Sau khi nghe các đại biểu Quốc hội trình bày ý kiến và tranh luận về Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV sáng 21/10, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã có phát biểu khẳng định, Luật Cư trú phải đảm bảo yêu cầu không cản trở, ngăn trở quyền tự do cư trú của công dân. Thứ hai là xác định vị trí pháp lý của người dân, của công dân trên lãnh thổ Việt Nam. Dù ở đâu, người dân cũng phải có vị trí pháp lý để giao dịch, xác nhận.
“Đây là điều rất quan trọng chứ không phải như ý kiến đại biểu nào đó cho rằng thường trú, tạm trú này không có ý nghĩa gì. Với người dân, đây là sự xác định vị trí pháp lý để giao dịch trong cuộc sống. Đây là cơ sở pháp lý để các cơ quan Nhà nước quản lý công dân”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, trong quy định đăng ký quản lý không được gây phiền hà, phức tạp cho nhân dân, theo đó có quản lý, nhưng không lấy những quy định đó để nhũng nhiễu người dân. Trong quá trình chuyển đổi số khiến nhiều đại biểu băn khoăn, do đó, đã có 2 phương án được đề xuất, nhưng nếu không dứt khoát được thời điểm thực hiện sẽ rất phiền phức cho người dân và hoạt động quản lý của các cơ quan Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định có thể thực hiện ngay được việc bỏ sổ hộ khẩu khi Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01/07/2021.
“Việc bỏ sổ hộ khẩu là mong ước của người dân. Sổ hộ khẩu có nhiều điểu khoản khác, quy định đi theo. Thay đổi phương thức quản lý, đòi hỏi cả hệ thống phải thay đổi. Đồng thời với Luật Cư trú là triển khai dự án về Căn cước công dân vào Luật Cư trú và đến nay, chúng tôi đã thu thập được 90% thông tin về cơ sở dữ liệu về dân cư. Hiện chỉ thẩm định, phúc tra lại và đưa vào trong hệ thống máy, còn 10% có thể hoành thành trong năm 2020”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu về khái niệm, về một số những điều khoản quy định cụ thể, về một số trường hợp cụ thể trong vấn đề cư trú. Trong đó, với điều kiện thường trú phải đảm bảo quy định nhưng không thấp hơn 08m2 sàn/người. Tuy nhiên, Bộ trưởng dẫn chứng việc các nhà ở phố cổ như Hàng Ngang, Hàng Đào (Hà Nội), việc một căn hộ nhỏ chỉ 24m2 nhưng có đến 5-7 người trong một gia đình nhiều thế hệ ở, hay trường hợp vợ chồng ly thân, ly hôn thì phải cần xét đến điều kiện đăng ký rất cụ thể: “Chúng tôi cũng đã tính đến những trường hợp như vậy để xem xét cụ thể. Chúng tôi sẽ tiếp thu những ý kiến của các đại biểu Quốc hội góp ý và xem xét những trường hợp cụ thể để hoàn chỉnh Dự luật, cũng như đáp ứng được các yêu cầu của việc chỉnh sửa”.
Công tác quản lý cư trú nói riêng và quản lý dân cư nói chung đã thể hiện được định hướng rõ rệt trong ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý Nhà nước. Nếu chúng ta quản lý được cư dân tốt, quản lý được cư trú tốt thì có lẽ không phải tổng điều tra dân số, vì tất cả đã được quản lý theo hệ thống. Theo đó, góp phần giảm rất nhiều thủ tục hành chính liên quan./.
Lê Lam
VOV
Xem thêm: nhc.5312036112010202-nad-iougn-auc-cou-gnom-al-uahk-oh-os-ob-na-gnoc-ob-gnourt-ob/nv.zibefac