Không phủ nhận những đóng góp của thủy điện vừa và nhỏ đối với sự phát triển kinh tế, năng lượng, tuy nhiên, cũng không ít những dự án gây ảnh hưởng lớn đến môi trường. Vừa qua, mưa lớn kéo dài cộng với nhiều hồ thủy lợi, thủy điện xả tràn làm nhiều khu dân cư ở miền Trung thêm ngập lụt, chia cắt. Câu hỏi đặt ra là hiện Bộ Công Thương đã rà soát, quy hoạch thế nào đối với hệ thống thủy điện vừa và nhỏ. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương - về vấn đề này.
Loại khỏi quy hoạch hàng trăm thủy điện nhỏ
Để xây dựng thuỷ điện phải tuân thủ rất nhiều quy chuẩn, quy trình nghiêm ngặt. Vậy, trước khi phê duyệt một dự án thuỷ điện nào đó, Bộ Công Thương đã rà soát và quy hoạch thế nào?
- Ngày 27.12.2012, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 43 quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện. Theo Thông tư này, việc nghiên cứu, lập quy hoạch bậc thang thủy điện trên các lưu vực sông chính và việc thẩm định, phê duyệt quy hoạch thủy điện trên địa bàn cả nước thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương; việc nghiên cứu, lập quy hoạch thủy điện trên các lưu vực sông nhánh thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh.
Ngoài ra, các thành phần kinh tế trong xã hội cũng được chính quyền tạo điều kiện, cho phép nghiên cứu lập quy hoạch các dự án thủy điện để đầu tư xây dựng các dự án thủy điện vừa và nhỏ theo đúng các quy định của pháp luật. Theo đó, về tiêu chí môi trường - xã hội yêu cầu dự án không chiếm dụng quá 10ha/MW và không ảnh hưởng di dân quá 1 hộ/MW; phải tuân thủ quy định tại Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng, Luật Điện lực...
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu quy hoạch của tư vấn chuyên ngành, văn bản đề nghị của UBND tỉnh có dự án thủy điện trên địa bàn, Bộ Công Thương tổ chức thẩm định; lấy ý kiến của các cơ quan liên quan cần thiết như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Xây dựng... làm cơ sở chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có liên quan hoàn chỉnh quy hoạch để xem xét phê duyệt quy hoạch.
Thời gian qua, chúng tôi đã kiên quyết loại khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang, 472 dự án thủy điện nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện. Đây là các dự án chiếm nhiều diện tích đất hoặc có ảnh hưởng lớn đến môi trường, kinh tế, xã hội. Trên cơ sở kết quả rà soát, Chính phủ đã liên tục báo cáo kết quả trước Quốc hội và đã được Quốc hội thông qua tại các Kỳ họp Quốc hội khóa XIII và khóa XIV.
Nhìn từ vụ lũ lụt xảy ra ở các tỉnh miền Trung, có ý kiến cho rằng, việc phát triển thuỷ điện vừa và nhỏ tràn lan ở nhiều địa phương là "thủ phạm nuốt rừng", gây lụt lội?
- Theo thống kê hiện nay, các dự án thủy điện vừa và nhỏ bình quân chỉ chiếm khoảng 1,9ha/1 MW đất các loại. Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với UBND các tỉnh rà soát, đánh giá toàn diện từ các dự án đã được phê duyệt quy hoạch, đang nghiên cứu đầu tư, đang thi công xây dựng đến các dự án đang được nghiên cứu, khảo sát để xem xét đưa vào quy hoạch trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ.
Vì vậy, thời gian vừa qua, chúng tôi không xem xét bổ sung bất cứ dự án thủy điện nào có chiếm diện tích đất rừng tự nhiên.
Một số công trình thủy điện nhỏ và vừa bị đánh giá hiệu quả chưa cao, nhưng hệ lụy rất lớn. Quan điểm của ông thế nào?
- Các dự án thủy điện có ảnh hưởng lớn đến vấn đề môi trường, vấn đề an toàn dân sinh vùng hạ du... hầu hết đã được rà soát loại bỏ khỏi quy hoạch theo các nội dung yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ về phát triển thủy điện một cách bền vững, không gây tác động tiêu cực đến môi trường-xã hội, đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Quan điểm của Bộ Công Thương là đối với các dự án thủy điện còn lại trong quy hoạch, kể cả các dự án đang nghiên cứu đầu tư, hoặc đang thi công xây dựng đều được bộ chỉ đạo tiếp tục rà soát, đánh giá các ảnh hưởng tiêu cực. Nếu phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng sẽ được điều chỉnh quy mô, thông số, để đảm bảo không ảnh hưởng lớn đến môi trường-xã hội. Trường hợp không có phương án điều chỉnh sẽ kiên quyết loại khỏi quy hoạch và đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi dự án.
Xây dựng thuỷ điện tập trung khó tránh khỏi những hệ lụy
Theo thống kê, cùng với công trình thuỷ nông, hồ chứa, hệ thống sông ngòi lớn của Việt Nam đang phải oằn mình gánh trên 500 công trình thủy điện lớn nhỏ, điều này có quá sức chịu đựng của hệ thống sông ngòi Việt Nam?
- Trong cơ cấu nguồn điện của hệ thống điện quốc gia hiện nay, thủy điện chiếm tỉ trọng khá lớn. Theo đó, các nhà máy thủy điện đang vận hành chiếm tỉ trọng khoảng 40% về công suất lắp đặt và khoảng 37% về điện năng toàn hệ thống, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh năng lượng.
Đặc biệt là trong quá trình vận hành, các nhà máy thủy điện đã phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với ngành nông nghiệp, các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, các địa phương, thực hiện tốt đồng thời nhiệm vụ phát điện và nhiệm vụ cấp nước cho hạ du mùa khô, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện.
Tuy nhiên, với đặc thù là việc lựa chọn vị trí để xây dựng các nhà máy thủy điện phụ thuộc rất lớn vào điều kiện địa hình, địa chất, khí tượng thủy văn, nhằm đảm bảo yêu cầu về mặt kinh tế-kỹ thuật, đồng thời cũng phải đảm bảo các tiêu chí về môi trường, xã hội, dân cư và đất đai.
Vì vậy, các dự án thủy điện hầu hết được nghiên cứu, đầu tư xây dựng đều tập trung vào các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Một nguyên tắc nữa không thể không kể đến là việc bố trí các dự án thủy điện theo thứ tự bậc thang trên một dòng sông, suối nhằm tối ưu hóa quá trình vận hành, khai thác phù hợp, tránh lãng phí nguồn nước của lưu vực sông, suối. Điều này đúng là "quá sức" đối với hệ thống sông ngòi Việt Nam.
Việc xây dựng thủy điện tập trung vào một số khu vực cũng không tránh khỏi một số ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, du lịch... trong khu vực dự án (do tiếng ồn, bụi, khói, ô nhiễm nguồn nước). Để khắc phục các nhược điểm nêu trên, ngoài trách nhiệm chỉ đạo giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý chuyên ngành Công Thương cũng cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan liên quan trong việc cấp phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường, nông nghiệp, lâm nghiệp từ Trung ương đến địa phương và ý thức chấp hành các quy định pháp luật của các chủ đầu tư dự án thủy điện.
Sự phối hợp liên ngành về việc rà soát, quy hoạch thuỷ điện, nhất là thuỷ điện vừa và nhỏ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Theo quy định tại Quyết định số 1879/QĐ-TTg ngày 13.10.2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục các hồ thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông phải xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xây dựng đối với 11 lưu vực sông (sông Hồng, sông Mã, sông Cả, sông Hương, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Trà Khúc, sông Kôn - Hà Thanh, sông Ba, sông Sê San, sông Srêpôk và sông Đồng Nai) với gần 120 hồ thủy điện.
Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và sửa đổi, bổ sung và Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ nêu trên. Các quy trình vận hành liên hồ quy định đầy đủ, chặt chẽ sự phối hợp giữa các chủ hồ với nhau, giữa các chủ hồ với các cơ quan có liên quan trong việc vận hành hồ chứa bảo đảm khai thác an toàn, hiệu quả tài nguyên nước trên 11 lưu vực sông.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch điện VIII (Quy hoạch ngành Quốc gia theo Luật Quy hoạch). Theo đó, 13 quy hoạch bậc thang thủy điện trên các sông lớn và quy hoạch thủy điện nhỏ toàn quốc sẽ được tích hợp vào quy hoạch này.
Vì vậy, quy hoạch thủy điện cũng sẽ được đánh giá, xem xét đảm bảo hài hòa, phù hợp với quy hoạch tổng thể chung.
Xin cảm ơn chia sẻ của ông!