Đoàn từ thiện đến huyện Lệ Thủy, Quảng Bình và ứ lại ở ngã ba Cam Liên khi không có tàu, ghe đưa vào làng - Ảnh: TRẦN MAI
Là người đang ở trong tâm lũ Quảng Bình, tôi thấy rất nhiều đoàn thiện nguyện hướng về bà con đang chới với giữa đận thiên tai lịch sử. Thật ấm lòng khi thấy những gói mì tôm, chai nước, hộp sữa kịp thời đến được với bà con. Nhưng đâu đó vẫn còn nỗi buồn...
Ngã ba Cam Liên, xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình như một bãi tập kết hàng hóa lớn với hàng trăm xe tải, xe bán tải... nối nhau chờ tiếp tế, nhưng không cách nào vận chuyển vào sâu trong làng bởi thiếu phương tiện.
Các xe hàng cứu trợ ùn ứ này đa phần là tự phát, do người tổ chức không hình dung được tình hình vận chuyển mùa lũ cực kỳ khó khăn. Để chia sẻ với các tấm lòng hướng về người dân, chính quyền huyện Lệ Thủy cử cán bộ đến giải thích, cố gắng ghi thông tin và sắp xếp phương tiện.
Rất nhiều đoàn từ thiện chia sẻ với địa phương trong công tác chống lũ, nhưng cũng có đoàn ngổ ngáo, thậm chí xúc phạm những người dầm mưa, nhịn đói cứu dân.
Hôm ấy, khoảng 15h chiều, ca nô của bộ đội biên phòng vừa cập vào ngã ba Cam Liên, lập tức mười mấy người tuổi đời khá trẻ lao ra, mong các chiến sĩ biên phòng giúp chuyển số hàng của họ vào làng. Các chiến sĩ từ chối. Lực lượng biên phòng cố giải thích đây là ca nô cứu nạn, cứu hộ, hoạt động theo chỉ đạo, không thể tự ý di chuyển.
Những lời giải thích không ăn nhằm gì với những người trẻ hăng hái từ phương xa đến. Nhóm này bắt đầu lấy điện thoại ra quay phim, livestream, nội dung chủ yếu là công kích lực lượng biên phòng để tàu đứng bến mà không hỗ trợ đưa quà vào cho bà con. Không giải thích được, các chiến sĩ lên ca nô ngồi, im lặng.
Một lúc sau, các anh cho ca nô rời khỏi bến. Lập tức nhóm này hướng điện thoại theo với lời bình: "Sau khi chúng tôi phải ứng thái độ làm việc, các đồng chí ấy đã lái ca nô chạy khỏi điểm tập kết vì sợ chúng tôi quay phim. Không biết chỉ huy các đồng chí này nghĩ sao về thái độ phục vụ nhân dân như vậy".
Lực lượng tuyến đầu chống bão, lũ có nhiệm vụ riêng, không thể di chuyển mà chưa có lệnh - Ảnh: TRẦN MAI
Cuộc livestream vẫn tiếp tục với hình ảnh điểm tập kết ùn ứ và thông điệp nhắc đi nhắc lại là "ca nô của lực lượng biên phòng bỏ trốn".
Hơn một tiếng sau, ca nô trở về bến, lập tức các máy điện thoại của nhóm kia là chĩa ra với lời bình: "Hình như các đồng chí ấy đã về sau khi thong dong dạo lũ. Bà con khổ cứ mặc kệ, các đồng chí cứ phải làm nhiệm vụ ngắm cảnh của mình". Những người livestream cũng không quên trả lời những bình luận của người xem.
Ca nô cập bến, hai người già co ro trong bộ áo mưa được các chiến sĩ bồng ra khỏi ca nô. Lúc này nhóm livestream sững lại, đưa máy quay đi chỗ khác. Các chiến sĩ không mấy quan tâm, tiếp tục làm nhiệm vụ của mình.
Chúng tôi đã có mấy ngày được đi tác nghiệp cùng ca nô với lực lượng biên phòng, chứng kiến các anh vất vả đến cùng cực. Nhiệm vụ được giao phủ kín một ngày.
Có những lúc các anh neo tàu nơi bến, không phải nghỉ ngơi mà thay tàu khác trực cấp cứu, nếu có người dân cần giúp họ lại lập tức lên đường. Đó chính là những ca nô bị vài nhóm từ thiện công kích là "ở không, vô cảm với nỗi khổ của bà con".
Lực lượng cứu nạn, cứu hộ họ làm việc thầm lặng và không livestream như một số đoàn từ thiện - Ảnh: TRẦN MAI
Việc mang hàng tiếp tế đến cho bà con vùng lũ thật sự rất đáng trân quý. Nhưng khi đến địa bàn, các nhà hảo tâm nên mang theo cả sự hợp tác, sẻ chia, với bà con, với cả những người làm nhiệm vụ ở tuyến đầu chống lũ.
Các chiến sĩ cũng nhai mì tôm sống, ngày nào cũng cũng dầm mưa, đi ngang qua nhà mình ngập chìm trong lũ cũng chẳng khi nào tranh thủ vào thăm vợ con. Bởi những lúc đó họ đều có nhiệm vụ cấp trên giao.
Khi mang quà đến vùng lũ, các nhóm từ thiện cần liên hệ với chính quyền địa phương, cho họ biết sớm sự hiện diện của mình để sắp xếp thời gian, nhân lực, phương tiện hỗ trợ vận chuyển hàng hóa vào cho bà con.
Ai cũng đến, ai cũng yêu cầu, nhưng có ai nghĩ lực lượng nơi tuyến đầu mỗi ngày đối chọi bao nhiêu nguy hiểm, làm việc liên tục và họ cũng cần nghỉ ngơi để hồi phục và tiếp thêm năng lượng cùng niềm tin để tiếp tục nhiệm vụ của mình.
Những ngày này, các chiến sĩ biên phòng, công an, dân quân vùng lũ đang làm việc liên tục. Và họ không livestream về công việc của mình.
TTO - Một người phụ nữ ở huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh bị triệu tập lên công an xã làm việc vì lên mạng xã hội đăng tin sai sự thật về việc địa phương không cứu trợ người già vùng lũ.