Đây được xem là công cụ chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác được Chính phủ quy định trong Nghị định 91 bảo vệ quyền lợi của người sử dụng các dịch vụ điện tử, viễn thông.
Theo Nghi định này, các doanh nghiệp viễn thông phải cung cấp cho người dùng các công cụ, ứng dụng để phản ảnh và cho phép khách hàng chủ động ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Các nhà mạng cũng có trách nhiệm ngăn chặn, thu hồi địa chỉ được dùng để phát tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác...
Từ khoảng 2 ngày nay, nhà mạng Viettel đã bắt đầu hỗ trợ khách hàng xác minh các cuộc gọi, tin nhắn rác. |
Cục An toàn thông tin (Cục ATTT) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ là cơ quan tiếp nhận, điều phối ngăn chặn, xử lý phản ảnh về thông tin rác, đồng thời giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo qua tin nhắn, thư điện tử, gọi điện thoại.
Cục ATTT có trách nhiệm xây dựng, vận hành hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác (trên đầu số 5656), thư điện tử rác. Nghị định 91 quy định, khi thực hiện các chương trình quảng cáo, người quảng cáo bằng tin nhắn phải gửi đồng thời bản tin nhắn quảng cáo tới hệ thống phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác (trên đầu số 5656).
Người sử dụng dịch vụ viễn thông, internet, thư điện tử có thể phản ánh, cung cấp các bằng chứng tới hệ thống tiếp nhận trên. Thông tin, dữ liệu từ hệ thống và các nguồn thông tin, dữ liệu khác được sử dụng để điều phối xử lý, ngăn chặn rác viễn thông và thư điện tử rác.
Người dùng có quyền từ chối hoặc tiếp nhận tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo. Việc từ chối các loại tin nhắn, cuộc gọi, thư điện này sẽ được miễn phí.
Trong trường hợp người sử dụng từ chối nhận quảng cáo hoặc không trả lời sau khi nhận tin nhắn đăng ký quảng cáo đầu tiên, người quảng cáo không được phép gửi bất kỳ tin nhăn đăng ký quảng cáo hoặc tin nhắn quảng cáo nào đến số điện thoại đó.
Đồng thời, mỗi người quảng cáo không được phép gửi quá 3 tin nhắn quảng cáo tới một số điện thoại, 3 thư điện tử quảng cáo tới một địa chỉ thư điện tử, 1 cuộc gọi điện thoại quảng cáo tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ; Chỉ được gửi tin nhắn trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 22 giờ mỗi ngày, gọi điện thoại quảng cáo từ 8 giờ đến 17 giờ mỗi ngày trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với Người sử dụng.
Nghị định 91 quy định rõ trách nhiệm của DN cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ internet, tổ chức thiết lập mạng viễn thông dùng riêng. Theo đó, các đơn vị trên phải hướng dẫn người sử dụng dịch vụ về cách thức chống tin nhắn rác, cuộc gọi rác; hướng dẫn, cung cấp cho người sử dụng các công cụ, ứng dụng để phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác và cho phép người sử dụng chủ động ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác; thực hiện triệt để các biện pháp ngăn chặn tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo đến danh sách không quảng cáo; ngăn chặn, thu hồi địa chỉ điện tử được dùng để phát thông tin rác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền...
Ngoài ra, Nghị định 91 cũng bổ sung hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. Cụ thể, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm trong việc gửi thông tin rác. Trong đó, Mức phạt đến 100 triệu đồng được áp dụng với hành vi gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong danh sách không quảng cáo. Đồng thời, thu hồi số điện thoại thực hiện hành vi vi phạm.
Đối với DN viễn thông, internet, nếu không thực hiện các biện pháp để ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi rác, thư điện tử rác theo yêu cầu; không hỗ trợ người dùng ngăn chặn tình trạng trên sẽ có mức phạt tiền cao nhất lên đến 170 triệu đồng.
Ý kiến từ các chuyên gia an ninh mạng cho rằng, trước Nghị định này cũng có một số Nghị định và điều luật chống tin nhắn, cuộc gọi rác, tuy nhiên vẫn chưa vẫn thiếu tính khả thi. Hầu hết các quy định đều hướng đến xử phạt phía phát tán tin nhắn, trong khi các tiêu chí xác định cuộc gọi, tin nhắn rác lại không rõ ràng. Thay vì đó nếu quy định nhà mạng hoạc bên có hành vi phát tán tin nhắn, cuộc gọi rác... phải đền bù cho người dùng phải nhận những tin nhắn, cuộc gọi này sẽ có hiệu lực mạnh hơn.
Quốc Thái