Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 10 tháng đầu năm 2021 tăng 1,81% so với cùng kỳ năm 2020 - mức tăng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây; lạm phát 10 tháng qua tăng 0,84% - thấp nhất kể từ năm 2011. Trong tháng 10-2021, chỉ có 3 nhóm hàng hóa là hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhà ở và vật liệu xây dựng giảm giá trong khi 8 nhóm hàng hóa khác tăng. Biến động giá tiêu dùng chủ yếu là do giá lương thực, xăng dầu và gas tăng.
Áp lực tăng giá quá lớn
Các chuyên gia kinh tế dự báo áp lực tăng giá trong 2 tháng cuối năm 2021 là rất lớn. Nguyên nhân chính là chi phí nguyên liệu đầu vào tất cả lĩnh vực, từ thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật liệu xây dựng đến chi phí vận chuyển, logistics, xăng dầu… trong nước đều tăng mạnh.
Thực tế tại thị trường TP HCM, các nhà sản xuất/cung ứng đã rục rịch tăng giá từ đầu tháng 10. Tổng giám đốc một doanh nghiệp (DN) thủy sản cho biết đang tạm ngưng cung cấp sản phẩm đồ hộp cho một số siêu thị vì không thương lượng được giá, với một số siêu thị khác thì đã điều chỉnh tăng giá 10% từ ngày 24-10.
"Công ty đã nỗ lực gồng gánh để giữ giá trong nhiều tháng liền, đến nay không thể cầm cự thêm nữa vì chi phí sản xuất đã tăng gấp 5 lần, nguyên liệu chính và phụ liệu, bao bì tăng 24%, xăng dầu tăng trên 20% so với đầu tháng 4. Với hàng xuất khẩu thì chi phí cước tàu tăng gần gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái" - vị tổng giám đốc này giải thích.
Các nhà cung cấp ngành hàng hóa mỹ phẩm đang đàm phán với nhà phân phối để áp dụng giá bán mới Ảnh: TẤN THẠNH
Một tập đoàn đa quốc gia cũng đã tạm ngưng cung cấp mặt hàng vệ sinh phụ nữ cho 1 hệ thống siêu thị lớn tại TP HCM vì không thỏa thuận được mức giá mới. Trước đó, từ tháng 4, tập đoàn này đã đề nghị tăng giá nhưng tạm gác lại vì dịch bùng phát. Đến khi TP HCM tái mở cửa kinh tế, siêu thị trở lại hoạt động bình thường, tập đoàn này nhắc lại yêu cầu điều chỉnh giá nhưng không được chấp thuận.
Một tập đoàn đa quốc gia khác thì đang trong quá trình đàm phán với các nhà cung cấp để điều chỉnh giá bán gần 100% mã hàng. "Trong văn bản gửi đến, họ không đề cập cụ thể mã hàng nào, tỉ lệ tăng bao nhiêu % nhưng qua quá trình làm việc thì đề nghị tăng 10%-20%. Mức tăng này hoàn toàn hợp lý bởi tất cả chi phí đầu vào đã tăng vọt trong nửa năm nay" - giám đốc bộ phận thu mua của 1 hệ thống siêu thị nhận xét.
Đẩy mạnh khuyến mãi
Theo các DN, trong tháng 10, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng… đồng loạt triển khai kích cầu, giảm giá sâu rất nhiều ngành hàng để thu hút khách quay lại mua sắm đồng thời giải phóng hàng tồn kho. Dự kiến thời gian tới, khi đã thanh lý hết hàng tồn, nhiều sản phẩm sẽ áp dụng mức giá mới.
Thống kê của các nhà phân phối lớn cho thấy các chương trình khuyến mãi đậm trong 1 tháng qua đã kéo tỉ lệ khách hàng đến mua sắm trực tiếp tại các siêu thị, cửa hàng gia tăng. "Trong tháng 10, chúng tôi tổ chức chương trình khuyến mãi lớn thứ 2 trong năm nhưng sức mua chỉ tăng tốt tại TP HCM, tăng 50% so với tháng 9. Nhìn chung, khách hàng vẫn giữ thói quen mua hàng số lượng lớn, giảm tần suất đi mua sắm và ưu tiên mua hàng có khuyến mãi" - đại diện hệ thống MM Mega Market cho biết, đồng thời nhìn nhận việc điều chỉnh giá hàng hóa trong lúc này là lựa chọn bất khả kháng, cả nhà sản xuất lẫn nhà kinh doanh phải tính toán kỹ để không gây sốc cho người tiêu dùng.
Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc bộ phận kinh doanh Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op, cho rằng xu hướng tăng giá là tất yếu vì tất cả chi phí đầu vào từ nguyên phụ liệu nhập khẩu lẫn trong nước đều tăng vọt thời gian qua. Mặt hàng rau củ, trái cây cũng đang tăng giá nhẹ do đang vào mùa nghịch, sản lượng thấp và tỉ lệ hao hụt cao.
"Giải pháp cơ bản nhất để vừa hỗ trợ người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm vừa giúp nhà cung cấp, nhà phân phối bán được hàng là đẩy mạnh khuyến mãi. Ngay trong tháng 11, Saigon Co.op sẽ tập trung khuyến mãi lớn, liên tục. Hy vọng sau khuyến mãi, người tiêu dùng sẽ làm quen với mặt bằng giá mới" - ông Huy bày tỏ.
Đại diện Aeon Việt Nam cũng cho rằng nhà cung cấp có lý do chính đáng để đề xuất tăng giá. Nhà phân phối với vai trò trung gian bán hàng đang tính toán để cân bằng lợi ích các bên, đặc biệt là không quá ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Hiện sức mua vẫn chưa bằng 6 tháng đầu năm, khách hàng chỉ tập trung mua sắm các sản phẩm thiết yếu.
Bà Huỳnh Thị Kim Thanh, Giám đốc siêu thị Aeon Tân Phú Celadon, cho hay siêu thị đã và đang lên kế hoạch cho các dịp Black Friday, Giáng sinh cũng như Tết, sẵn sàng về nguồn hàng hóa với nhiều ưu đãi hấp dẫn về giá dành cho khách hàng. Từ nay đến cuối năm, Aeon dự kiến không tổ chức các sự kiện tập trung đông người, chương trình kích cầu tại điểm bán mà tập trung vào các ưu đãi về giá cho nhu yếu phẩm.
TP HCM bảo đảm cung ứng đủ hàng Tết
Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết thời điểm này những năm trước, sở đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng Tết. Tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19, việc đi lại giữa TP HCM và các tỉnh, thành còn khó khăn nên sở và các DN bình ổn thị trường chưa thể đi khảo sát nguồn hàng, xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa phục vụ Tết.
"Sở Công Thương cam kết dù bất cứ tình huống nào xảy ra, việc cung ứng hàng hóa Tết cho người dân sẽ bảo đảm đầy đủ như mọi năm" - ông Tú khẳng định.
Xem thêm: mth.20740550213011202-man-iouc-aoh-gnah-aig-gnat-ad-nahc-ohk/et-hnik/nv.moc.dln