Sự kiện không chỉ có ý nghĩa rất thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai mà còn đóng góp vào công cuộc cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng đất đầy tiềm năng này.
Vì một Lào Cai hùng vĩ và hiện đại
Hệ thống IOC được ví như “bộ não số” của một tỉnh với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển trung tâm, cung cấp cho lãnh đạo chính quyền cái nhìn toàn diện về các hoạt động đang diễn ra trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Lào Cai và đại diện VNPT tại lễ khởi công. Ảnh VT
Hiểu được giá trị của hệ thống quản lý, giám sát điều hành thông tin thông minh cho sự phát triển toàn diện của Lào Cai, từ khá sớm UBND Lào Cai và Tập đoàn VNPT đã cùng chung sức đồng lòng xây dựng Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh.
Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, hệ thống IOC Lào Cai đã được hoàn thành, cho thấy quyết tâm rất cao của lãnh đạo tỉnh trong việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động quản lý, hướng tới xây dựng chính phủ điện tử.
IOC Lào Cai được trang bị đầy đủ các hạng mục thiết bị quan trọng như hệ thống màn hình ghép, phần mềm lõi tích hợp các hệ thống thông tin… Hệ thống có khả năng giám sát và quản lý từ cấp tổng quan đến chi tiết từng tình huống, như các chỉ tiêu đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội, giám sát trực quan trên bản đồ số, tình hình chất lượng dịch vụ y tế, việc xử lý phản ánh về bất cập đô thị, camera trí tuệ nhân tạo giám sát đô thị trực tiếp, quản lý thủ tục cấp phép xây dựng, tình hình giải quyết dịch vụ hành chính công… Qua đó giúp lãnh đạo tỉnh có thể đưa ra các quyết định nhanh chóng, kịp thời.
Tại buổi lễ, ông Đặng Xuân Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, xác định xây dựng Chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, phát triển đô thị thông minh hướng đến xã hội số, nền kinh tế số là nhiệm vụ rất quan trọng và là xu thế tất yếu khách quan.
Do đó, lãnh đạo tỉnh Lào Cai rất quan tâm, quyết liệt chỉ đạo thực hiện, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung và lựa chọn giải pháp thông minh đối với một số lĩnh vực có lợi thế của địa phương để thực hiện, đảm bảo triển khai xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
“VNPT là doanh nghiệp lớn, có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ viễn thông, giải pháp CNTT, tham gia mạnh mẽ vào quá trình triển khai Chính phủ điện tử tại các bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, tôi tin tưởng rằng, với sự quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh Lào Cai, sự đồng hành, hợp tác chặt chẽ của Tập đoàn VNPT, trong tương lai gần, tỉnh Lào Cai sẽ sớm đạt được mục tiêu trở thành một trong những địa phương tiên phong trong việc phát triển Chính quyền điện tử, đô thị thông minh”- ông Đặng Xuân Phong nhấn mạnh.
Huy động các chuyên gia tốt nhất
Tại lễ khai trương, ông Phạm Đức Long, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, với những giá trị thiết thực mà IOC mang lại, đến nay, VNPT đã triển khai cho 20 tỉnh/TP trên toàn quốc. IOC tại Lào Cai là hệ thống thứ 21 do VNPT triển khai xây dựng.
Hệ thống IOC Lào Cai cũng được chuẩn hóa và tích hợp dữ liệu cơ bản với 09 phân hệ quản lý, trong đó bao gồm nhiều phân hệ quan trọng như: Hệ thống Điều hành chỉ tiêu, sản xuất phát triển kinh tế xã hội; Hệ thống Điều hành chỉ tiêu ngân sách; Hệ thống Giám sát Văn bản điện tử; Hệ thống Giám sát Hành chính công; Hệ thống Điều hành Y tế, giáo dục…
Các hệ thống phần mềm lõi vận hành Trung tâm IOC cũng được khảo sát, phân tích, thiết kế đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành, chỉ huy của Lãnh đạo tỉnh Lào Cai và được Tập đoàn VNPT cung cấp hạ tầng, cài đặt, vận hành và khai thác hệ thống trên Trung tâm tích hợp dữ liệu đạt tiêu chuẩn Quốc tế, đảm bảo hoạt động ổn định, an toàn thông tin, dữ liệu và an ninh mạng.
Lãnh đạo Tập đoàn VNPT khẳng định sẽ tiếp tục huy động đội ngũ chuyên gia tốt nhất, bắt tay ngay vào việc triển khai các kế hoạch đã được thống nhất để đảm bảo vận hành hệ thống IOC.
Các chuyên gia cũng sẽ hỗ trợ xây dựng các quy định, quy trình vận hành đảm bảo thực hiện thống nhất, đồng bộ, tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phần mềm và yêu cầu của các cơ quan quản lý chuyên ngành.
Với những bước tiến trong ứng dụng CNTT, chắc chắn người dân Lào Cai, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được tiếp cận và ứng dụng công nghệ thường xuyên, như một phần của cuộc sống. Qua đó sẽ giúp đời sống tinh thần, vật chất của người dân vùng cao Lào Cai sẽ thay đổi.
Hoạt động văn hóa, nghệ thuật, kinh tế, những địa danh lịch sử, hang động tự nhiên, vùng sinh thái nông nghiệp đặc sản, hệ thống cửa khẩu trọng yếu hay chợ tình Sapa từng đi vào thơ ca sẽ được điều hành, quản lý trên nền tảng công nghệ hiện đại của IOC cũng sẽ giúp Lào Cai “thay da đổi thịt” trong những năm tới.