Quay trở lại bối cảnh hơn 14 năm trước, nhân sự kiện Hội nghị thượng định APEC vào năm 2006, Shinzo Abe - Thủ tướng Nhật lúc đó, đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài của ông khi nhậm chức lần thứ nhất. Chuyến thăm Việt Nam lúc bấy giờ đánh dấu mốc son mới về mối quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt – Nhật đã bước sang giai đoạn mới – giai đoạn Đối tác Chiến lược.
Đến năm 2012, ông Shinzo Abe một lần nữa được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Nhật Bản. Và cũng một lần nữa, Việt Nam đã nằm trong danh sách ưu tiên của ông khi lựa chọn điểm đến công du đầu tiên sau khi nhậm chức.
"Hôm nay, tôi được đến thăm Hà Nội, còn được gọi là Thăng Long. Tôi tin rằng Vệt Nam sẽ phát triển như Rồng bay". Đó là những gì ông Shinzo Abe phát biểu vào chuyến thăm hồi tháng 1/2013.
Hai năm sau đó, tại Hội đàm cấp cao vào ngày 18/3/2014, từ Quan hệ Đối tác Chiến lược, hai bên đã nâng cấp mối quan hệ lên một tầm cao mới - quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng.
Kể từ đó, mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản luôn được đánh giá là ổn định và tốt đẹp, ngay cả khi thế giới và khu vực đang xảy ra những diễn biến phức tạp.
Bảy năm sau, ngay sau khi nhậm chức một tháng, tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cũng lại chọn Việt Nam - điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Ngay khi Đại sứ quán Nhật Bản xác nhận tin, đã có nhiều người đặt câu hỏi: "Liệu Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đưa ra quyết định này có phải do ảnh hưởng bởi người tiền nhiệm trước đó của ông – cựu Thủ tướng Shinzo Abe?"
Trao đổi với phóng viên Trí Thức Trẻ về vấn đề này, Giám đốc nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple (Tokyo), ông Jeff Kingston giải thích, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga chọn Việt Nam là quyết định phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Giám đốc nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple (Tokyo) Jeff Kingston
Việt Nam đang giữ vai trò là Chủ tịch ASEAN. Vì vậy, theo ông Jeff Kingston, Việt Nam là lựa chọn hoàn toàn đúng đắn khi Nhật Bản đang muốn thúc đẩy hợp tác với các quốc gia thành viên ASEAN vào chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Đây là chiến lược mà Nhật Bản đã công bố vào năm 2016. Theo đó, Nhật Bản xác định chìa khóa cho sự ổn định và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế là động lực dựa trên sự kết hợp hai châu lục: Á và Phi, hai vùng biển: Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
"Chuyến thăm lần này là một sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng. Bên cạnh đó, đây là minh chứng về mối quan hệ đối tác kinh tế đang phát triển giữa hai bên. Các doanh nghiệp Nhật Bản hiện nay đã nhìn thấy tiềm năng to lớn của Việt Nam với vai trò là một cơ sở sản xuất tương đối lớn trên thị trường", ông Jeff nhấn mạnh.
Một dẫn chứng khác đó là, những năm vừa qua, lượng lao động Việt Nam tại Nhật Bản tăng với tốc độ nhanh đáng kể. Theo thống kê của Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản, năm 2018, Việt Nam đứng vị trí thứ hai trong số các quốc gia có nhiều lao động làm việc tại Nhật Bản với 401.000 người, chỉ sau Trung Quốc với 418.000 người. Đồng thời, Nhật Bản cũng là thị trường tiếp nhận nhiều nhất hiện nay. Do vậy, đây cũng là cơ hội để Chính phủ Nhật Bản mở rộng quan hệ hợp tác lao động giữa hai bên.
Lý do quan trọng cuối cùng mà ông Jeff Kingston đưa ra đó là Nhật Bản là quốc gia cung cấp viện trợ ODA lớn của Việt Nam trong hơn hai thập kỷ qua. Các dự án đầu tư hiệu quả của doanh nghiệp Nhật Bản đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động.
Trước đó, Thủ tướng Yoshihide Suga đã khẳng định, ông sẽ xây dựng phong cách ngoại giao của riêng mình, khác với cựu Thủ tướng Abe Shinzo. Các chuyên gia cho rằng, chuyến công du lần này của ông chính là cơ hội "vàng" để ông chứng minh lời nói trên, đặc biệt khi ông chọn một điểm đến "cũ".
Q.L
Nhịp sống kinh tế