Thị trường bảo hiểm vi mô đang phát triển nhanh ở Đông Nam Á
Ricky Hồ
(TBKTSG Online) - Dịch Covid-19 đã tàn phá các ngành công nghiệp khác, nhưng lĩnh vực bảo hiểm lại là một trong những ngành có sức bật tăng trưởng mạnh, đặc biệt ở Indonesia. Hãng bảo hiểm nhân thọ Nippon Life của Nhật Bản đang chuẩn bị tung ra sản phẩm bảo hiểm ở xứ vạn đảo với tiền đóng hàng tháng dưới 10.000 đồng. Hãng công nghệ bảo hiểm PasarPolis có hy vọng trở thành kỳ lân – công ty khởi nghiệp có giá trị trên 1 tỉ đô la. Nhưng thị trường bảo hiểm vi mô đầy tiềm năng này đang bị các ngân hàng và hãng bảo hiểm truyền thống bỏ qua.
Hãng công nghệ bảo hiểm Pasar Polis nhắm vào thị trường siêu nhỏ mà các hãng bảo hiểm lớn và ngân hàng xem thường - Ảnh: Nikkei Asia |
Bảo hiểm luôn đi song song với hiện trạng phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Indonesia được Ngân hàng Thế giới (WB) xếp là nước có thu nhập trung bình ở phân khúc trên. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân có bảo hiểm ở nước này chỉ 1,99% trong năm 2019, bị bỏ khá xa so với mức 4,99% ở Thái Lan và 4,72% ở Malaysia – theo dữ liệu của SwissRe Group.
Tiền bảo hiểm 8.800 đồng mỗi tháng
Hãng bảo hiểm nhân thọ Nippon Life của Nhật Bản bắt đầu bán các hợp đồng siêu nhỏ nhắm đến người có thu nhập thấp ở châu Á, nhưng hãng này hy vọng đạt đến 350.000 chính sách hay hợp đồng trong vòng 5 năm tới.
Sớm nhất là trong tuần tới, Nippon Life sẽ khai trương sản phẩm vi bảo hiểm tại Indonesia thông qua công ty địa phương Sequis Life. Dịch vụ này sau đó được mở rộng đến ba thị trường địa phương ở Ấn Độ, Thái Lan và Myanmar.
Nippon Life đang tìm cách thâm nhập thị trường vi tài chính được ước tính có thể đạt quy mô 90 tỉ đô la trên toàn cầu. Nhưng ở mảng thị trường li ti này, có rất nhiều lỗ hổng và trở ngại mà hãng phải vượt qua. Tập đoàn Nhật Bản sẽ bán những hợp đồng có mức chi trả đến 1.300 đô la Mỹ với tiền đóng hàng tháng chỉ tương đương 38 xu Mỹ, khoảng 8.800 đồng.
Hãng bảo hiểm chủ yếu nhắm đến nhân viên các công ty có làm ăn với người nước ngoài. Khách mua bảo hiểm loại này phải vượt qua các kiểm tra nhân thân. Nippon Life nói rằng họ nhận ra nhu cầu của các công ty địa phương đang muốn tăng các chế độ phúc lợi cho nhân viên. Các ngân hàng chính ở Indonesia, bao gồm luôn chi nhánh của các ngân hàng Nhật Bản, đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực vi tài chính có thể mang lại tỷ suất lợi nhuận hàng năm đến 10-20%.
Nhưng hiện chưa có mô hình thành công nào rõ ràng trong thị trường vi bảo hiểm. Nhiều nước đang phát triển vẫn chưa hình thành được mạng lưới bảo hiểm y tế rộng khắp. Đối với khách hàng có thu nhập thấp, các hãng bảo hiểm có nguy cơ phải trả các khoản đền bù lớn do điều kiện an sinh xã hội không bảo đảm ở các nước này.
Các hãng bảo hiểm toàn cầu như Allianz của Đức dẫn đầu khai phá thị trường vi bảo hiểm. Nhưng các hãng thường tập trung tiếp thị đến từng cá nhân, và vì thế sản phẩm mới và thị trường mới không phát triển như kỳ vọng.
Nippon Life tìm cách có nguồn khách ổn định bằng cách bán các chính sách bảo hiểm này cho nhân viên thông qua chủ sử dụng lao động. Hãng này tin là sẽ thành công bởi “có bí quyết trong bán các sản phẩm cho dân văn phòng địa phương”.
Một người bán hàng rong trên đường phố Jakarta. Nippon Life dự định chào sản phẩm bảo hiểm vi mô ở Indonesia trước, sau đó mở rộng sang các nước khác - Ảnh: Reuters |
Công nghệ bảo hiểm kết nối với smartphone và Internet vạn vật
PasarPolis là hãng công nghệ bảo hiểm – insurtech – thành lập cách đây 5 năm ở Jakarta. Qua nền tảng công nghệ như Gojek, hãng này bán các sản phẩm bảo hiểm nhỏ, giá rẻ mà các hãng lớn không thèm để ý. Chẳng hạn như PasarPolis bán bảo hiểm cho các món hàng được gửi qua GoSend.
Khi mua sắm trên mạng bùng nổ giữa mùa dịch, CEO Cleosent Randing nói rằng công việc kinh doanh của hãng insurtech này cũng tăng trưởng theo các đơn vận chuyển gia tăng. Vị CEO này tin rằng dịch bệnh cũng giúp các loại hình bảo hiểm sức khỏe hay nhân thọ bán chạy ở Indonesia, tương tự như xu hướng ở Trung Quốc.
Một khảo sát của Morgan Stanley ở Trung Quốc vào tháng 5-2020 cho thấy: 16% người tham gia khảo sát cho biết đã nâng mức chi cho bảo hiểm trong ba tháng trước đó, trong khi đó hơn 33% đang xem xét mua thêm.
Tuy nhiên, vẫn có một trở ngại: Các hợp đồng bảo hiểm cần dễ tiếp cận về giá và thủ tục. Bảo hiểm ở Indonesia vẫn chủ yếu bán qua các kênh truyền thống như đại lý hay ngân hàng, và đòi hỏi rất nhiều giấy tờ. Các chi phí liên quan này được tính vào hợp đồng, khiến tiền đóng bảo hiểm cao hơn. Trong khi PasarPolis vẫn sử dụng các đại lý, kênh phân phối chủ yếu của hãng vẫn là bán kèm trên các nền tảng số như Gojek, Tokopedia và Traveloka – cũng là các nhà đầu tư của hãng. Điều này cũng giúp họ giảm chi phí và giảm tiền đóng.
“Giảm giá rất là quan trọng để tăng độ tiếp cận của bảo hiểm ở Indonesia. Điều này cũng giúp giảm căng thẳng tài chính cho người dân và hỗ trợ kinh tế tăng trưởng. Chúng tôi muốn bảo đảm hai yếu tố: giá thích hợp và tiện lợi cho người mua”, CEO Randing nói.
PasarPolis nói họ đã bán 650 triệu hợp đồng bảo hiểm cho người mới mua lần đầu, bao gồm tài xế công nghệ, tài xế giao vận và các chủ tiệm buôn bán trên các nền tảng công nghệ trong năm 2019. Hãng đang xây dựng mô hình “giá linh động”, trong đó số tiền đóng bảo hiểm sẽ được điều chỉnh dựa trên thói quen và khuynh hướng – chẳng hạn, giá bảo hiểm sức khỏe sẽ được giảm cho những người tập thể thao mỗi ngày.
Randing nói hãng smartphone Xiaomi của Trung Quốc là nhà đầu tư chính ủng hộ cách tiếp cận này. Xiaomi là một trong những nhà đầu tư tham gia vòng gọi vốn series B lên đến 54 triệu đô la của PosarPolis. “Xiaomi có kết nối với Internet vạn vật (IoT). Sản phẩm bảo hiểm cho tương lai cũng kết nối với IoT.
Mua bảo hiểm sẽ trở nên vô cùng giản tiện. Và giá càng rẻ hơn, chẳng hạn như tháng này bạn đi bộ nhiều hơn thì số tiền đóng giảm đi. Chúng tôi muốn đưa ra một sản phẩm bảo hiểm có kết nối với điện thoại thông minh và Internet vạn vật”, Randing khẳng định.
Thị trường bảo hiểm vi mô tại Việt Nam Các hãng hàng không Việt Nam đều có bán kèm theo vé máy bay sản phẩm bảo hiểm du lịch liên kết với các hãng bảo hiểm, với giá từ ít nhất 20.000 đồng cho một chuyến nội địa hay tối thiểu trên 80.000 đồng cho một chuyến bay nước ngoài. Một vài hãng bảo hiểm bán riêng bảo hiểm du lịch. Tuy nhiên, doanh số các sản phẩm này giảm hẳn theo tình hình kinh doanh của hàng không và du lịch trong 10 tháng qua. “Số khách hiểu được quyền lợi của mình khi mua bảo hiểm không nhiều, vì thế họ thường bỏ qua khoản này khi đặt vé. Bên cạnh đó, tình trạng nhiêu khê trong việc xin bồi hoàn tại Việt Nam đã khiến khách quay lưng. Nếu so với thị trường nước ngoài, sản phẩm trên thị trường Việt Nam vẫn chưa được xem là vi mô”, một chuyên gia tài chính công nghệ tại TPHCM nhận định. Trong khi đó, từ giữa tháng 10-2020, Grab Vietnam bắt đầu chào bán sản phẩm bảo hiểm tai nạn cá nhân 2.000 đồng mỗi cuốc xe theo hợp đồng hãng bảo hiểm Chubb. “Khi đặt xe với Grab, khách đã được Grab mua bảo hiểm và không phải trả khoản này. Hành khách có quyền chọn mua hay từ chối sản phẩm mua thêm 2.000 đồng này”, đại diện của Grab nói. Trên ứng dụng, Grab giải thích khoản bảo hiểm 2.000 đồng chi trả cho các chuyến đi cá nhân, không phải công việc. Mức chi trả cao nhất là 500 triệu đồng mỗi khách trong các trường hợp thương tật vĩnh viễn hay tử vong. Trong khi đó, khoản bảo hiểm miễn phí của Grab chi trả: cao nhất hơn 23 triệu đồng tiền viện phí khi điều trị và cao nhất là hơn 116 triệu đồng trong trường hợp thương tật và xấu nhất. Một động thái khác là đầu tháng 7 vừa rồi, Grab yêu cầu khách sử dụng dịch đăng ký định danh điện tử (eKYC) và thực hiểm khảo sát về bảo hiểm. Các chuyên gia phân tích nói rằng đây là những bước chuẩn bị cho thị trường tài chính vi mô, trong đó có vi bảo hiểm. Tuy nhiên, Grab Vietnam nói là “chưa tham gia vào thị trường này”. |
Xem thêm: lmth.a-man-gnod-o-hnahn-neirt-tahp-gnad-om-iv-meih-oab-gnourt-iht/168903/nv.semitnogiaseht.www