Quốc hội tập trung vào giải pháp phục hồi kinh tế trong phiên họp cuối năm
Vân Ly
(TBKTSG Online) – Quốc hội sẽ bàn thảo và quyết định các giải pháp phục hồi, phát triển nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại kỳ họp Quốc hội thứ 10 khóa 14 khai mạc vào ngày 20-10 (dự kiến kết thúc vào ngày 17-11), theo thông tin tại buổi họp báo của Văn phòng Quốc hội được tổ chức vào chiều 19-10.
Trong kỳ họp cuối năm, Quốc hội sẽ tập trung đánh giá thật kỹ các vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2021, từ đó mới có thể xác định các giải pháp căn cơ để khắc phục. Ảnh minh họa là hoạt động sản xuất ở một doanh nghiệp tại Khu công nghiệp VSIP, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: TTXVN |
Đây là kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ 2016-2020 nên ngoài các vấn đề sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của kỳ họp cuối năm, Quốc hội còn phải xem xét, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn, các chương trình mục tiêu quốc gia trong cả giai đoạn 2016-2020; dự kiến các mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và các kế hoạch tài chính, đầu tư công trung hạn giai đoạn 5 năm kế tiếp.
Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết như: dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), dự án Luật Cư trú (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)... Đồng thời tại kì họp này Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về 4 dự án Luật gồm: dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Kỳ họp sẽ được tiến hành theo 2 đợt. Trong đó, đợt 1 họp trực tuyến sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến về các dự án luật. Vào giai đoạn 2, Quốc hội làm việc theo hình thức tập trung và sẽ xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách, đầu tư công trung hạn, tái cơ cấu nền kinh tế...
Trong đó, trọng tâm của kỳ họp này là xem xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2020 và xác định các mục tiêu, nhiệm vụ cho năm 2021. Quốc hội sẽ dành ưu tiên cho việc thảo luận và thống nhất các giải pháp để khôi phục nền kinh tế, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới và phát triển trong năm 2021.
Theo Văn phòng Quốc hội, nhìn vào tình hình hiện nay tuy Việt Nam đã khống chế tốt đại dịch Covid-19 nhưng dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới, do đó khó khăn, thách thức của năm 2021 vẫn còn rất lớn. Tăng trưởng kinh tế năm nay dự kiến đạt 2-3%, mặc dù rất ấn tượng nếu nhìn ra các nước trong khu vực và trên thế giới, nhưng rõ ràng, với mức tăng trưởng như vậy, nguồn thu bị giảm mạnh. Điều này sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, từ đầu tư phát triển, chi thường xuyên, sức chống chịu của doanh nghiệp trong nước đến việc làm của người dân, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội...
Vì thế, Quốc hội sẽ tập trung đánh giá thật kỹ các vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2021, từ đó mới có thể xác định các giải pháp căn cơ để khắc phục và xác định đúng, trúng các ưu tiên trong cả giai đoạn 5 năm tới thế nào. Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Quốc hội sẽ xem xét kỹ lưỡng, thận trọng các mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.