Đánh giá cao Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, song đại biểu Dương Văn Phước (đoàn tỉnh Quảng Nam) chỉ ra thực trạng là doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn, gánh nặng thuế lớn và giá cả biến động.
Về tiếp cận vốn vay, đặc biệt là khoản vay trung - dài hạn, điều kiện vay rất nghiêm ngặt, thủ tục phức tạp. Hầu hết chỉ tiếp cận khoản vay ngắn hạn.
Trong điều kiện kinh tế khó khăn, các khoản thu của doanh nghiệp chậm thu hồi, hàng tồn kho lớn, ngân hàng lại không chấp nhận đây là tài sản đảm bảo, tạo nên rào cản lớn trong tiếp cận vốn vay.
Doanh nghiệp gồng mình với các khoản thuế
Theo đại biểu, trong bối cảnh đó, chính sách thuế lại chưa đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp. Nêu ra thực tế là "các doanh nghiệp phải gồng mình với các khoản thuế", ông Phước nói không chỉ việc áp thuế mà cách tính thuế cũng gây khó khăn.
Dẫn chứng ở tỉnh Quảng Nam, đại biểu cho biết một doanh nghiệp kinh doanh sân golf với diện tích trên 60 héc ta, doanh thu mỗi năm là 100 tỉ đồng, nhưng phải đóng thuế tới 45 tỉ đồng. Thực tế này khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và đã kiến nghị nhiều lần vì cách tính thuế bất cập.
“Cách tính thuế, áp thuế hiện nay áp ngay cả tuyến đường chính và tổng diện tích 60ha nên doanh nghiệp không chịu đựng nổi” - ông Phước nói.
Chưa kể, theo đại biểu, giá cả thị trường thường xuyên biến động và tăng cao, nhất là giá cả vật liệu, nhân công. Nhiều đơn giá nhà nước lại chậm thay đổi, quá thấp nên doanh nghiệp xây dựng thi công cầm chừng, chấp nhận chịu phạt, chậm tiến độ còn hơn là chịu thua lỗ. Đây là nguyên nhân khiến cho việc giải ngân đầu tư công thấp.
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Đại Thắng - phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Hưng Yên - cho rằng vốn đầu tư công cần "bung" mạnh mẽ hơn nữa để tăng tổng cầu kinh tế, giúp đạt mục tiêu tăng trưởng. Vì vậy, cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân và có chế tài xác định rõ quyền, nghĩa vụ của cơ quan giám sát, tránh tình trạng vốn chảy vào dự án không hiệu quả.
Ông đề nghị Chính phủ cần có giải pháp ổn định giá vật liệu xây dựng cho các dự án, nhất là dự án giao thông; tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản, phát triển phân khúc nhà ở vừa túi tiền - phân khúc người dân có nhu cầu cao. Đây cũng là biện pháp để nhà đất trở về giá trị thực, thị trường bất động sản bền vững.
Dồn vốn cho sản xuất, kiểm soát tín dụng lĩnh vực rủi ro
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - bày tỏ lo ngại khi các động lực tăng trưởng chính (xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng) đang suy giảm.
Về trụ cột đầu tư, giải ngân đầu tư công tới hết tháng 9 đạt gần 51,4% nhưng chưa đạt kỳ vọng. Trong bối cảnh đầu tư công chưa nhiều đột phá, đầu tư nước ngoài tăng thấp, đầu tư tư nhân là trụ cột quan trọng nhưng đầu tư tư nhân chỉ tăng 2,3%, bằng 1/6 so với trước dịch (17,3%).
Trụ cột tiêu dùng trong nước phục hồi nhưng chưa vững chắc khi quý 1 tăng 13,9% nhưng tới quý 3 giảm về 7,3%. Xuất khẩu ước đạt 466,2 tỉ USD, giảm 8,2%, dự báo năm nay xuất khẩu tăng trưởng âm lần đầu từ năm 2019.
Tăng trưởng tín dụng và nợ xấu nội bảng cũng được đại biểu dẫn ra từ báo cáo của Chính phủ. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng đến ngày 11-10 đạt 6,29% so với 2022, chậm so với cùng kỳ, tăng 11,12%; tỉ lệ nợ xấu nội bảng đến tháng 6 là 3,36%, cao hơn mục tiêu đề ra là dưới 3%.
Tuy nhiên, đại biểu Sơn cho rằng báo cáo chưa nêu rõ tăng trưởng tín dụng từng lĩnh vực là bao nhiêu. Trường hợp tăng trưởng tín dụng tập trung lĩnh vực bất động sản tiềm ẩn nguy cơ gia tăng nợ xấu khi cung dư thừa, thị trường đang trầm lắng và niềm tin của người dân sụt giảm.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá làm rõ vấn đề này, cân nhắc kỹ lưỡng nới lỏng điều kiện cho vay, có giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy mạnh mẽ động lực tăng trưởng và kiểm soát tín dụng với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Chiều 23-10, Quốc hội nghe các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.