vĐồng tin tức tài chính 365

Sắp đến thời của nền tảng mua theo nhóm cộng đồng ở Trung Quốc

2020-10-05 23:06

Sắp đến thời của nền tảng mua theo nhóm cộng đồng ở Trung Quốc

Minh Huy

(TBKTSG Online) - Sau đại dịch Covid-19, ai có thể nhanh chóng phát triển một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh và thuận lợi sẽ giành được thị trường mua theo nhóm cộng đồng.

Tại một khu phố nhỏ ở Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), một nhóm khoảng 380 người tại một cộng đồng dân cư lên mạng hằng ngày để kiểm tra danh sách hàng tạp hóa được một trạm chuyển phát nhanh địa phương gửi qua ứng dụng WeChat. Trạm này đã lập nhóm trên WeChat nói trên hồi tháng 3, thời điểm hầu hết đất nước vẫn trong tình trạng phong tỏa để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan.

Bà He Fang, một người nội trợ 55 tuổi và là thành viên nhóm, cho rằng hình thức mua theo nhóm tại cộng đồng địa phương giúp họ được giảm giá khi mua hàng với số lượng lớn. “Hình thức này rất tiện lợi và đôi khi rẻ. Tôi nhớ có lần mua táo có giá bán chỉ bằng một nửa so với siêu thị”, bà cho biết.

Ông Chen Ying, Giám đốc điều hành Shihuituan. Ảnh: South China Morning Post

Thời cơ phát triển

Mua theo nhóm không phải là điều mới mẻ ở Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh người dân tiếp tục lo ngại về vấn đề sức khỏe và an toàn thực phẩm, thời cơ phát triển dường như đã đến đối với các dịch vụ tập trung vào nhu cầu cơ bản của cộng đồng địa phương và không cần sự tiếp sức từ chương trình phát sóng trực tiếp (livestream) của người có ảnh hưởng.

“Các công ty Internet Trung Quốc đang tìm kiếm thị trường mới để thúc đẩy tăng trưởng”, bà Zhao Yue, nhà phân tích của công ty nghiên cứu Analysys (Trung Quốc) nhận định, đồng thời cho rằng tiềm năng là rất lớn trong thị trường mua theo nhóm cộng đồng, nhất là đối với việc cung cấp hàng tạp hóa trực tuyến ở các thành phố nhỏ.

Trong bối cảnh nhiều người ở nhà và dựa nhiều hơn vào dịch vụ trực tuyến để làm việc, mua sắm và giải trí, một số công ty khởi nghiệp như Shihuituan và Xingsheng Youxuan đang dẫn đầu thị trường mua theo nhóm cộng đồng.

Các công ty này đáp ứng nhu cầu của các chương trình mua theo nhóm được tổ chức bởi các cửa hàng, nhà hàng, trạm logistics và thậm chí cả người nội trợ. Những nhà tổ chức này cũng có thể lưu trữ tạm thời hàng tạp hóa, giúp doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử giảm chi phí đóng gói, lưu kho và giao hàng.

Công ty Shihuituan, còn được biết đến là Nice Tuan, ra đời năm 2018 và phục vụ gần 20 triệu gia đình tại hơn 100.000 cộng đồng khắp nước tính đến tháng 4 qua.

“Ngày càng có nhiều người sử dụng phương thức thanh toán di động, hoặc giao tiếp và kinh doanh trong các nhóm WeChat… Số lượng dịch vụ logistics và giao hàng cũng gia tăng khắp nước. Tất cả điều này giúp chúng tôi có thể phục vụ nhiều người hơn, đặc biệt là ở các thành phố nhỏ”, Giám đốc điều hành Chen Ying của Shihuituan cho biết. Công ty này vừa thu hút được 80 triệu đô la trong vòng gọi vốn hồi tháng 7 vừa qua. 

Cũng được thành lập vào năm 2018, công ty Xingsheng Youxuan khởi đầu là đơn vị thương mại điện tử của chuỗi siêu thị Furong Xingsheng (trụ sở tại tỉnh Hồ Nam) và hiện hoạt động tại 13 tỉnh. Theo truyền thông Trung Quốc, Xingsheng Youxuan vừa gọi vốn được 800 triệu đô la hồi tháng 6, giúp công ty được định giá 4 tỉ đô la.

Sân chơi ngày càng đông đúc

Thị trường tạp hóa trực tuyến ở Trung Quốc được dự báo đạt 1.000 tỉ nhân dân tệ (tương đương 147 tỉ đô la) trong ba năm tới, tăng đáng kể so với mức 400 tỉ nhân dân tệ năm 2019. Lý do chính thúc đẩy sự tăng trưởng này là ngày càng nhiều người tiêu dùng tiếp tục mua hàng hóa thường nhật thông qua nền tảng thương mại điện tử khác nhau, theo nhận định của công ty môi giới CLSA (Hồng Kông).

Công ty Shihuituan, còn gọi là Nice Tuan, hiện là một trong những nhà cung cấp dịch vụ mua theo nhóm cộng đồng hàng đầu ở Trung Quốc. Ảnh: South China Morning Post

Các công ty Internet khác cũng đang nhìn thấy cơ hội tăng trưởng mới trong thị trường nói trên. Chẳng hạn như Meituan Dianping, nhà cung cấp dịch vụ giao hàng theo yêu cầu lớn nhất nước, đã thành lập một bộ phận phụ trách dịch vụ mua theo nhóm cộng đồng vào tháng 5. Công ty cũng khởi động một chương trình có tên Dự án Một ngàn thành phố vào đầu tháng 9 để đưa dịch vụ đến nhiều thành phố và ngôi làng hơn vào cuối năm nay.

“Đây sẽ là một mảng kinh doanh rất thú vị…và cuối cùng có thể liên quan đến hàng trăm triệu người”, ông Wang Xing, Giám đốc điều hành Meituan, nhận định gần đây.

Không chịu đứng ngoài cuộc, Pinduoduo, nền tảng thương mại xã hội nổi tiếng với tính năng mua theo nhóm, trong tháng rồi ra mắt một ứng dụng mini về mua theo nhóm cộng đồng trên WeChat. Chuyên gia Zhao của công ty Analysys chỉ ra rằng các nhà bán lẻ khác của Trung Quốc, trong đó có chuỗi siêu thị Freshippo của tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, cũng dòm ngó chiến lược mua theo nhóm cộng đồng nhằm mở rộng đến các khu vực còn kém phát triển của đất nước.

Theo dữ liệu từ công ty QuestMobile, khoảng 60% số người sử dụng nền tảng mua nhóm cộng đồng đến từ các thành phố nhỏ và khu vực nông thôn ở Trung Quốc. Lý do là những nơi này thường không có cửa hàng tạp hóa truyền thống gần cộng đồng dân cư. Trong khi đó, sự tương tác giữa các lãnh đạo cộng đồng và hàng xóm giúp xây dựng lòng tin và tăng mức độ gắn bó của người sử dụng.

Tuy nhiên, mô hình kinh doanh mua theo nhóm cộng đồng không phải là không có thách thức, như hàng tạp hóa không phải lúc nào cũng có chất lượng tốt và giá bán hợp lý. Mo Daiqing, nhà phân tích cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu thương mại điện tử Trung Quốc dự báo: “Các chương trình mua hàng theo nhóm cộng đồng có thể phát triển hơn nữa hay không phụ thuộc vào những bước đi thời gian tới. Sau đại dịch, ai có thể nhanh chóng phát triển một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh và thuận lợi sẽ giành được thị trường này”.

(Theo South China Morning Post, Bloomberg)

Xem thêm: lmth.couq-gnurt-o-gnod-gnoc-mohn-oeht-aum-gnat-nen-auc-ioht-ned-pas/520903/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Sắp đến thời của nền tảng mua theo nhóm cộng đồng ở Trung Quốc”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools