Người Đan Mạch tụ tập ăn uống ở trung tâm thủ đô Copenhagen, sau khi lệnh phong tỏa được nới lỏng một phần vào tháng 4-2021. Đến ngày 10-9, chính quyền dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế phòng dịch và xem COVID-19 là căn bệnh thông thường - Ảnh: Reuters
Thế nên nhiều người khá bất ngờ khi hôm 29-10 chính phủ thông báo thiết lập lại các trung tâm xét nghiệm COVID-19 nhanh, có khả năng xét nghiệm 100.000 trường hợp mỗi ngày và sẽ được nâng lên 150.000 ca/ngày.
Bộ trưởng Y tế Magnus Heunicke cảnh báo nếu không kiểm soát cẩn thận thì Đan Mạch có khả năng phải đóng cửa lần thứ hai.
Không biết lây từ đâu
Do chính phủ đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nên các trung tâm xét nghiệm nhanh do tư nhân điều hành cũng đóng cửa từ ngày 9-10, chỉ còn lại một số trung tâm thuộc Bộ Y tế để ứng phó với những trường hợp khẩn cấp.
Theo Bộ trưởng Magnus Heunicke, việc thiết lập các trung tâm xét nghiệm nhanh nhằm đối phó với tình trạng lây nhiễm đang lan rộng trong cộng đồng, đặc biệt khi học sinh các cấp trở lại trường sau kỳ nghỉ mùa thu.
Ông Hans Jørn Kolmos, giáo sư vi sinh lâm sàng tại Đại học Nam Đan Mạch, khuyến cáo chính phủ phải hành động ngay và người dân không được chủ quan vì "không có nơi nào mà bạn có thể thư giãn".
Từ hai tuần qua, số ca nhiễm mới mỗi ngày tại Đan Mạch đã tăng trở lại, nhất là tại thủ đô Copenhagen và khu vực phía tây thành phố - nơi tập trung nhiều hàng quán. Trong liên tiếp 10 ngày qua, số ca nhiễm mới đã vượt 1.000 ca mỗi ngày, như ngày 17-10 là 1.871 ca - cao nhất từ khi vào mùa thu. Ngày 29-10, số ca nhiễm mới có giảm nhưng vẫn ở mức cao 1.784 ca. Tỉ lệ người dương tính với virus trên số người được xét nghiệm khá cao (1,81%).
Điều nguy hiểm là gần một nửa số người mới bị nhiễm virus không biết họ đã bị lây nhiễm từ đâu. Tới nay, Đan Mạch đã ghi nhận hơn 2.700 người chết vì COVID-19.
Đáng lưu ý, tới nay 75,1% người Đan Mạch đã được tiêm hai mũi vắc xin, 4,7% người trên 65 tuổi và những người được xếp vào nhóm "đặc biệt dễ bị tổn thương" đã được tiêm mũi tăng cường thứ ba.
Trước tình hình này, nhiều chuyên gia trong ngành y tế đề nghị áp dụng trở lại một số biện pháp phòng chống dịch, như hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng phải mang khẩu trang, khách ra vào nhà hàng và quán cà phê phải xuất trình corona pass (giống "thẻ xanh vắc xin" của Việt Nam) hay kết quả xét nghiệm nhanh.
Các chuyên gia cũng cảnh báo nguy cơ lây nhiễm gia tăng trong mùa đông do nhiều người có thói quen đi gần nhau khi trời lạnh và tối, trong khi biến thể Delta có khả năng lây lan gấp ba lần so với biến thể đã thống trị năm ngoái.
Người dân chủ quan
Khi Thủ tướng Mette Frederiksen quyết định phong tỏa biên giới và ban hành các biện pháp giãn cách xã hội để chống dịch vào tháng 3-2020, bà đã vận dụng Đạo luật tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, "tình trạng khẩn cấp" chỉ có thời hạn nhất định.
Do không nhận được sự ủng hộ của đa số trong Quốc hội khi đề nghị gia hạn nên bà Frederiksen buộc phải bãi bỏ các biện pháp phong tỏa từ ngày 10-9-2021. Nguyên do là nhiều nghị sĩ cho rằng tình hình dịch bệnh trong nước đã được kiểm soát tốt. Họ cũng e ngại người dân sẽ phản ứng khi tình trạng giãn cách kéo dài quá lâu.
Thăm dò dư luận vào tháng 5 năm nay cho thấy một phần ba người được hỏi cho biết sẽ tiếp tục mang khẩu trang sau khi quy định này được bãi bỏ. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra. Từ khi các biện pháp giãn cách được dỡ bỏ một phần vào giữa tháng 6, nhiều người đã thoải mái tụ tập nơi công cộng, đến sân vận động xem bóng đá để bù lại thời gian bị tù túng.
Tới tháng 9-2021, họa hoằn lắm mới thấy một người mang khẩu trang. Quang cảnh thủ đô Copenhagen bình thường như thể dịch bệnh chưa hề đến nơi này.
Đại đa số người Đan Mạch không phản đối chuyện chích ngừa, nhưng nhiều người cho rằng COVID-19 không quá đáng sợ. Đối với người châu Âu, nguy hiểm nhất là bệnh cúm trong mùa lạnh rồi đến các chứng bệnh do rượu và thuốc lá. Đơn cử như tại Đan Mạch trung bình có khoảng 140 người chết mỗi ngày, trong đó 36 người chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, số chết vì corona chỉ là 15. Do vậy, nhiều người cho rằng COVID-19 cũng như bệnh cúm, cứ chích ngừa là xong.
Trong bối cảnh ca COVID-19 đang gia tăng và phần lớn chưa biết nguồn lây, có lẽ người Đan Mạch sẽ phải chấp nhận chuyện sớm mang khẩu trang trở lại, ít nhất là trên các phương tiện giao thông công cộng.
Thụy Điển khiến Đan Mạch lo
Nước láng giềng Thụy Điển cũng đang lo lắng bởi số người thiệt mạng vì dịch tới nay đã lên tới con số 15.025 người trong khi dân số chỉ hơn 10 triệu. Tính ra tại Thụy Điển cho đến nay đã ghi nhận gần 1.460 trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19 trên mỗi triệu cư dân. Con số tương ứng ở Đan Mạch là dưới 470, Na Uy chỉ có 170 và ở Phần Lan là 210.
Thụy Điển đã chọn biện pháp sống chung với dịch bệnh từ những ngày đầu, áp dụng ít hạn chế hơn các nước châu Âu khác, cũng không ban hành các quy định hành xử mà chỉ nhắc nhở mọi người lưu ý giữ khoảng cách an toàn. Mặt khác, Thụy Điển đã đẩy mạnh việc tiêm chủng cho người dân. Tới nay 80,4% người trên 16 tuổi đã được tiêm ngừa đầy đủ.
Ông Thomas Lindèn, Ủy ban Y tế và phúc lợi quốc gia Thụy Điển, vẫn cho rằng tỉ lệ tử vong vì SARS-CoV-2 của Thụy Điển không vượt quá "mức nghiêm trọng" trên toàn thế giới nhưng cũng thừa nhận là cao hơn các nước Bắc Âu khác.
Tình trạng của Thụy Điển hiện nay khiến Đan Mạch lo lắng, vì mỗi ngày số lượt người qua lại giữa hai nước lên tới hàng trăm ngàn.
TTO - Là một trong những nước châu Âu đầu tiên đóng cửa biên giới phòng COVID-19 vào tháng 3-2020, lại là nước có dân số ít (khoảng 5,8 triệu dân), nhưng cũng mãi tới gần đây Đan Mạch mới bắt đầu thận trọng tính toán lộ trình bình thường mới.
Xem thêm: mth.94945632213011202-2-nal-auc-gnod-oc-yugn-oc-hcam-nad/nv.ertiout