Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) Nguyễn Đức Hải đã đọc báo cáo thẩm định các vấn đề trên.
Chi nhiều nhưng phải bảo đảm an toàn nợ công
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, giai đoạn 2016-2020, tổng mức vốn đầu tư trung hạn được Quốc hội phê chuẩn tối đa là 2 triệu tỉ đồng. Các quy định đã được ban hành và đáp ứng yêu cầu quản lý đầu tư công.
Từ đó, nhiều công trình, dự án quan trọng, quy mô lớn được tập trung đầu tư hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020, khởi công nhiều đoạn của cao tốc Bắc - Nam, đã hoàn thành đầu tư xây dựng 880 km đường bộ cao tốc, mạng lưới quốc lộ đạt 24.598 km, đáp ứng nhu cầu vận tải của nền kinh tế.
Giai đoạn 2021-2025, dự kiến vốn đầu tư công trung hạn sẽ có 2,75 triệu tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương chiếm 1,38 triệu tỉ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương là 1,37 triệu tỉ đồng.
Giai đoạn 2021-2025, đầu tư hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, tuyến đường bộ ven biển cả nước, các tuyến đường kết nối, các cảng hàng không, cảng biển…
Tại báo cáo thẩm tra, UBTCNS đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để bảo đảm tính khả thi của kế hoạch, giữ an toàn nợ công, bảo đảm nguyên tắc số bội chi NSNN phải nhỏ hơn số chi đầu tư phát triển và việc bố trí dự toán chi đầu tư hằng năm phải căn cứ vào khả năng thu NSNN thực tế theo quy định của Luật NSNN.
Năm 2021, liệu có tăng thu?
Năm 2020, do dịch COVID-19 nên các khoản thu từ phí, lệ phí, thu từ dầu thô đều không đạt. Bởi vậy, dự ước cả năm thu NSNN đạt trên 1,323 triệu tỉ đồng, hụt trên 189.000 tỉ đồng so với dự toán.
Trong khi đó, tổng chi NSNN năm nay ước tính thực hiện được trên 1,68 triệu tỉ đồng, giảm gần 60.900 tỉ đồng. Nhưng chi thường xuyên lại tăng 12.000 tỉ đồng, ở mức gần 1,07 triệu tỉ đồng. Nguyên nhân là do sử dụng dự phòng để chi cho công tác phòng, chống dịch, khắc phục hậu quả thiên tai và thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã ban hành.
UBTCNS nhận định tỉ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách năm 2020 còn cao (63,4%), thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, người lao động trong các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 còn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.
Năm 2021, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Chính phủ dự kiến tổng thu NSNN trên 1,343 triệu tỉ đồng, tổng chi NSNN là 1,687 triệu tỉ đồng, bội chi NSNN là trên 343.600 tỉ đồng.
Theo báo cáo của Chính phủ, dự kiến thu nội địa năm 2021 sẽ tăng 5,6% so với năm 2020, cũng là mức tăng thấp so với mức 10% của ba năm gần đây. Nhưng UBTCNS cho hay ba năm qua, những khoản thu từ doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn FDI, doanh nghiệp ngoài quốc doanh… đều không đạt như dự toán. Từ đó, UBTCNS đề nghị Chính phủ cân nhắc mức tăng thu từ các khu vực này.
Tại báo cáo thẩm tra, UBTCNS cũng lưu ý Chính phủ là vốn đầu tư phát triển từ nguồn NSNN từ năm 2021 trở đi theo Luật Đầu tư công chỉ được sử dụng đến ngày 31-1 năm sau, số dư dự toán sẽ phải hủy bỏ, không được chuyển nguồn như những năm trước.
UBTCNS cũng đề nghị Chính phủ rà soát, cơ cấu lại chi thường xuyên bảo đảm hợp lý, tiết kiệm, cắt, giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết. Năm 2021, không bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền, xe công; giảm mạnh chi cho khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, đi công tác nước ngoài... như năm 2020.
Cắt giảm nguồn chi cho các quỹ tài chính ngoài ngân sách Năm 2021, Chính phủ dự kiến tổng vốn đầu tư từ nguồn NSNN là 477.300 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 222.000 tỉ đồng (bao gồm vốn trong nước là 170.450 tỉ đồng, vốn nước ngoài là 51.550 tỉ đồng), vốn ngân sách địa phương là 255.300 tỉ đồng. UBTCSN đánh giá phương án phân bổ chi thường xuyên của Chính phủ là tiết kiệm, có thứ tự ưu tiên nhưng đề nghị rà soát việc phân bổ theo cơ chế đặc thù vì chưa có căn cứ pháp lý. Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị rà soát, cắt giảm nguồn chi cho các quỹ tài chính ngoài ngân sách hoặc chưa bố trí vốn điều lệ cho một số quỹ năm 2021 do nguồn thu giảm mạnh vì dịch COVID-19. |