Bé T. đã phục hồi sau khi các bác sĩ quyết định dùng kỹ thuật ECMO để cứu sống - Ảnh: THU HIẾN
Sáng 13-10, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết vừa cứu sống một bệnh nhi 31 tháng tuổi, cân nặng chỉ 11kg nhờ kỹ thuật ECMO.
Bệnh nhi là V.N.K.T. ở Long Khánh, Đồng Nai. Khoảng 6-7 tháng nay, bé tím môi, mệt khi khóc hoặc khi vận động nhiều. Ngày 22-9, bé T. được phẫu thuật sửa chữa triệt để bệnh tim bẩm sinh tứ chứng Fallot (bệnh tim bẩm sinh có tím thường gặp nhất, chiếm 75% các trường hợp tim bẩm sinh tím ở trẻ trên 1 tuổi).
Bác sĩ Nguyễn Thị Trân Châu - phó khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho biết do bé T. có mắc hội chứng bẩm sinh nên cuộc phẫu thuật khá khó khăn với thời gian chạy tuần hoàn ngoài cơ thể lên đến 193 phút (các ca thông thường là 90-100 phút), kẹp động mạch chủ 134 phút nhưng đã thành công trong việc sửa chữa các tật tim của bé.
Sau phẫu thuật bé T. được chuyển vào phòng hồi sức tim của khoa hồi sức ngoại để theo dõi sát. Tuy nhiên, tình trạng phù phổi cấp nặng dần sau phẫu thuật dù bé được điều trị tích cực dẫn đến tổn thương chức năng tim, phổi, thận.
Ngày 24-9, bé T. được mở xương ức để hồi sức tích cực nhưng tình trạng không cải thiện, bé suy hô hấp nặng dần và ngưng tim. Các bác sĩ hồi sức đã tiến hành cấp cứu ngưng thở, ngưng tim đồng thời tiến hành một cuộc hội chẩn khẩn cấp giữa lãnh đạo bệnh viện, phẩu thuật viên, bác sĩ hồi sức ngoại và hồi sức tích cực.
Để có hi vọng cứu bé, các bác sĩ đã quyết định thực hiện kỹ thuật ECMO (kỹ thuật trao đổi oxy qua màng với tuần hoàn ngoài cơ thể hay còn gọi lại kỹ thuật tim phổi nhân tạo).
"Tất cả các thuốc, máy trợ thở lúc này đều thất bại với sức khỏe của bé, hi vọng sống chỉ còn dưới 10%, chúng tôi đã thông báo cho người nhà quyết định dùng kỹ thuật ECMO để cứu sống bé. Tuy nhiên trước đây kỹ thuật này chỉ triển khai nội khoa, chưa hề áp dụng tại ngoại khoa gây ra nhiều khó khăn cho các bác sĩ", bác sĩ Châu cho biết.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 xúc động chia sẻ lại khoảnh khắc cứu sống được bé T. - Ảnh: THU HIẾN
May mắn thay sau khi đặt ECMO hơn 10 phút sau tình trạng tím tái trên da bé đã dần biến mất, da hồng hào trở lại. Hiện tại tình trạng sức khỏe của bé tạm ổn định, được thở oxy và theo dõi tại khoa tim mạch.
Chị N.T.B.H. (40 tuổi) cho biết gia đình biết bé mắc bệnh tim từ khi 1 tuổi, tuy nhiên thấy bé vẫn phát triển tốt, ăn uống được, nhanh lớn, chạy nhảy bình thường nên không đưa bé đi khám. Thời gian gần đây thấy bé có biểu hiện tím tái gia đình mới mang bé đến bệnh viện khám.
PGS TS Trần Văn Quang - trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1 - cho biết kỹ thuật ECMO được bệnh viện triển khai từ tháng 2-2019 đến nay đã cứu sống được 7 bệnh nhi viêm cơ tim thứ cấp, bé T. là bệnh nhi thứ 8 và cũng là bệnh nhi đầu tiên dùng kỹ thuật ECMO sau phẫu thuật, mở ra hi vọng cứu sống nhiều em nhỏ khác.
TTO - Bệnh nhi nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM trong tình trạng viêm cơ tim cấp đe dọa tính mạng. Trước diễn biến nghiêm trọng, các bác sĩ quyết định chỉ định áp dụng phương pháp ECMO, cứu bệnh nhi vượt 'cửa tử'.