vĐồng tin tức tài chính 365

Chiến tranh hiện đại và lưới lửa phòng không - Kỳ 5: Từ tên lửa đánh chặn đến tia laser của Israel

2023-10-30 11:13
Đạn pháo phản lực của Hamas bắn từ Dải Gaza vào Israel hôm 10-10-2023 - Ảnh: Flash90

Đạn pháo phản lực của Hamas bắn từ Dải Gaza vào Israel hôm 10-10-2023 - Ảnh: Flash90

Ban đầu Bộ Quốc phòng Israel nhận xét ý tưởng xây dựng hệ thống đánh chặn tên lửa tầm ngắn Iron Dome (Vòm sắt) của tướng Daniel Gold là hoàn toàn điên rồ. Nhưng ông này kiên trì theo đuổi dự án. Hiện nay, hệ thống Iron Dome đã trở thành một trong những hệ thống chống tên lửa hiệu quả nhất thế giới.

Vị tướng sẵn sàng đương đầu với Bộ Quốc phòng

Cuối những năm 1990, tướng Daniel Gold phụ trách Tổng cục Nghiên cứu và phát triển quốc phòng Israel. Ông nhận ra tên lửa và pháo phản lực (rocket) đã gây nhiều thiệt hại cho Israel. Năm 2004, ông thành lập nhóm nghiên cứu các giải pháp công nghệ chống tên lửa, từ đó khai sinh dự án Iron Dome.

Năm 2005, bất chấp phản ứng từ Bộ Quốc phòng, ông tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, không để dự án Iron Dome sa lầy trong guồng máy quan liêu. 

Phải mất hai năm để thuyết phục các quan chức hoài nghi. Đến năm 2007, Bộ Quốc phòng phê duyệt dự án Iron Dome sau một năm Hezbollah bắn hàng ngàn trái pháo phản lực từ Lebanon vào miền bắc Israel trong chiến tranh Lebanon lần thứ hai (mùa hè năm 2006) và Hamas liên tục tấn công bằng pháo phản lực từ Dải Gaza vào các khu dân cư ở miền nam Israel.

Đề phòng dự án không nhận được vốn đầu tư công, thậm chí Daniel Gold đã nghĩ đến phương án huy động vốn tư nhân. Đã có một nhà đầu tư tư nhân chờ sẵn để phòng hờ nhưng cuối cùng không cần đến. 

Trả lời tạp chí ISRAEL21c (Mỹ), tướng về hưu Gold (năm nay 61 tuổi) cho biết: "Khi tôi bắt đầu nỗ lực này, cộng đồng khoa học tỏ vẻ hoài nghi. Với ý tưởng một tên lửa có thể đánh chặn tên lửa khác đang bay, người ta nghĩ sao giống khoa học viễn tưởng quá. Nhưng tôi rất vui khi nói rằng khoa học viễn tưởng đã trở thành hiện thực. Nếu bạn tin vào điều gì đó, hãy tìm kiếm lòng kiên cường trong con người bạn để biến nó thành hiện thực - và dù bạn phải chống lại cối xay gió nếu phải làm như vậy. Đôi khi trở thành Don Quixote cũng đáng".

Lòng dũng cảm của ông bắt nguồn từ đâu để kiên trì thực hiện dự án dù bị chỉ trích mạnh mẽ? Daniel Gold bộc bạch trên tuần báo The Week (Anh): "Động lực của tôi là cứu người. Tôi đã nhìn thấy những gì xảy ra và tôi tự nhủ: với tất cả công nghệ hiện có ở Israel, chúng ta phải sử dụng nó để phòng thủ bảo vệ mạng sống con người. Chúng ta sẽ tìm ra cách. Luôn mất nhiều thời gian ở các cấp chính trị và quân sự để suy nghĩ những gì họ muốn làm và trong lúc đó chúng tôi bắt đầu tìm ra giải pháp".

Dự án Iron Dome được chuyển giao cho Công ty công nghệ quốc phòng Rafael Advanced Defense Systems (Rafael) phát triển. Tháng 3-2011, Iron Dome đi vào hoạt động, sau đó được nâng cấp thường xuyên. 

Tháng 3-2021, Iron Dome đã được nâng cấp để có khả năng đánh chặn tên lửa, pháo phản lực phóng hàng loạt và cả máy bay không người lái.

Năm 2016, Israel thực hiện thương vụ bán hệ thống Iron Dome đầu tiên ra nước ngoài cho Azerbaijan. Sau đó, Ấn Độ và Romania đã ký thỏa thuận mua. 

Năm 2019, Quốc hội Mỹ đồng ý mua hai hệ thống Iron Dome với giá 373 triệu USD. Tháng 8-2020, Tập đoàn Raytheon Technologies của Mỹ và Rafael thành lập liên doanh chế tạo Iron Dome tại Mỹ với tên gọi Raytheon Rafael Area Protection Systems.

Hệ thống Iron Dome gồm ba thành phần: radar do Công ty quốc phòng Elta Systems chế tạo, hệ thống quản lý chiến đấu và kiểm soát vũ khí do Công ty phần mềm mPrest Systems thiết kế và thiết bị bắn tên lửa do Rafael sản xuất. 

Radar có khả năng theo dõi cùng lúc 1.200 trái pháo phản lực. Nếu trái đạn nào bay về hướng khu vực đông dân cư, Iron Dome sẽ khai hỏa đánh chặn bằng tên lửa Tamir. Tên lửa dài 3m được radar mặt đất dẫn đường ban đầu. 

Khi tên lửa đến gần mục tiêu, cảm biến quang điện trên mũi tên lửa sẽ thay thế vai trò dẫn đường cho chính xác hơn. Ngòi nổ sẽ kích nổ đầu đạn phân mảnh nặng 15,8kg khi tên lửa vào đúng tầm.

Ảnh minh họa hệ thống đánh chặn bằng laser Iron Beam - Ảnh: AIN Online

Ảnh minh họa hệ thống đánh chặn bằng laser Iron Beam - Ảnh: AIN Online

Tia laser bắn mục tiêu nhỏ cỡ đồng xu ở xa 10km

Ngoài Iron Dome (tầm ngắn), mạng lưới phòng thủ tên lửa nhiều lớp của Israel còn có hệ thống David's Sling (chống tên lửa tầm trung) và hệ thống Arrow Interceptor (đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm xa). Theo Rafael, hiệu quả đánh chặn của hệ thống Iron Dome đạt khoảng 90%.

Trước đây Hamas đã nhiều lần bắn pháo phản lực hàng loạt và bắn từ nhiều hướng với ý đồ xuyên thủng hệ thống Iron Dome. 

Iron Dome có khả năng phóng khoảng 800 tên lửa đánh chặn vào một thời điểm nhất định, song đã quá tải vào hôm 7-10-2023 vừa qua khi Hamas bắn tối thiểu 2.000 trái pháo phản lực (số liệu của Học viện West Point) từ Dải Gaza vào Israel. 

Một số quả đạn đã lọt lưới gây nhiều thương vong. Rủi ro cho Israel sẽ tăng lên nếu Hezbollah ở Lebanon tham chiến bởi Hezbollah có khoảng 150.000 tên lửa và pháo phản lực.

Theo trang web Jewish Virtual Library (Mỹ), để giải quyết vấn đề, từ lâu Rafael đã phát triển dự án đánh chặn bằng tia laser Iron Beam (Tia sắt). 

Nhà nghiên cứu cấp cao Philippe Gros, tại Quỹ Nghiên cứu chiến lược (FRS) ở Pháp, giải thích Iron Beam là hệ thống laser phát tia hồng ngoại (mắt thường không thể nhìn thấy) với công suất 100 kilowatt (kW).

Trả lời tạp chí National Defense Magazine (Mỹ), TS Ran Gozali, phó chủ tịch Rafael, cho biết Rafael đã phát triển công nghệ đánh chặn bằng laser từ 20 năm qua nhưng khi đánh chặn đất đối không đã gặp hiệu ứng nhiễu loạn không khí làm khuếch tán các tia laser và hai năm nay mới tìm ra cách giữ chùm tia laser tập trung nhiều giây để tiêu diệt mục tiêu. Ông khoe: "Chúng tôi có thể tập trung chùm tia vào đường kính đồng xu trong phạm vi 10km".

Tháng 3-2022, Rafael đã tiến hành hàng loạt thử nghiệm đánh chặn UAV, đạn cối, pháo phản lực và tên lửa chống tăng bằng laser. 

Sau đó, Tổng cục Nghiên cứu và phát triển quốc phòng Israel đã đầu tư cho công nghệ này. Về lý thuyết, vũ khí laser có số lần bắn không hạn chế, chỉ bị giới hạn bởi độ tin cậy cơ học của tia laser và phải đủ điện.

Iron Beam có ba lợi ích so với hệ thống Iron Dome:

. Nhanh: Hệ thống laser phản ứng gần như ngay lập tức.

. Chi phí: Hệ thống laser giảm đáng kể chi phí vận hành. Một khẩu đội Iron Dome tốn 50 triệu USD. Israel có 10 khẩu đội, tức tốn 500 triệu USD. Mỗi tên lửa Tamir giá 50.000 USD. Nếu Israel dự trữ 2.000 quả sẽ tốn 100 triệu USD. Sử dụng một tên lửa 50.000 USD để tiêu diệt một trái pháo 800 USD thì thật là đau lòng.

. Độ chính xác: Hệ thống laser giảm tối đa tổn thất ngoài dự kiến và tăng tối đa cơ hội tiêu diệt mục tiêu.

Hệ thống Iron Dome đánh chặn nhiều mục tiêu - Ảnh: sandboxx.us

Hệ thống Iron Dome đánh chặn nhiều mục tiêu - Ảnh: sandboxx.us

Thật ra Iron Beam hiệu quả đến đâu còn phụ thuộc vào thời tiết. Tia laser có thể bắn trong sương mù nhưng kém hiệu quả hơn.

Tầm bắn tối đa ở công suất tối đa và trong thời tiết tốt có thể đạt tới 20km nhưng phụ thuộc vào thời gian tính bằng giây tập trung nguồn laser đầy đủ vào mục tiêu nhỏ.

Iron Beam sẽ hoạt động song song với hệ thống Iron Dome như vũ khí phòng không bổ sung. Người điều hành có thể lựa chọn tên lửa hay tia laser để tiêu diệt mục tiêu.

TS Gozali cho biết Iron Beam có thể được triển khai vào năm 2025, song thời gian triển khai có thể sớm hơn do vụ tấn công hàng loạt của Hamas ngày 7-10 vừa qua.

--------------------

Hệ thống tác chiến phòng không Aegis tiên tiến và phức tạp nhất thế giới, nhưng phải trải qua ba chìm bảy nổi dự án này mới thành công nhờ công sức của chuẩn đô đốc Wayne Meyer.

Kỳ tới: Hệ thống Aegis - sát thủ trên biển

Chiến tranh hiện đại và lưới lửa phòng không - Kỳ 4: UAV thay đổi chiến tranh phòng không thế nào?Chiến tranh hiện đại và lưới lửa phòng không - Kỳ 4: UAV thay đổi chiến tranh phòng không thế nào?

Máy bay không người lái (UAV) đã thành mối đe dọa nghiêm trọng trong chiến tranh hiện đại.

Xem thêm: mth.11453643292013202-learsi-auc-resal-ait-ned-nahc-hnad-aul-net-ut-5-yk-gnohk-gnohp-aul-ioul-av-iad-neih-hnart-neihc/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chiến tranh hiện đại và lưới lửa phòng không - Kỳ 5: Từ tên lửa đánh chặn đến tia laser của Israel”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools