Là nơi khởi phát của ngành công nghiệp khai thác than, Quảng Ninh đang chuyển hướng phát triển kinh tế từ ‘nâu’ sang ‘xanh’ để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm.
Theo ông Cao Tường Huy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh việc chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh" (chuyển đổi từ phương thức phát triển thiếu thân thiện với môi trường sang phương thức phát triển thân thiện với môi trường - PV) theo hướng bền vững của tỉnh dựa vào ba trụ cột: Thiên nhiên, con người, văn hóa, kết hợp với tận dụng xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập, cơ hội mới và công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại và tham gia sâu rộng, có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát huy tối đa nhân tố con người, lấy người dân là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển.
Theo đó, tỉnh lấy đầu tư, phát triển giáo dục và đào tạo là nền tảng cho sự phát triển bền vững, lâu dài, tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số để tăng năng suất lao động, chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.
Kinh tế Quảng Ninh chuyển mình từ 'nâu' sang 'xanh'
Quảng Ninh được ví như "một Việt Nam thu nhỏ" với những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, là tỉnh duy nhất có đường biên giới cả trên bộ, trên biển với Trung Quốc, có trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và Asean.
Đặc biệt, tỉnh có di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long đặc sắc và trên 600 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, đồng thời là cái nôi của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang bản sắc riêng của Phật giáo Việt Nam.
Với những lợi thế đó, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh", chủ động, sáng tạo, quyết liệt thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế phù hợp với bối cảnh mới, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế, những năm qua tỉnh Quảng Ninh đã tập trung đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, tổng thể, trọng tâm ưu tiên là phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Trong giai đoạn 2016-2022, tỉnh Quảng Ninh luôn đạt tăng trưởng GRDP cao, ổn định trên hai con số. Và trong 9 tháng năm nay, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh ước đạt 9,88%, đứng thứ 4 cả nước, đứng thứ 2 Vùng đồng bằng sông Hồng. Quy mô kinh tế tỉnh tăng nhanh, hết năm 2022 đạt gần 270.000 tỉ đồng, dự báo hết năm 2023 sẽ đạt 312.420 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế tỉnh chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 50,9%, khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm chiếm 43,9%, khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm 5,2%.
Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động bình quân tăng từ 309 triệu đồng/người (năm 2020) lên 458,5 triệu đồng/người (năm 2023), tăng hơn 1,5 lần.
Với mục tiêu xây dựng, phát triển Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, với các đặc trưng thiên nhiên tươi đẹp - văn hóa đặc sắc - xã hội văn minh - hành chính minh bạch - kinh tế phát triển - nhân dân hạnh phúc.
Tỉnh Quảng Ninh đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030 xây dựng, phát triển Quảng Ninh thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt, trở thành tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, là cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc. Đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, là trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Và đến năm 2050, Quảng Ninh sẽ trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao, người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển, phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn.
Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh luôn quan tâm, chăm lo đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, nhất là ở miền núi, biên giới, hải đảo, nhanh chóng rút ngắn khoảng cách chênh lệch vùng, miền, và bảo vệ môi trường sinh thái.
GRDP bình quân đầu người năm 2022 của Quảng Ninh đạt 8.291 USD, gấp đôi bình quân chung của cả nước, cao nhất ở khu vực phía Bắc, ước đến hết năm 2023 đạt trên 9.000 USD. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới ở cả ba cấp và về đích trước 3 năm chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Nhờ đó, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Các tiềm năng về lịch sử, văn hóa, con người được khơi dậy, phát huy, nhiều di tích văn hóa được đầu tư bảo tồn, trùng tu, tôn tạo chủ yếu bằng nguồn lực xã hội hóa.
Tháng 10, khi những thửa ruộng bậc thang lúa bao thai ở xã Lục Hồn dần ngả vàng, hàng ngàn du khách tìm đến huyện Bình Liêu để trải nghiệm, khám phá sắc thu của "Sa Pa thu nhỏ" nơi đất mỏ Quảng Ninh.
Dẫn chúng tôi đi thăm những cánh đồng bậc thang lúa bao thai đang vào vụ, ông Mạc Ngọc Điệp, trưởng phòng Văn hoá và thông tin huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh - cho biết từ năm 2019 khi những thửa ruộng bậc thang do người Tày, người Dao, người Sán Chỉ tại xã Lục Hồn trồng được tỉnh Quảng Ninh công nhận là danh thắng cấp tỉnh, huyện Bình Liêu đã tổ chức tuần văn hoá du lịch, hội mùa vàng Bình Liêu hàng năm để thu hút khách du lịch đến khám phá thiên nhiên hoang sơ, giàu tính bản địa vùng biên giới.
"Lễ hội mùa vàng Bình Liêu thường được tổ chức muộn hơn các tỉnh Tây Bắc do giống lúa bao thai của bà con dân tộc ở Lục Hồn trồng thường chín muộn hơn các giống lúa khác. Riêng năm nay, do kế hoạch của tỉnh tổ chức kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh nên lễ hội được tổ chức vào cuối tháng 10 khi những cánh đồng lúa bậc thang chớm vụ", ông Điệp cho hay.
Để gây ấn tượng với du khách từ xa tới Bình Liêu, trong tuần văn hoá du lịch, hội mùa vàng Bình Liêu những năm gần đây, huyện đã tổ chức thêm nhiều hoạt động văn hoá, thể thao như: Giải dù lượn bay trên mùa vàng, giải chạy phong trào cung đường mùa vàng xuyên qua khu vực danh thắng ruộng bậc thang xã Lục Hồn, giải đua xe đạp ngắm mùa vàng, tổ chức tái hiện phong tục cưới, hỏi của người Dao, người Sán Chỉ.
Và sau lễ hội mùa vàng, một chuỗi sự kiện lễ hội kéo dài từ tháng 10 đến Tết Nguyên Đán cũng được huyện Bình Liêu tổ chức để hút khách tới vùng biên hoang sơ này. Đó là lễ hội hoa sở - loài hoa đặc trưng vùng biên giới Bình Liêu, lễ hội mùa hoa lau biên giới, hành trình khám phá sống lưng khủng long Bình Liêu, cột mốc biên giới, săn mây trên đỉnh núi Cao Ly.
Nhờ chuỗi sự kiện thể thao ngắm mùa vàng và các lễ hội mang đậm bản sắc của người Dao, người Tày, người Sán Chỉ mà những năm qua du khách đến với vùng biên giới Bình Liêu ngày càng đông. Du khách đến Bình Liêu du lịch ngắm mùa vàng vào dịp cuối thu đầu đông tăng lên qua các năm. Trong tuần văn hoá du lịch và lễ hội mùa vàng Bình Liêu 2023, nhiều homestay, nhà nghỉ, khách sạn tại thị trấn Bình Liêu, xã Lục Hồn và một số xã lân cận đều cháy phòng.
Anh Nguyễn Văn Nam - một khách du lịch từ Hà Nội tới Bình Liêu dịp lễ hội mùa vàng năm 2023 - cho biết gia đình anh thường chọn đi du lịch dịp cuối tuần tại những địa danh không quá xa, có thiên nhiên đẹp, hoang sơ. Và Bình Liêu là điểm đến ưa thích của cả gia đình với cự ly di chuyển vừa phải, có đường cao tốc kết nối, đi lại thuận tiện và mức chi phí hợp lý.
Trong khi đó, chi Nguyễn Hồng Khanh và nhóm bạn trẻ đi phượt người Hà Nội lại chọn khám phá Bình Liêu dịp cuối tuần để vượt hơn 1.600 bậc thang, chạy bộ trên sống khủng long Bình Liêu để khám phá sự hùng vĩ, thung lũng hoa lau nở rộ dịp cuối thu, đầu đông, chụp ảnh tại cột mốc biên giới 1035 làm kỷ niệm.
Bà Hoàng Thị Cam, chủ homestay Hải Oanh, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu - cho biết trong những ngày tổ chức tuần văn hoá du lịch và lễ hội mùa vàng Bình Liêu 2023, homestay luôn full phòng. Khách thuê rất đông nhưng không còn chỗ nghỉ để cho thuê.
"Giờ mới cuối tháng 10 nhưng khách đã đặt kín phòng đến giữa tháng 11, lượng khách hỏi thuê phòng dịp này rất đông. Giá thuê chỗ ở qua đêm tại các homestay khu vực Bình Liêu khá rẻ, trung bình khoảng 100.000 đồng/người/đêm. Nếu thuê phòng khách sạn ở trung tâm thị trấn cũng chỉ từ 400.000 - 500.000 đồng/phòng/ngày đêm", bà Oanh cho biết thêm.
Anh Lý Hồng Công - dân tộc Tày - người vừa bỏ ra hơn 1 tỉ đồng để cải tạo, nâng cấp homestay Bản Chuồng, xã Lục Hồn nói: Dịp lễ hội mùa vàng năm nay cơ sở lưu trú gia đình tôi mới tổ chức đón khách. Homestay Bản Chuồng có 3 phòng nhưng từ đầu mùa đến nay lúc nào cũng kín khách. Trung bình mỗi phòng ở được 15 - 20 người. Hiện nay, khách đã đặt kín phòng đến hết tháng 11 rồi, riêng 2 ngày 9-10 tháng 11, một đoàn khách đã đặt kín phòng cả homestay.
Doanh thu homestay dù không cao nhưng theo anh Công khá đều, thường vào dịp cuối tuần thì các homestay ở Bình Liêu đều chật kín khách. Du khách đến ở, ăn uống, mua sắm các sản vật của địa phương cũng giúp bà con trong vùng cải thiện phần nào thu nhập.
Số liệu của Phòng Văn hoá và thông tin huyện Bình Liêu ghi nhận lượng khách du lịch đến Bình Liêu năm 2022 khoảng 103.000 lượt khách, gấp 3 lần dân số huyện khoảng 32.000 người. Trong năm 2023, huyện Bình Liêu đặt mục tiêu đón khoảng 150.000 lượt khách nhưng đến giữa tháng 10-2023, trước thời điểm tổ chức tuần văn hoá du lịch, lễ hội mùa vàng Bình Liêu 2023 đã đón được hơn 80.000 lượt khách du lịch.
Và Bình Liêu, huyện biên giới xa xôi đang gần hơn với khách du lịch trên cả nước nhờ khai phá vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ và nét độc đáo của văn hoá bản địa.
Để đưa Móng Cái trở thành thành phố du lịch xanh, thông minh, thân thiện và an toàn, thời gian qua, chính quyền thành phố đã có những cách làm sáng tạo trong phát triển du lịch, tạo trải nghiệm ấn tượng cho du khách.
Với mục tiêu xây dựng Móng Cái trở thành trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, cảng biển trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh, trở thành thành phố du lịch xanh, thông minh, thân thiện và an toàn, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, làm tiền đề thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, những năm qua TP Móng Cái đã đề ra nhiều giải pháp sát thực tiễn nhằm để thu hút khách du lịch.
Trao đổi với Tuổi trẻ, bà Phạm Thị Oanh, trưởng phòng Văn hoá - thông tin TP Móng Cái - thông tin cho biết trong 9 tháng đầu năm 2023, TP Móng Cái đã trở thành "điểm đến du lịch" nổi bật trong hành trình của du khách. Khách du lịch đến thành phố đạt gần 2 triệu lượt khách du lịch, tăng 127% so cùng kì năm trước và tăng 57% so với chỉ tiêu tỉnh giao cả năm 2023 (thu hút khoảng 1.250.000/năm).
Về định hướng lâu dài, bà Oanh cho biết: Thành phố luôn phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, Móng Cái đã đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch và ban hành bộ quy tắc ứng xử "Người Móng Cái thân thiện", mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm, cảm nhận ấn tượng về thành phố vùng biên.
Trong 9 tháng, TP Móng Cái đã tập trung khai thác hiệu quả các nhóm sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo của vùng biên giới, tạo cho du khách có những trải nghiệm ấn tượng như: Sản phẩm giao thoa ẩm thực Việt - Trung; xe du lịch tự lái dự kiến khai thông tuyến xe tự lái giữa Nam Ninh (Trung Quốc) với Hạ Long (Việt Nam) vào ngày 30-10-2023; du lịch thể thao - golf; du lịch biên giới gắn với chương trình tham quan TP Móng Cái (Việt Nam) - TP Đông Hưng và khu Phòng Thành (Trung Quốc); trải nghiệm nghỉ dưỡng tại hệ thống khách sạn cao cấp; mua sắm tại trung tâm thời trang thương hiệu cao cấp.
Cũng theo bà Oanh, một trong những yếu tố tạo nên thương hiệu du lịch cho TP Móng Cái hiện nay là Khu du lịch Quốc gia Trà Cổ. Để khu du lịch này phát triển xứng tầm, chúng tôi đang tập trung triển khai hiệu quả Đề án phát triển du lịch thành phố đến 2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện kế hoạch về phát triển Khu du lịch Quốc gia Trà Cổ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, với trọng tâm là hoàn thiện các quy hoạch phân khu du lịch để có cơ sở thu hút đầu tư. Phát triển, làm mới, chỉnh trang, nâng cấp cơ sở hạ tầng các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc phục vụ du khách trong nước và quốc tế cả 4 mùa. Phát huy các sản phẩm du lịch thúc đẩy phát triển kinh tế đêm như: Phố đi bộ, khu ẩm thực, chợ đêm, các dịch vụ vui chơi giải trí...
Để đưa TP Móng Cái sẽ trở thành một trong những khu du lịch biên giới trọng điểm của tỉnh và cả nước vào năm 2025, trở thành khu du lịch chất lượng cao, trung tâm vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế vào năm 2030, TP Móng Cái đang đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững.
TP đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ thu hút hơn 6 triệu lượt khách. Bên cạnh đó, thành phố không ngừng phát huy lợi thế, làm mới các sản phẩm du lịch, sớm hiện thực hiện hóa mục tiêu trở thành thành phố du lịch xanh, thông minh, thân thiện và an toàn, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững, làm tiền đề thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.
Trong dịp kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh, TP Móng Cái phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới, tổ chức trên 40 sự kiện, hoạt động, lễ hội, văn hóa, thể thao, hội thi, hội diễn với quy mô mở rộng… Tổ chức phiên chợ Pò Hèn gắn với phát triển, đa dạng hoạt động cho sản phẩm du lịch cộng đồng Hải Sơn; phối hợp với TP Đông Hưng (Trung Quốc) tổ chức các hoạt động hát đối trên sông biên giới; tổ chức giải golf quốc tế, giải chạy hữu nghị quốc tế, diễn đàn du lịch trong khuôn khổ Hội chợ thương mại, du lịch biên giới Việt - Trung 2023.
Xem thêm: mth.10103348172013202-gnouv-hniht-gnov-tahk-tom-iv-hnin-gnauq/nv.ertiout