Hồi tháng 7, cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã trình bày về một chiến lược kinh tế với mục đích "tái xây dựng năng lực sản xuất trong nước", khôi phục chuỗi cung ứng tại các địa phương từ chất bán dẫn cho đến dược phẩm. Vào tháng 9, ông đã bổ sung thêm một khoản phạt thuế vào kế hoạch này, nhắm đến các công ty chuyển hoạt động sản xuất sang những quốc gia khác, cùng với ưu đãi thuế cho doanh nghiệp trở về nước.
Mối quan tâm chung của Tổng thống và đối thủ
Những đề xuất này dường như giống chiến lược của Tổng thống Donald Trump. Jared Bernstein – cựu cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Biden, hiện đang là cố vấn không chính thức cho chiến dịch tranh cử của ông Trump, cho biết: "Họ có cùng 1 mối quan tâm, và đó là toàn cầu hóa đã để lại hậu quả đáng kể cho những người thuộc nhiều cộng đồng khác nhau."
Những mối quan tâm chung này có thể định hình lại nền kinh tế toàn cầu. Bất kể là ứng viên nào sẽ giành chiến thắng vào tháng 11, thì chính sách kinh tế trong vài năm tới sẽ nhằm mục đích bảo vệ việc làm của người Mỹ trước tình trạng thuê ngoài, khi các nhà tuyển dụng tìm kiếm chi phí lao động thấp hơn và giành lại chỗ đứng trong những ngành mà Mỹ đã yếu thế hơn.
Derek Scissors, kinh tế gia tại viện nghiên cứu the American Enterprise Institute, nhận định: "Nếu lập luận rằng chúng ta cần đến những công việc sản xuất được trả lương cao bởi nó phù hợp với năng lực của nhiều người đang không có việc làm, thì đó chính là loại bỏ toàn cầu hóa. Chúng ta sẽ cần loại bỏ một số yếu tố trong toàn cầu hóa để làm điều này."
Tùy thuộc vào cách chính quyền mới triển khai các công cụ của chính phủ để phục vụ mục tiêu này, Mỹ có thể tái cấu trúc mạng lưới chuỗi cung ứng doanh nghiệp toàn cầu – vốn được các tập đoàn đa quốc gia thiết lập trong 4 thập kỷ qua. Một "thế giới phẳng" với các quốc gia ngày càng gắn bó chặt chẽ với nhau nhiều hơn thông qua thương mại và đầu tư dường như đã là một mục tiêu lỗi thời, dù đã được các đời Tổng thống từ Ronald Reagan đến Barack Obama theo đuổi.
Chính quyền ông Biden dường như không thể tiếp tục áp đặt thuế với các đồng minh cũng kẻ thù, hay triển khai những công cụ bảo hộ theo cách chiến lược và bảo thủ hơn. Tuy nhiên, các đề xuất chính sách của ông Biden cho thấy ông sẽ bám sát mục tiêu khuyến khích, chỉ đạo hoặc thúc đẩy các công ty Mỹ phát triển các ngành quan trọng và công việc họ hỗ trợ ở Mỹ.
Trong khi đó, ông Trump đã áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ cả những đối thủ và đồng minh, khơi mào thương chiến với Trung Quốc và ngăn chặn quyền tiếp cận của các doanh nghiệp Trung Quốc với công nghệ Mỹ. Hơn nữa, ông còn đàm phán lại về NAFTA, cắt đứt mối quan hệ với WTO và rút khỏi TPP.
Tuy nhiên, 1 cuộc khảo sát được Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải công bố vào tháng 9 cho thấy rằng dù chính quyền ông Trump thúc đẩy các công ty Mỹ chuyển hướng đầu tư sang Mỹ, thì chỉ có 4% có kế hoạch làm điều này, trong khi 79% lại cho biết không dự định thay đổi.
Cái giá của cuộc chiến thương mại với đồng minh và kẻ thù
Ngoài ra, chiến tranh thương mại cũng mang đến "cái giá" cho Mỹ. Theo 1 báo cáo của Fed, các mức thuế do Mỹ áp đặt và các biện pháp trả đũa được phía đối tác thực hiện đã khiến nền kinh tế nước này mất đi hàng tỷ USD. Một nghiên cứu năm 2019 của các nhà kinh tế tại Fed, Đại học Princeton và Đại học Columbia cũng chỉ ra rằng thuế quan đã tạo thêm gánh nặng cho các hộ gia đình Mỹ, làm tăng chi phí nhập khẩu và hạn chế khả năng tiếp cận thị trường của các nhà xuất khẩu.
Dù đã hứng chịu nhiều hậu quả, nhưng không có sự cải thiện nào trong chỉ số ưa thích của ông Trump về sự thống trị kinh tế - cán cân thương mại của Mỹ. Cán cân giữa xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ của Mỹ đã sụt giảm mạnh vào tháng 7, khiến thâm hụt giảm sâu nhất kể từ khi chính quyền ông George W. Bush nắm quyền. Riêng cán cân thương mại hàng hóa đã ghi nhận mức thâm hụt lớn nhát ít nhất kể từ thời ông Bush "cha".
Khi chính quyền ông Trump áp thuế đối với nhôm và thép nhập khẩu từ Canada, Liên minh các công ty sản xuất thép United Steelworkers đã phàn nàn rằng "sự bất ổn thường xuyên xảy ra xung quanh các chính sách thương mại thiếu sot đang làm suy yếu khả năng đưa ra một lộ trình hợp lý và đảm bảo rằng chúng tôi có thể cải thiện sản xuất, việc làm trong nước."
Do thuế quan, Harley-Davidson đã chuyển hoạt động sản xuất xe mô tô cho thị trường châu Âu từ Mỹ sang Thái Lan, nhằm tránh vướng vào những mâu thuẫn thương mại của Mỹ và châu Âu.
Kimberly Clausing – nhà kinh tế học tại Đại học Reed từng tư vấn về chính sách thuế cho ông Biden, cho hay: "Tôi mong đợi một hình thức chủ nghĩa bảo hộ đúng đắn và có mục tiêu hơn. Việc cải cách thuế rất hữu ích để giảm bớt những khó khăn trên ‘chiến trường’ thương mại." Bà ủng hộ đề xuất về mức thuế tối thiểu của ông Biden đối với lợi nhuận doanh nghiệp, cho rằng điều này sẽ chống lại những ưu đãi được đưa ra trong cuộc cải cách thuế năm 2017 với các doanh nghiệp thuê ngoài sản xuất.
Dù chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ có diễn ra theo hướng nào, thì nó vẫn sẽ tập trung vào Trung Quốc. Rob Atkinson – đứng đầu quỹ Information Technology and Innovation, cho biết: "Ông Trump đã thức tỉnh chúng ta về vấn đề Trung Quốc. Ông nói rõ ràng rằng chúng ta phải cứng rắn với Trung Quốc."
Đồng thời, mục tiêu chính sách của Mỹ đang ngày càng tập trung từ việc làm chuyển sang những cân nhắc về vấn đề an ninh quốc gia, bao gồm chiếm ưu thế về công nghệ và bảo vệ sở hữu trí tuệ. David Autor – kinh tế gia tại MIT, nhận định: "Đây là một vấn đề phức tạp hơn nhiều so với việc Mỹ nhập khẩu và xuất khẩu bao nhiêu."
Các thành viên đảng Cộng hòa và Dân chủ đều có ý định ngăn cản Trung Quốc trở thành nhà cung cấp chi phối công nghệ truyền thông phát triển và đảm bảo rằng Mỹ sẽ phát triển công nghệ năng lượng mới, chất bán dẫn và dược phẩm hiện đại. Hệ quả của việc này có thể khiến quá trình toàn cầu hóa vốn đã mất đà còn diễn ra chậm hơn nữa, khi các công ty cân nhắc lại về chuỗi cung ứng vốn đã được triển khai từ những thập kỷ sau Chiến tranh Lạnh.
Nỗ lực tái cấu trúc hoạt động sản xuất
Các doanh nghiệp Mỹ không thể đổ xô về nhà do thuế quan của chính quyền ông Trump. Tuy nhiên, toàn cầu hóa đã chuyển sang tốc độ chậm chạp hơn kể từ những năm 1990 và đầu những năm 2000, khi các công ty Mỹ ồ ạt sang Trung Quốc và những thị trường giá rẻ khác.
Tăng trưởng thương mại đã giảm bớt sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi Trung Quốc và các nền kinh tế châu Á khác tiến đến "nấc thang" công nghệ để chế tạo nhiều bộ phận và linh kiện hiện đại – vốn được nhập khẩu và lắp ráp thành hàng hóa xuất khẩu. Trong khi đó, dòng vốn xuyên biên giới cũng giảm dần.
Hoạt động sản xuất ngày càng trở nên tự động hóa. Do đó, nỗ lực của các công ty đa quốc gia nhằm tìm kiếm nhân công giá rẻ đã khiến những cân nhắc khác chùn bước, như tìm kiếm lao động có tay nghề cao, có mối liên hệ gần gũi với thị trường tiêu thụ và đảm bảo chuỗi cung ứng có thể ứng phó được những cú sốc như đại dịch Covid-19. Và những công ty này đang chú ý nhiều hơn đến những rủi ro liên quan đến mạng lưới toàn cầu phức tạp của họ.
Điều này đã làm giảm áp lực việc làm đối với người Mỹ. Việc làm tại các nhà máy hiện vẫn còn cách xa so với mức đỉnh 40 năm trước, nhưng các nhà sản xuất đã tạo ra gần 1,5 triệu việc làm trong 10 năm ở "đáy sâu" của cuộc khủng hoảng vừa qua, sau khi số lượng chạm mức thấp nhất vào tháng 2/2010. Trong khi đó, động lực tương tự đối với việc làm tại ngành dịch vụ hiện vẫn chưa thành hiện thực.
Vào tháng 8, McKinsey Global Institute đã phát hành một bản báo cáo cho thấy cuộc tái tổ chức quy mô lớn của hoạt động sản xuất toàn cầu có thể đang được tiến hành. Phần sản lượng chiếm 16-26% thương mại toàn cầu - trị giá 2.900 tỷ USD đến 4.600 tỷ USD, có thể chuyển sang nơi khác trong vòng 5 năm tới, dường như gần hơn với thị trường quê nhà.
Động lực của sự thay đổi này là nỗi sợ hãi, các doanh nghiệp lo ngại về thiên tai, đại dịch hoặc chiến tranh thương mại có thể khiến một số "mắt xích" quan trọng trong mạng lưới sản xuất có thể bị mất đi. Theo Susan Lund – đồng tác giả của bản báo cáo, Mỹ có thể chiến thắng trong quá trình này, các chương trình "Buy America" và ưu đãi khác có thể thu hút đầu tư trong nước vào công nghệ mới. Nếu lao động tay nghề cao đóng vai trò quan trọng đối với ngành sản xuất hiện đại hơn là lao động giá rẻ, thì Mỹ có khả năng hưởng lợi.
Dẫu vậy, cách tiếp cận mới của Mỹ đối với thế giới thực sự vẫn tồn đọng rủi ro, bởi mối quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới – vốn đã thúc đẩy toàn cầu hóa trong nhiều thập kỷ, đang dần lạnh nhạt hơn. Sẽ rất khó để Mỹ tách khỏi Trung Quốc bởi đây vẫn là thị trường khổng lồ đối với các doanh nghiệp Mỹ.
Tuy nhiên, mối quan hệ Mỹ - Trung có thể còn trở nên tồi tệ hơn. Autor cho rằng, tính chính trị mới của thương mại và đầu tư đang chia cắt thế giới thành 2 khối là Trung Quốc và phương Tây – do Mỹ dẫn đầu. Ông nhận định: "Đó sẽ là 1 thế giới lưỡng cực, bị tách đôi, với những tiêu chuẩn và quyền khác nhau. Tại đó, công việc sẽ chỉ là 1 cân nhắc thứ yếu."
Tham khảo New York Times
Lục Lam
Tổ Quốc
Xem thêm: nhc.51141728010010202-nedib-eoj-av-pmurt-dlanod-ac-auc-iov-ax-gnov-maht-asu-ni-edam/nv.zibefac