Sáng 27-10, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 10 năm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi, sơ kết 2 năm thực hiện đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025.
Tại hội nghị nhiều vấn đề khó khăn đã được lãnh đạo Sở GD&ĐT các tỉnh/thành đặt ra trong quá trình thực hiện phổ cập giáo dục mầm non. Trong đó, vấn đề được đề cập nhiều nhất là thiếu giáo viên trong quá trình thực hiện.
Cả nước thiếu trên 45.000 giáo viên theo định mức
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Ngọc Ái, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Yên cho biết, thiếu giáo viên là rào cản lớn nhất trong việc triển khai thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
“Nhiều trường không tuyển được giáo viên. Do đó, tỉ lệ giáo viên trên lớp đối với trẻ mầm non 5 tuổi rất thấp, có lớp chỉ có một cô. Như vậy, không đảm bảo điều kiện về đội ngũ theo quy định”, bà Ái nói.
Trước tình hình trên, Sở GD&ĐT tích cực tham mưu với UBND tỉnh, Ban chỉ đạo về công tác phổ cập giáo dục – xóa mù chữ tỉnh tiếp tục ban hành đầy đủ, kịp thời hệ thống văn bản chỉ đạo, trong đó quan tâm đến chỉ tiêu, định mức biên chế giáo viên. Mặt khác Sở cũng khuyến khích các tập thể, cá nhân có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên để mở các trường mầm non tư thục.
Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Bình Phước cũng cho biết, sau 10 năm triển khai, công tác phổ cập giáo dục mầm non đã đạt được những thành tựu nhất định. Tất cả các phường, xã đều có ít nhất 1 trường mầm non, có nơi đến 2, 3 trường. Bên cạnh các trường công lập thì các cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng đang phát triển.
Cũng theo đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Bình Phước thiếu giáo viên là tình trạng mà tỉnh đang gặp phải. Có những vùng, tỉnh xây dựng dư phòng học nhưng không có giáo viên để tuyển. “Do đó, chúng tôi đề xuất nên thực hiện xã hội hóa, ngoài biên chế được giao có thể sử dụng ngân sách địa phương để hợp đồng lao động chuyên môn, đáp ứng yêu cầu cho con em đến trường”, vị này nói thêm.
Theo vị này, không chỉ giáo viên mà cơ sở vật chất tại một số khu vực của tỉnh cũng chưa đáp ứng. “Do đó, hiện nay, các trường chỉ ưu tiên cho lứa mầm non 5 tuổi. Bởi vì chúng ta đang thực hiện phổ cập giáo dục và chuẩn bị tiền đề bước vào lớp 1”, vị này bày tỏ.
Đồng quan điểm, ông Phạm Ngọc Hải, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh cho biết trong 10 năm thực hiện công tác phổ cập, ngành cũng đã có nhiều cố gắng, tham mưu UBND tỉnh và được chấp nhận đề án xây dựng các phòng học, trường mầm non.
“Hiện nay tỉnh đã dư phòng học nhưng tỷ lệ huy động trẻ ra lớp còn thấp, chỉ đáp ứng cho trẻ 5 tuổi. Hiện Tây Ninh còn thiếu hơn 500 giáo viên, trong khi biên chế được giao sắp hết. Bây giờ hợp đồng chỉ tuyển trong biên chế khoảng 100 người. Trong khi chờ chính sách thu hút giáo viên thì phụ cấp thâm niên đã bị cắt 4 tháng. Vì vậy không có nguồn tuyển”, ông Hải bày tỏ.
Học sinh trường mầm non Sơn Ca, quận Thủ Đức, TP.HCM trong 1 tiết học vẽ. Ảnh: THU THỦY
Hiện Sở GD&ĐT tỉnh đã xây dựng 3 nghị quyết đang lấy ý kiến rộng rãi để trình Hội đồng nhân dân vào tháng 12. Trong đó, có vấn đề xã hội hóa để thu hút nguồn lực, chi trả cho giáo viên. Sở kiến nghị Bộ GD&ĐT ban hành các văn bản để Sở có căn cứ trình Hội đồng mang tính chất pháp lý. Kiến nghị Bộ Nội Vụ có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các tỉnh. Hiện nay, tuyển giáo viên theo vị trí việc làm của từng trường cho nên những trường ở TP, nhu cầu chỉ cần 50 nhưng có 100 ứng viên ứng tuyển, trong khi vùng sâu vùng xa nhu cầu cao nhưng không có ai ứng tuyển. Đây là điều bất cập.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh thừa nhận: “Hiện nay chúng ta đã được Chính phủ tháo gỡ cho trên 20.000 giáo viên mầm non tuyển dung trong giai đoạn vừa qua nhưng vẫn còn thiếu trên 45.000 giáo viên mầm non theo định mức”.
Gỡ vướng
Về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD&ĐT khẳng định: “Nếu trông chờ vào biên chế thì không có địa phương nào tuyển dụng đủ giáo viên. Hơn nữa, quy định cũng không cho phép hợp đồng lao động chuyên môn”.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non cho biết, nhận thấy những khó khăn trên, Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ thực hiện, đề xuất giải pháp xã hội hóa buổi học thứ hai để bố trí đủ giáo viên.
Ông Minh cho hay, về nguyên tắc, tổng biên chế đã có cần ưu tiên cho các vùng khó khăn. Tại các địa phương này không kêu gọi được xã hội hóa. Thứ hai ưu tiên cho đối tượng phổ cập 5 tuổi. Tổng biên chế còn lại ở vùng thuận lợi, Bộ đang có hướng đề xuất với Chính phủ cho hợp đồng giáo viên ngoài chỉ tiêu biên chế đã được phê duyệt. Mục đích bố trí đủ giáo viên theo định mức để đảm bảo chất lượng và an toàn cho trẻ.
“Vấn đề được nhiều đại biểu liên quan đến Thông tư 13 của Bộ GD&ĐT về tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến và phản ánh với Cục cơ sở vật chất, nơi chủ trì soạn thảo văn bản này. Tuy nhiên chúng tôi sẽ không hạ tiêu chuẩn của trường chuẩn quốc gia vì đó là biểu tượng của chất lượng. Nếu hạ tiêu chuẩn xuống để nâng tỷ lệ lên là điều không nên. Tuy nhiên, để phù hợp với vùng miền, Bộ sẽ có điều chỉnh để phù hợp”, ông Minh nhấn mạnh.
Sau 10 năm triển khai đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi chúng ta đã đạt được những thành quả rất đáng trân trọng. Mạng lưới trường lớp mầm non được củng cố, mở rộng và phần bố đến hầu hết các địa bàn dân cư xã, phường.
Tổng số trường tăng khoảng 2.600 so với năm 2010, cơ sở vật chất, phòng học được tăng cường. Đội ngũ giáo viên được nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Chế độ chính sách của giáo viên được đảm bảo. Tổng số trẻ mầm non được đến trường là trên 5,3 triệu trẻ em.
------------------------------------------------
Rà soát chương trình mầm non
Chương trình giáo dục mầm non đang triển khai được gần 10 năm. Có thể nói chương trình hiện hành có nhiều ưu điểm.
Tuy nhiên, từ năm học 2020-2021, lớp 1 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, có rất nhiều điểm mới. Chính vì vậy, hiện chúng tôi đang rà soát chương trình giáo dục mầm non để xem những nội dung nào còn phù hợp, có nội dung nào cần tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung để có một sự liên thông giữa chương trình giáo dục mầm non, đặc biệt với trẻ mầm non 5 tuổi với chương trình mới. Từ đó khi bước vào lớp 1 các em sẽ dễ hòa nhập và không bị bỡ ngỡ. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh
(PL)- Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ hoàn thành việc thẩm định vòng một vào cuối tháng 10 (đối với lớp 2) và trung tuần tháng 11 (đối với lớp 6).