là lúc cuộc sống của gia đình chị thêm chồng chất khó khăn. Và khi hệ thống chuồng trại phải bỏ không thì chị thấy mình cần thêm lợn giống để thoát nghèo nhất.
"Nhiều khi cũng muốn vay vốn làm một việc gì đó để thoát cảnh nghèo. Nhưng nghĩ lại chị lại không dám vay vì thu nhập không đủ để trả lãi hằng tháng. Thêm nữa còn chi phí lo cho con học hành, thuốc thang cho chồng, rồi phí sinh hoạt", chị Thúy lo lắng.
Và đến khi biết mình được hỗ trợ vốn trong chương trình Tiếp sức nhà nông, việc đầu tiên chị làm là ngay lập tức đi dọn dẹp lại hệ thống chuồng lợn. Bốn chuồng dành cho lợn nái và một chuồng cho lợn thịt được chị tính toán kỹ để bắt đầu một hành trình mới, với đầy những hy vọng.
"Chương trình Tiếp sức nhà nông cho tui cảm giác như người thân của mình. Chỉ người thân mới cho mượn vốn làm ăn mà không lấy lãi như rứa. Tui có vốn để vực lại đàn lợn cũng đồng nghĩa gia đình tui có cơ hội để thoát nghèo", chị Thúy vui mừng nói.
Các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai mong muốn được hỗ trợ, giúp sức để vươn lên làm giàu từ chăn nuôi trồng trọt, mong cuộc sống bớt khó khăn, lo cho con cái ăn học tới nơi, tới chốn.