Vấn đề này được nêu trong báo cáo thẩm tra việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII thuộc lĩnh vực UB Tư pháp phụ trách vừa được gửi đến Quốc hội.
Báo cáo thể hiện, thời gian qua, số vụ Viện kiểm sát trả hồ sơ để điều tra bổ sung còn nhiều (2.004 vụ, chiếm 0,73% tổng số vụ thụ lý) và có chiều hướng gia tăng qua các năm (Năm 2018 trả 608 vụ, năm 2019 trả 769 vụ, 9 tháng đầu năm 2020 trả 627 vụ) nhất là trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.
Nhiều vụ án trả hồ sơ điều tra bổ sung do thiếu sót trong công tác chứng minh, như chứng cứ buộc tội không đầy đủ, không thuyết phục, bỏ sót chứng cứ trong quá trình điều tra. Nguyên nhân của tình trạng này là sự phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cùng cấp trong điều tra, giải quyết vụ án ở một số địa phương còn chưa chặt chẽ, thống nhất trong thu thập, đánh giá chứng cứ; nhận thức pháp luật của một số điều tra viên còn có mặt hạn chế, chưa làm rõ được những vấn đề cần chứng minh trong vụ án, chưa tiến hành tổng hợp, đánh giá chứng cứ, tài liệu để xác định đúng đối tượng, tội danh khởi tố...
Theo UB Tư pháp, đây là vấn đề mà Bộ Công an cần chấn chỉnh trong thời gian tới, nhất là những vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
Trước đó, tại báo cáo Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020 (từ ngày 1/10/2019 đến ngày 30/9/2020) Chính phủ cho biết, các lực lượng chức năng phát hiện 22.105 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 38,56%), 313 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ (ít hơn 2,49%).
Qua công tác điều tra cho thấy, tội phạm và vi phạm về tham nhũng, kinh tế vẫn chủ yếu xảy ra ở một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm (quản lý, sử dụng đất đai, quản lý tài sản công, đầu tư công, tài chính, ngân hàng, thuế, chứng khoán…) với các thủ đoạn như: lợi dụng chức vụ, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; lợi dụng sơ hở trong quy định và những lỏng lẻo trong quản lý, giám sát để thực hiện hành vi phạm tội ; thông đồng, móc nối giữa cán bộ có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước với người trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Bên cạnh đó, nguy cơ xuất hiện tội phạm kinh tế, tham nhũng có tổ chức, xuyên quốc gia, một số hành vi phạm tội kinh tế, tham nhũng được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm diễn ra phức tạp, nhất là trên tuyến biên giới, các cửa khẩu, cảng biển, hàng không. Đã đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây buôn lậu lớn, làm rõ sự tiếp tay của cán bộ trong cơ quan quản lý nhà nước . Hành vi gian lận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa Việt Nam để “né thuế” có xu hướng gia tăng do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, tiềm ẩn nguy cơ Việt Nam bị trừng phạt gây thiệt hại về kinh tế.
Báo cáo của Chính phủ cũng nhấn mạnh, đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đánh giá tổng thể, toàn diện những tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh đến tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, trật tự để đề ra các giải pháp hiệu quả. Phát sinh một số loại tội phạm, vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
9 tháng đầu năm 2020, đã phát hiện, bắt giữ trên 258 vụ vi phạm, nổi lên là hành vi thu gom, đầu cơ để tăng giá, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; sản xuất hàng giả là hàng hóa, trang thiết bị phục vụ phòng bệnh, lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để trục lợi.
Thái Anh