Tính chung 10 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 269,38 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 89,43 tỷ USD sau 10 tháng đầu năm, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 33,2% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Tiếp theo là các thị trường gồm: Hàn Quốc đạt 45,52 tỷ USD, tăng 21,4%; ASEAN đạt 32,998 tỷ USD, tăng 34,8%; Nhật Bản đạt 18,04 tỷ USD, tăng 9%; EU đạt 13,76 tỷ USD, tăng 15,9%; Mỹ đạt 12,9 tỷ USD, tăng 13,5%.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất
Trong chiều ngược lại, tính chung 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 267,93 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, khu vực kinh tế nước ngoài (kể cả dầu thô) chiếm đến 73,96% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước – khoảng 198,16 tỷ USD.
"Khu vực kinh tế nước ngoài tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong kim ngạch xuất khẩu của cả nước", Bộ Công Thương cho biết.
Ngoài ra, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta khi chiếm tỷ trọng 28,37% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, với kim ngạch ước tính đạt 76,02 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 44,68 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 16,67% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tiếp theo là EU ước tính đạt 31,7 tỷ USD; ASEAN ước đạt 23,03 tỷ USD…
Nhóm hàng công nghiệp chế biến là động lực cho xuất khẩu của Việt Nam
Nếu xét về nhóm hàng, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò quan trọng, đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước khi chiếm tỷ trọng 86,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Cụ thể, trong 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này ước tính đạt 230,69 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước.
Các mặt hàng trong nhóm ngành chế biến chế tạo có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu là: Sắt thép các loại, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 9,65 tỷ USD; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác ước đạt 29,57 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ, ước đạt 11,89 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 41,16 tỷ USD…
Nhập siêu 1,45 tỷ USD
Tính chung 10 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước nhập siêu 1,45 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 22,7 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 21,28 tỷ USD.
Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhập siêu sau 10 tháng đầu năm là do kinh tế thế giới phục hồi nhu cầu tăng, các doanh nghiệp của ta đã tăng lượng nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ cho sản xuất.
Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa thế giới tăng nên giá nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, góp phần tăng kim ngạch nhập khẩu nước ta. Ngoài ra, giá cước vận tải biển tăng cũng làm tăng chi phí, tăng trị giá nhập khẩu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.24941112130111202-couq-gnurt-ut-aoh-gnah-dsu-yt-09-nag-pahn-man-teiv/et-hnik/nv.vtv