Lượt khách vượt xa kế hoạch
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong 10 tháng của năm 2023 ngành du lịch đã đón gần 10 triệu lượt khách quốc tế. Trong đó, riêng tháng 10, du lịch Việt Nam đón 1,11 triệu lượt khách quốc tế. Như vậy, đây là tháng thứ 4 liên tiếp ngành du lịch đón trên 1 triệu lượt khách quốc tế.
Về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 10 tháng đầu năm 2023 với 2,9 triệu lượt; thị trường Trung Quốc đạt 1,3 triệu lượt, xếp ở vị trí thứ 2. Tính riêng lượng khách từ 2 thị trường này chiếm 42% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Tiếp theo là Mỹ (thứ 3): 667 nghìn lượt; Đài Loan, Trung Quốc (thứ 4) 606 nghìn lượt; Nhật Bản (thứ 5): 469 nghìn lượt.
Xếp ở 3 vị trí tiếp theo trong tốp đầu là 3 thị trường khu vực Đông Nam Á, gồm có: Thái Lan (392 nghìn lượt); Malaysia (372 nghìn lượt); Campuchia (326 nghìn lượt). Tiếp theo là thị trường Úc và Ấn Độ cùng đạt 314 nghìn lượt.
Ở châu Âu, 3 thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam gồm có: Anh (206 nghìn lượt), Pháp (169 nghìn lượt) và Đức (159 nghìn lượt). Thị trường Nga đạt 98 nghìn lượt.
Trong tháng 10/2023, hầu hết các những thị trường lớn đều tăng trưởng, trong đó: Hàn Quốc (+3,4%), Mỹ (+8,9%), Trung Quốc (+6,8%) tăng nhẹ. Động lực lớn đến từ thị trường Thái Lan (+35,1%), Đài Loan, Trung Quốc (+18,7%), Úc (+17,2%), Ấn Độ (+15,5%).
Các thị trường chính ở Châu Âu tiếp tục đạt mức tăng trưởng tốt so với tháng 9, gồm có: Anh (+12,9%), Pháp (+11,6%), Đức (+16,7%). Một số thị trường khác quy mô nhỏ nhưng có mức tăng khá cao như: Đan Mạch (61,7%), Thụy Sĩ (+54,1%), Phần Lan (+42,8%), Thụy Điển (+30,3%)...
Với những nỗ lực vượt khó của toàn ngành trong thời gian qua triển khai các hoạt động phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, xúc tiến quảng bá…, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã vượt xa kế hoạch đề ra từ đầu năm.
Căn cứ tình hình thực tế, vừa qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã điều chỉnh mục tiêu đón khách quốc tế năm 2023 từ 8 triệu lên khoảng 12 - 13 triệu lượt, nhằm tạo động lực mới góp phần đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển ngành du lịch hiệu quả, bền vững.
Chia sẻ với Kinh tế đô thị, Giám đốc Công ty Du lịch Vietfoot Travel Phạm Duy Nghĩa cho rằng, mục tiêu đón 12-13 triệu lượt khách quốc tế hoàn toàn có thể đạt được bởi mùa cao điểm đón khách quốc tế mới chỉ bắt đầu.
“Từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau là thời điểm khách nước ngoài đến Việt Nam đông nhất vì họ rất thích mùa Thu và mùa Xuân ở Việt Nam. Vì thế, từ nay đến cuối năm 2023 và sang đến đầu năm 2024, lượng khách quốc tế sẽ ngày càng tăng trưởng. Những tháng cuối năm, ngành du lịch sẽ đón được khoảng 4 triệu lượt khách quốc tế, kịp hoàn thành mục tiêu mới trước khi kết thúc năm 2023”, ông Nghĩa kỳ vọng.
Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Công ty lữ hành Vietluxtour Trần Thế Dũng cũng cho rằng, quý IV hằng năm là mùa cao điểm đón khách inbout (khách quốc tế vào Việt Nam), cộng với xu hướng du lịch trên thế giới phục hồi nên con số 13 triệu lượt khách quốc tế hoàn toàn khả thi và phù hợp. Hiện Vietluxtour đã có nhiều tour vào những tháng cuối năm phục vụ khách quốc tế.
Mặc dù các doanh nghiệp du lịch đều cho rằng thời gian từ nay đến hết năm 2023, du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục tăng tốc, tuy nhiên nhiều chuyên gia du lịch cho rằng để có thể tăng tốc đòi hỏi cơ quan quản lý cần tháo gỡ những bất cập về dịch vụ du lịch.
Về vấn đề này TS.Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) nêu rõ, chính sách visa thông thoáng đã thu hút du khách quốc tế chọn Việt Nam làm điểm đến nhưng đây chỉ là điều kiện cần, chưa phải điều kiện đủ.
Có như vậy là bởi khách quốc tế vào Việt Nam thường sẽ xem môi trường du lịch có thuận lợi và có những điểm thu hút hay không hoặc văn hóa có gì độc đáo? Nếu khách du lịch quốc tế vào Việt Nam không có nhiều dịch vụ để chi tiêu thì chỉ đến một lần và sẽ không quay lại nữa.
Ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp cho thấy từ nay đến hết năm 2023 ngành du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục tăng tốc đón khách quốc tế, tuy nhiên để thu hút du khách đòi hỏi cần nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng tour tuyến qua đó đáp ứng nhu cầu của du khách.
Cần chú trọng khai thác “mỏ vàng” MICE
Theo dữ liệu từ CBI (Trung tâm Xúc tiến Nhập khẩu từ các nước đang phát triển) thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan, MICE là thị trường đóng góp doanh thu cao nhất cho ngành du lịch. Năm 2019, thị trường MICE thu về trên toàn cầu 916 tỷ USD và dự kiến đạt 1.439 tỷ USD vào năm 2025. Đến năm 2030, doanh thu dự kiến 1.780 tỷ USD. Châu Âu là thị trường MICE lớn nhất thế giới, trong khi châu Á đang ngày càng chú ý đến du lịch MICE.
Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa thực sự thu được nhiều lợi nhuận từ tệp khách hàng chi trả cao này dù ngành du lịch coi việc phát triển du lịch MICE là một trong những định hướng quan trọng đến năm 2025.
"Chúng ta gần như chưa có các thống kê, nghiên cứu chuyên sâu về thị trường này", Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Nguyễn Anh Tuấn phát biểu trong hội thảo Du lịch MICE: Xu hướng và Cơ hội, diễn ra tại Hà Nội vào đầu tháng 9 vừa qua.
Khách MICE là những người được mời tham dự sự kiện du lịch do một đơn vị tổ chức. Chân dung khách MICE được phác họa trên toàn cầu thường là những khách VIP, có vị trí quan trọng, ảnh hưởng ở phạm vi rộng, thu nhập cao hoặc khả năng chi trả cao.
Các cuộc hội thảo nằm trong chuyến du lịch MICE thường được tổ chức tại khách sạn, khu nghỉ dưỡng 4-5 sao và sử dụng các dịch vụ chất lượng cao. Tuy nhiên, đây cũng là những khách hàng khắt khe, đòi hỏi sự chuyên nghiệp cao trong dịch vụ.
MICE không phải là loại sản phẩm du lịch mới và đang được nhiều quốc gia đẩy mạnh bởi giá trị mang lại cao hơn nhiều so với du lịch cá nhân hay du lịch nhóm. Thái Lan và Singapore là những nước đi đầu về du lịch MICE ở Đông Nam Á.
Tiến sĩ Lê Anh, Phó chủ tịch CLB MICE Việt Nam (thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam) nhận định với Vnexpress, trước dịch Việt Nam nổi lên là điểm đến du lịch MICE hàng đầu khu vực. Theo ước tính của các doanh nghiệp trong nước, khách MICE ở các công ty lữ hành chiếm trung bình 15-20% tổng lượng khách và lên đến 60% tại một số đơn vị lớn trong những tháng cao điểm.
Khách MICE châu Âu chiếm khoảng 20% và là dòng khách cao cấp, mức chi tiêu 700-1.000 USD một ngày, khách châu Á chi tiêu hơn 400 USD một ngày. Đây là số tiền chi trả cao, khi trung bình chi tiêu của một khách du lịch đến Việt Nam trong 9 ngày là 1.200 USD, theo khảo sát của Cục Du lịch Quốc gia.
CEO Vietluxtour Hà Nội Lê Hạnh nhận xét sau dịch nền kinh tế các nước trên thế giới và Việt Nam khó khăn hơn. Khách thắt chặt chi tiêu nhưng vẫn có doanh nghiệp dành ngân sách cho du lịch MICE. Do đó hậu Covid-19, Việt Nam vẫn có nhiều dư địa phát triển và cơ hội kiếm tiền từ dòng khách du lịch hạng sang này.
Theo đánh giá từ các chuyên gia du lịch, Việt Nam có lợi thế rất lớn để làm du lịch MICE như văn hóa bản sắc, ẩm thực phong phú, bờ biển dài và đẹp, cảnh quan thiên nhiên đa dạng và an toàn. Dù Singapore là thị trường hàng đầu về du lịch MICE tại Đông Nam Á, nơi này quá hiện đại, khách đến chủ yếu đi mua sắm. Trong khi đó khách MICE đang hướng tới các trải nghiệm tìm về nơi hoang sơ, gắn liền với thiên nhiên hoặc tìm hiểu cuộc sống, văn hóa địa phương sau khi các cuộc hội thảo kết thúc. Việt Nam có đầy đủ các ưu thế để đáp ứng nhu cầu đó của khách du lịch.
"Nếu chúng ta làm tốt việc quảng bá để thu hút khách MICE, Việt Nam có thể sẽ kiếm được rất nhiều tiền từ dòng khách này", đại diện một công ty du lịch chuyên đón khách MICE châu Á đến Việt Nam chia sẻ.
Hương Anh (t/h)