vĐồng tin tức tài chính 365

‘Liều thuốc’ doanh nghiệp cần trong năm 2021

2020-10-28 06:57

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn nên dù được gia hạn nộp thuế năm tháng thì DN cũng không đủ thời gian để kịp hồi phục.

Kéo dài thời gian gia hạn nộp thuế

Theo quy định tại Nghị định 41/2020 của Chính phủ (Nghị định 41) gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thời gian gia hạn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là năm tháng.

đánh giá đây là chính sách kịp thời, cần thiết cho cộng đồng DN trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, nhận xét thời hạn gia hạn quá ngắn, không giúp DN được nhiều.

Vì theo ông Hưng, như các DN được gia hạn thuế GTGT tháng 3 đã phải thực hiện nộp thuế vào ngân sách chậm nhất ngày 20-9, còn thuế tháng 6 sẽ nộp vào ngày 20-12. Riêng đối với DN thực hiện nộp thuế theo quý thì số thuế phát sinh quý I nộp chậm nhất vào ngày 30-9; số thuế quý II nộp chậm nhất ngày 30-12.

“Gia hạn thực chất là chậm nộp, chứ đường nào DN cũng phải đóng số tiền thuế trên vào ngân sách. Thời hạn năm tháng chậm nộp thuế tưởng dài nhưng thực tế trong năm qua, hai đợt dịch đã khiến DN lao đao, doanh thu sụt giảm, thị trường ách tắc, quay đi quay lại đã phải nộp tiền thuế. Chính sách gia hạn này chỉ áp dụng trong năm 2020 thì quá hạn chế, cơ quan quản lý nhà nước nên xem xét gia hạn thêm thời gian nộp thuế” - ông Hưng chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt, cho biết ảnh hưởng dịch khiến ngành du lịch thiệt hại nặng nề, dù cố gắng xoay xở nhưng doanh thu của DN cũng sụt giảm. Chính sách nào hỗ trợ DN lúc này cũng cần nhưng doanh thu èo uột thì số thuế GTGT, thuế TNDN hiện nay phải đóng hằng quý cũng không lớn.

“Thời gian gia hạn thực ra quá ngắn, dịch COVID-19 vẫn ảnh hưởng ít nhiều, du lịch vẫn chưa phục hồi nên cần gia hạn thời hạn nộp các loại thuế trên. Nhà nước nên kéo dài chính sách hỗ trợ thuế đến hết năm 2021, ít lắm thì cũng tháng 6-2021” - ông Mỹ nói.

Luật sư Trần Xoa, chuyên gia thuế, cũng cho rằng hai làn sóng dịch COVID-19 đã khiến nhiều DN gặp rất nhiều khó khăn. Chính sách giãn thuế chưa kịp phát huy tác dụng hỗ trợ DN trong mùa dịch thì đợt dịch 2 đã đến nên cần có một gói hỗ trợ mạnh hơn để DN có thể phục hồi.

Theo ông Xoa, Chính phủ chỉ được quyết định thời gian gia hạn thuế trong năm 2020. Vì thế, để tăng thời gian gia hạn thuế GTGT, thuế TNDN, tiền thuê đất qua năm 2021, Chính phủ, Bộ Tài chính cần đưa ra phương án để có thể kịp trình Quốc hội quyết định.

“Số thuế phải nộp trong quý II của DN theo Nghị định 41 sẽ nộp trong tháng 12-2020 sẽ được kéo dài thời hạn sang quý I-2021. Và lần lượt số thuế quý III, quý IV sẽ được gia hạn nộp vào quý II-2021” - ông Xoa góp ý.

‘Liều thuốc’ doanh nghiệp cần trong năm 2021 - ảnh 1
Doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục giảm thuế TNDN, TNCN và thuế GTGT. ẢNH: Q.HUY

Cần giảm thuế TNDN, thu nhập cá nhân

Không làm thủ tục để được gia hạn nộp thuế, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Vina T&T Group, cho biết vẫn đủ khả năng đúng thời hạn. Ông Tùng cho rằng kéo dài thời gian gia hạn thêm thì mới giúp DN được nhiều hơn. Vì dịch COVID-19 trên thế giới vẫn phức tạp, thị trường xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Tùng, điều DN cần trong năm 2021 là Chính phủ cần tiếp tục áp dụng giảm 30% thuế TNDN. Vì năm 2021 là năm quan trọng để DN có thể ổn định, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

“Bên cạnh đó, tiếp tục các gói hỗ trợ cho DN đang hoạt động tốt, có doanh thu thì Nhà nước cần có những chính sách tạo thuận lợi về thủ tục hành chính cho những DN đang trong tình cảnh “chết lâm sàng” nhanh chóng được phá sản. Vì hiện nay, nhiều DN đang rơi vào cảnh sống dở, chết dở, muốn phá sản cũng mất thời gian, mà càng kéo dài số nợ tăng lên, thêm khó khăn cho DN” - ông Tùng nói.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cho biết thực tế hiện nay DN vẫn chưa được giảm 30% thuế TNDN ngay mà phải chờ đến quyết toán thuế năm 2020 vào tháng 4-2021. Hiện nay các DN nhỏ làm báo cáo thuế hằng quý phải đóng trước một khoản tiền tạm ứng thuế TNDN dựa trên doanh thu, dù không lãi cũng phải đóng tạm ứng trước. Sau đó chờ tới tháng 4 năm sau mới quyết toán xem có được hoàn thuế hay không.

“Trong thời điểm này, khoản tạm ứng trước thuế TNDN này là gánh nặng rất lớn cho các DN. Đáng ra Chính phủ cần hỗ trợ cho DN không phải đóng tạm ứng trước và chờ đến đầu năm sau quyết toán luôn” - ông Hưng nói.

Và để kích cầu tiêu dùng, theo ông Hưng Chính phủ cần giảm 30% thuế thu nhập cá nhân, thuế TNDN, giảm 50% thuế GTGT trong năm 2021 để hỗ trợ DN phục hồi, kích thích người dân chi tiêu nhiều hơn, tạo ra sức mua lớn trên thị trường. Thứ hai là Chính phủ cần đơn giản hóa thủ tục hành chính hơn nữa để giảm chi phí thời gian, tài chính không đáng có cho người dân, DN.

“Thứ ba là thị trường, Chính phủ cần tăng cường xúc tiến thương mại giúp DN tiếp cận được với nhiều khách hàng, tận dụng được ưu đãi thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do. Nếu có thị trường thì DN mới chấp nhận đi vay, mới gia tăng sản xuất, ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động, kích cầu tiêu thụ trong nước” - ông Hưng góp ý.

Nên miễn thuế cho các khoản doanh nghiệp tài trợ chống dịch

Đề xuất các khoản tài trợ cho phòng, chống dịch COVID-19 cần được tính vào chi phí của DN khi tính thuế TNDN. Rất nhiều tổ chức, cá nhân và DN có những đóng góp thiết thực bằng tiền và trang thiết bị y tế để chung tay chống dịch COVID-19. Đây cũng là hình thức khuyến khích DN chung tay cùng Nhà nước đẩy lùi dịch và Nhà nước cũng chia sẻ với DN số tiền đó được hạch toán vào chi phí không phải chịu thuế.

Trường hợp DN lỗ trong năm 2020, nếu trong đó có nguyên nhân tài trợ thì DN được chuyển lỗ sang kỳ sau, thời gian chuyển lỗ là năm năm. Như vậy vừa thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước với DN, vừa giảm khó khăn cho DN. 

Bà NGUYỄN THỊ CÚC, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam 

Xem thêm: lmth.816649-1202-man-gnort-nac-peihgn-hnaod-couht-ueil/et-hnik/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“‘Liều thuốc’ doanh nghiệp cần trong năm 2021”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools