vĐồng tin tức tài chính 365

Ngành ô tô Đức oằn mình vì dịch bệnh và xu thế xe điện

2020-10-04 08:00

Ngành ô tô Đức oằn mình vì dịch bệnh và xu thế xe điện

Khánh Lan

(TBKTSG Online) - Ngành sản xuất ô tô Đức đang chịu tổn thương nặng nề do tác động của dịch bệnh Covid-19 và xu thế chuyển đổi công nghệ sang xe điện diễn ra quá nhanh. Ngành công nghiệp này tạo ra hơn 2 triệu việc làm và đóng góp hơn 5% GDP của Đức đang gánh chịu tổn thất nặng nề trong năm nay.

Công nhân của Công ty Man Group, chuyên sản xuất xe buýt và xe tải, một đơn vị thành viên của hãng xe Volkswagen, biểu tình phản đối kế hoạch sa thải lao động của công ty này hôm 24-9. Ảnh: Financial Times

Hàng chục ngàn công nhân đối mặt sa thải

Hôm 24-9, dưới bầu trời u ám, một người đàn ông hóa trang thành Thần chết, tay cầm lưỡi hái, dẫn đầu hàng trăm người biểu tình mang khẩu trang bước ra khỏi các cánh cổng của một trong khu sản xuất ô tô và linh kiện ô tô lâu đời nhất của Đức ở thành phố Nureberg, bang Bavaria.

Họ đang tham gia cuộc tuần hành phản đối kế hoạch sa thải lao động của Công ty Man Group, chuyên sản xuất xe buýt và xe tải, một đơn vị thành viên của hãng xe Volkswagen.

Trong tháng này, Man Group, thông báo sẽ sa thải 9.500 việc làm, tương đương khoảng 25% tổng nhân sự của công ty này. Man Group cũng cân nhắc đóng cửa các địa điểm sản xuất khắp trên nước Đức và Áo. Các công đoàn lao động địa phương gọi thông báo đó là ‘tuyên bố chiến tranh’.

Các công nhân của Man Group nằm trong số hàng chục ngàn nhân sự trong ngành công nghiệp ô tô chiến lược của Đức, đang đối mặt nguy cơ mất việc do tác động của dịch bệnh Covid-19 và làn sóng chuyển đổi công nghệ sang xe điện.

Ngành công nghiệp ô tô Đức hỗ trợ hơn 2 triệu việc làm trong nước, trực tiếp đóng góp hơn 5% GDP của Đức và tập trung ở bang ở các bang Bavaria, Baden-Württemberg và Hạ Saxony, nơi các nền kinh tế có thể chịu tổn thương lớn nhất do kế hoạch cắt giảm chi phí của các hãng xe.

Thông báo sa thải nhân sự của Man Group nhấn mạnh: “Ngành công nghiệp của chúng ta đang ở giai đoạn đầu của cuộc chuyển đổi căn bản”. Công ty này cho rằng chi phí của cuộc chuyển đổi công nghệ từ động cơ đốt trong sang động cơ vận hành bằng điện và hydrogen sẽ rất tốn kém.

Cùng với sự chuyển đổi này, nền kinh tế Đức cũng đang vật lộn với thị trường ô tô toàn cầu đang suy yếu với mức suy giảm doanh số có thể kéo dài sang năm thứ năm trong năm nay, theo dự báo hãng xếp hạng tín dụng Moody’s.

Giám đốc điều hành Continental, Elmar Degenhart, cảnh báo rằng sau gần một thập kỷ tăng trưởng lợi nhuận và mở rộng đội ngũ lao động nhanh chóng, ngành công nghiệp ô tô Đức chuẩn bị trải qua cơn khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ hai.

Kể từ khi dịch bệnh lan tới châu Âu, doanh số ô tô khắp châu lục này giảm mạnh nhưng vẫn tương đối ổn định ở châu Á.

Ngân hàng UBS cho biết trong tháng 8, doanh số ô tô ở Liên minh châu Âu (EU) giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 9% ở Trung Quốc, nơi các hãng xe Đức tạo ra phần lớn doanh thu.
“Khi bạn có một nền tảng khách hàng rộng lớn trên toàn cầu, địa phương hóa sản xuất trở nên ngày càng quan trọng.

Trước đây, hầu hết các quyết định cắt giảm việc làm của chúng tôi đều thực hiện bên ngoài nước Đức nhưng giờ đây, chúng tôi phải giải quyết vấn đề dư thừa việc làm ở Đức”, Klaus Rosenfeld, Giám đốc điều hành Schaeffler Technologies, nói.

Kêu gọi cứu ngành ô tô truyền thống

Các đề xuất cắt giảm việc làm ở các nhà máy lắp ráp ô tô ‘sẽ là một thảm họa’, theo nhận định của ông Markus Wansch, Chủ tịch hội đồng việc làm của nhà máy Man Group ở  Nuremberg, nơi động cơ và linh kiện xe cộ được sản xuất trong hơn 150 năm qua. Nhà máy của Man Group ở thành phố này đang sử dụng hơn 4.000 lao động.

Khu vực sản xuất ô tô rộng lớn hơn của Bavaria là tâm chấn ban đầu của cuộc khủng hoảng Covid-19 khi ngành công nghiệp ô tô của Đức tìm cách cắt giảm mạnh chi phí nhân sự tại thị trường trong nước.

Trong những tuần qua, hãng sản xuất phụ tùng ô tô Continental, có trụ sở ở bang Hạ Saxony, cảnh báo sẽ có thêm 10.000 việc làm có nguy cơ bị cắt giảm khắp hãng này. Continental dự định đóng cửa hai nhà máy và xây dựng lại một nhà máy khác ở Đức. Kế hoạch này khiến ít nhất 4.800 việc làm bị ảnh hưởng. Năm ngoái, Continental đã thông báo sa thải 20.000 lao động.

Trong khi đó, hãng Mahle, một trong những nhà sản xuất phụ tùng ô tô lớn nhất thế giới, có trụ sở ở Stuttgart, bang Baden-Württemberg, cho biết đang dư thừa 7.600 việc làm trên toàn cầu và sẽ cắt giảm ít nhất 2.000 việc làm và đóng cửa một số nhà máy ở Đức.

Schaeffler Technologies, một nhà cung cấp linh kiện ô tô khác, có trụ sở gần Nuremberg, lên kế hoạch sa thải 4.400 lao động, chủ yếu là ở Đức. Hãng xe BMW, có trụ sở ở TP. Munich, cũng sẽ cắt giảm thêm việc làm sau khi đã thông báo sa thải 6.000 lao động hồi tháng 6.

IG Metall, một công đoàn quyền lực, đại diện phần lớn 800.000 công nhân làm việc việc trong ngành ô tô của Đức, cáo buộc các công ty như Schaeffler Technologies chỉ muốn lợi dụng khủng hoảng dịch bệnh như cái cớ để tối đa hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, thực tế cho thấy biên lợi nhuận của Schaeffler Technologies suy giảm trong những năm qua, một phần là vì hãng này phải đầu tư lớn cho hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Dù sự chuyển đổi sang xe điện sẽ tạo ra việc làm mới, các bên hưởng lợi lớn nhất có thể là những nước có lực lượng lao động trẻ, có chi phí thấp hơn và được giáo dục công nghệ tốt hơn.

Trong một nỗ lực để giúp nền kinh tế thích nghi với các thay đổi công nghệ trong tương lai, chính quyền TP Nuremberg đã thúc đẩy kế hoạch xây dựng một trường đại học công nghệ mới, để tiếp nhận 6.500 sinh viên mỗi năm. Một trung tâm nghiên cứu và phát triển nhiên liệu hydrogen do nhà nước tài trợ vốn cũng đã được thành lập ở thành phố này.

“Chúng ta đang rơi vào một cuộc khủng hoảng. Nhưng nền kinh tế sẽ bật trở lại và sẽ có những dòng sản phẩm mới cần sử dụng lao động. Chúng ta cần phải giữ chân người lao động ở thành phố này để có thể thoát ra khỏi khủng hoảng”, Marcus König, Thị trưởng Nuremberg nói với đám đông người biểu tình bên ngoài nhà máy Man Group hôm 24-9.

Làn sóng sa thải việc làm sắp diễn ra trong ngành công nghiệp ô tô khiến Thủ hiến bang Bavaria, Markus Söder, một ứng cử viên có tiềm năng kế nhiệm Thủ tướng Đức, Angela Merkel, kêu gọi chính phủ trợ cấp cho các công ty và người dân mua xe động cơ đốt trong mới, một đề nghị đã nhiều lần bị chính quyền trung ương ở Berlin bác bỏ.

Armin Laschet, Thủ hiến bang North Rhine-Westphalia, cũng lên tiếng phê phán kế hoạch tái cấu trúc của Continental được thông qua mà không hỏi ý kiến công đoàm lao động là biểu hiện của ‘chủ nghĩa tư bản lạnh lùng’.

Theo Financial Times

Xem thêm: lmth.neid-ex-eht-ux-av-hneb-hcid-iv-hnim-nao-cud-ot-o-hnagn/599803/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ngành ô tô Đức oằn mình vì dịch bệnh và xu thế xe điện”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools