vĐồng tin tức tài chính 365

Cho vay tiêu dùng đuối sức vì khách "bùng" nợ vay

2023-10-31 12:03

Hoang mang thu nợ

Sáng 31/10, phát biểu tại Hội thảo "Gỡ khó cho vay tiêu dùng - Đẩy lùi tín dụng đen" do VTV Digital tổ chức, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, các công ty tài chính đã tổ chức triển khai cho vay tiêu dùng đối với những đối tượng dưới chuẩn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của người lao động có thu nhập thấp nhằm hạn chế và từng bước đẩy lùi tín dụng đen.

Ước tính đến 31/8/2023, dư nợ cho vay phục vụ đời sống toàn hệ thống đạt khoảng 2,671 triệu tỷ đồng, chiếm 21% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của 16 công ty tài chính là hơn 135.945 tỷ đồng (chiếm khoảng hơn 5% dư nợ cho cho vay phục vụ đời sống).

Cho vay tiêu dùng đuối sức vì khách bùng nợ vay - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết các công ty tài chính hiện đều gặp rất nhiều khó khăn do nợ xấu ngày càng tăng cao

Song theo ông Hùng, các công ty tài chính hiện đều gặp rất nhiều khó khăn do nợ xấu ngày càng tăng cao. Giải thích cho tình trạng nợ xấu tăng cao, theo ông Hùng ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung còn có những yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý đó là khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ.

"Có cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền. Một số đối tượng lợi dụng việc cơ quan quản lý trấn áp tội phạm tín dụng đen và cố tình qui kết các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép là tổ chức tín dụng đen nên không trả nợ và thành lập hội bùng nợ trên Zalo, Facebook …. nhưng không hề bị xử lý", ông Hùng cho biết.

Công ty tài chính tiêu dùng đang hoang mang không biết thu nợ như thế nào

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng

Thực trạng đó dẫn đến nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng tăng cao. Theo thống kê, nợ xấu của các công ty tài chính đến nay đã lên đến 8-10% cá biệt có công ty nợ xấu lên đến 20%. Nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.

"Công ty tài chính tiêu dùng đang hoang mang không biết thu nợ như thế nào. Thái độ của cơ quan quản lý nhà nước xử lý với những người cố tình trây ì không biết trả nợ ra sao?", ông Hùng cho biết.

Bị đánh đồng với tín dụng đen

Nói thêm về những khó khăn, ông Lê Quốc Ninh, Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei cho biết, các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đang bị đánh đồng với những tổ chức tín dụng đen khiến hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề.

"Có 16 công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép song giá trị tích cực mà các công ty này đang bị pha loãng bởi sự xâm lấn của hàng trăm tổ chức tín dụng phi chính thức - hay còn gọi là tín dụng đen. Việc bùng nổ các app cho vay tiêu dùng giả danh khiến góc nhìn của nhiều người đối với hoạt động của các công ty tài chính được cấp phép trở nên méo mó", ông Ninh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ý thức trả nợ của một số bộ phận khách hàng cũng đang gây khó khăn lớn cho các công ty tài chính. Hàng loạt hội nhóm ra đời chia sẻ cách thức trốn nợ, người trước bảo người sau, tạo hệ luỵ lớn cho cho thị trường cũng như các công ty tài chính. 

Các công ty tài chính đang bị đánh đồng với tín dụng đen

Ông Lê Quốc Ninh, Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei

Theo báo cáo Fiin group, nợ xấu tại các công ty tài chính đã tăng từ 10,7% cuối năm 2022 lên tới 12,5% sau 6 tháng năm 2023. 

Cho vay tiêu dùng đuối sức vì khách bùng nợ vay - Ảnh 4.

Ông Lê Quốc Ninh, Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei cho biết các công ty tài chính tiêu dùng đang bị đánh đồng với tín dụng đen

Về giải pháp, ông Lê Quốc Ninh cho rằng giải pháp căn cơ nhất là những chính sách hỗ trợ vực dậy nền kinh tế; các chính sách tiền tệ, tài khoá để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, từ đó giúp hồi phục thị trường tiêu dùng. 

Bên cạnh đó là, các cơ quan chức năng cần tăng cường hoạt động truyền thông về tín dụng tiêu dùng chính thống, phân biệt rõ với hoạt động tín dụng đen.

Ông Ninh cũng mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ cho các lực lượng thu hồi nợ và nhân sự của các công ty tài chính tiếp cận khách hàng để tìm giải pháp, thay vì có những giải pháp tiêu cực, thậm chí là ngăn cấm như hiện tại. Đồng thời phối hợp răn đe đối với những đối tượng cố tình mặc dù có tiền nhưng chạy ì không trả nợ.

"Việc thu hồi nợ của các công ty tài chính tiêu dùng bị hạn chế hơn rất nhiều so với ngân hàng bởi khách hàng không có tài sản đảm bảo. Hoạt động cho vay hoàn toàn dựa vào tín chấp, ý thức trả nợ của khách hàng", ông Ninh cho biết.

Đại diện MB Shinsei cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện các quy định đảm bảo phù hợp với đặc thù hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng. Trong đó đáng chú ý là nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý cho phép quản lý dịch vụ thu hồi nợ chuyên nghiệp. 

"Dịch vụ thu hồi nợ chuyên nghiệp  theo luật hiện nay bị cấm tại Việt Nam. Song theo tại nhiều nước, dịch vụ này được quy định rõ ràng, chặt chẽ, tạo hành lang pháp lý cho dịch vụ thu hồi nợ chuyên nghiệp.

Ông Ninh cũng đề nghìn Ngân hàng Nhà nước áp dụng ngưỡng nợ xấu riêng cho các công ty tài chính có sự khách biệt so với các ngân hàng thương mại. Phù hợp với đặc thù hoạt động và cho vay với đối tượng có thu nhập trung bình, thấp, không ổn định… của các công ty tài chính.

Tín dụng đen "trỗi dậy"

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, với việc nợ xấu tăng cao, hiện nhiều công ty tài chính không thể tiếp tục mở rộng cho vay. Điều này khiến người dân có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp cận được vốn vay từ công ty tài chính tiêu dùng.

Bên cạnh đó theo ông Hùng, với việc công ty tài chính không thể tiếp tục mở rộng cho vay hệ quả là tín dụng đen bắt đầu trỗi dậy. Mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước tích cực triệt phá nhiều ổ nhóm tín dụng đen song diễn biến còn rất phức tạp dưới nhiều hình thức tinh vi nhất là trên môi trường mạng.

Cho vay tiêu dùng đuối sức vì khách bùng nợ vay - Ảnh 5.

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho

Liên quan đến tình hình tín dụng đen, phát biểu tại Hội thảo, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, trong năm thứ tư thực hiện Chỉ thị số 12, lực lượng Công an đã khởi tố 89 vụ án, và 434 bị can hoạt động tín dụng đen. Trong đó có nhiều băng nhóm hoặc nhóm đối tượng hoạt động liên quan công nghệ cao, có cả người nước ngoài vào thành lập núp bóng thuê người Việt Nam hoạt động tín dụng đen với lãi suất lên đến cả nghìn %.

Theo ông Sơn, qua đánh giá, tình hình tín dụng đen đang nổi lên theo 3 phương thức: "truyền thống"; "truyền thống kết hợp công nghệ" và "sử dụng công nghệ hoàn toàn". Trong đó, liên quan đến tình hình tín dụng đen sử dụng công nghệ nổi lên những thủ đoạn:

- Các đối tượng đơn lẻ sử dụng mạng xã hội để đăng tin, quảng cáo cho vay

- Núp bóng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ, tư vấn tài chính với nhiều cơ sở, cửa hàng tại nhiều địa phương khác nhau, vừa hoạt động cho vay cầm cố tài sản tại cửa hàng, vừa sử dụng công nghệ cao

- Tạo lập các ứng dụng, website giả, nhái, sử dụng tên gọi, logo, giao diện, địa chỉ truy cập… giống hoặc gần giống các ứng dụng của ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính được cấp phép chính thống để dụ dỗ, lôi kéo người vay.

Núp bóng doanh nghiệp, công ty luật, công ty kinh doanh dịch vụ tài chính để mua bán các khoản nợ, sau đó gọi điện đe dọa, cưỡng đoạt tài sản.

"Các đối tượng hoạt động tín dụng đen gia tăng hoạt động lưu động, gây án ở nhiều địa bàn, triệt để lợi dụng công nghệ, mạng xã hội, ứng dụng, website... phát tán tờ rơi, quảng cáo để mời chào cho vay, nhất là đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ, lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh thiếu niên…", ông Sơn cho biết.

Để đối phó với tình trạng tín dụng đen, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị ngành ngân hàng tăng cường công tác tuyên truyền giúp người dân nhận diện các website, ứng dụng giả mạo ngân hàng, công ty cho vay tiêu dùng. 

Phối hợp chặt chẽ với ngành Công an để sớm triển khai việc xác thực thông tin người vay dựa trên dữ liệu về dân cư, để đảm bảo hạn chế việc người dân giả mạo thông tin để vay tín dụng, cố tình trốn tránh trách nhiệm trả nợ. Bên cạnh đó là sớm triển khai các khoản vay ưu đãi, không cần tài sản đảm bảo dựa trên xác thực dữ liệu về dân cư. Cung cấp cho Bộ Công an các thông tin tội phạm có liên quan đến tín dụng đen mà ngành ngân hàng phát hiện được để xử lý, nhất là các hành vi làm ảnh hưởng đến các hoạt động tín dụng…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Xem thêm: mth.88730231113013202-yav-on-gnub-hcahk-iv-cus-ioud-gnud-ueit-yav-ohc/et-hnik/nv.vtv

Comments:0 | Tags: vay

“Cho vay tiêu dùng đuối sức vì khách "bùng" nợ vay”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools