Jack Ma đã biến mất khỏi ánh đèn sân khấu sau khi kế hoạch IPO của Ant Group bị hủy bỏ dưới sức ép của chính quyền Trung Quốc - và ông không phải là giám đốc điều hành công nghệ duy nhất ở nước này làm như vậy trong năm vừa qua.
Bloomberg vừa đưa tin hôm thứ Tư 3/11 rằng người sáng lập Bytedance, công ty mẹ của ứng dụng TikTok, Zhang Yiming, đã từ chức hội đồng quản trị của công ty. Trước đó hồi tháng 5, Yiming đã đưa ra tuyên bố sẽ thôi giữ vai trò Giám đốc điều hành tại công ty.
Nhưng vị chủ tịch hiện mới chỉ 38 tuổi này vẫn sẽ tham gia xây dựng chiến lược dài hạn của công ty công nghệ Trung Quốc này, theo một nguồn tin giấu tên.
Đại diện của ByteDance và TikTok từ chối bình luận vấn đề.
Người sáng lập Bytedance Zhang Yiming.
Động thái về "ở ẩn" của Yiming đánh dấu việc một CEO công nghệ nổi tiếng khác của Trung Quốc tiếp tục rút lui khỏi sự chú ý của công chúng khi chính phủ của quốc gia này liên tục đưa ra các chính sách thắt chặt việc quản lý những gã khổng lồ công nghệ trong nước.
Những chính sách thắt chặt này, kết hợp với sự cảnh giác ngày càng tăng đối với các tỷ phú sở hữu khối tài sản vô cùng giàu có, đã làm ảnh hưởng đến cách nhìn nhận về các doanh nhân quyền lực này cũng như khiến họ bị coi thường trong mắt công chúng.
Trong những tháng sau khi Trung Quốc can thiệp vào đợt IPO của Ant Group, nhiều tin đồn xoay quanh việc Jack Ma đã biến mất. Tuy nhiên, vào tháng 6, một giám đốc điều hành của Alibaba nói rằng Jach Ma chỉ đơn giản là "nằm im" khi đế chế của ông đứng trước các đợt thanh kiểm tra gắt gao.
Trong khi đó, nhiều nhà điều hành công nghệ khác đã lựa chọn việc từ bỏ hoàn toàn.
Colin Huang, cựu CEO và Chủ tịch của tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Pinduoduo đã rời khỏi cả hai vai trò trên vào đầu năm nay. Người đồng sáng lập nền tảng Kuaishou, Su Hua, cũng rời khỏi vị trí CEO. Người sáng lập kiêm CEO của gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến JD.com cũng ra đi vào tháng 9, để chiếc ghế lại cho một giám đốc điều hành khác thay thế mình.
Trước đây, nền kinh tế Internet phần lớn không được kiểm soát ở Trung Quốc, có nghĩa là các công ty có thể tự do phát triển mà không bị kiểm soát. Đồng thời, nó cũng không có các quy tắc nghiêm ngặt áp dụng cho các lĩnh vực truyền thống hơn như ngân hàng.
Nhưng vào tháng 11 năm 2020, Trung Quốc đã đưa ra các quy tắc hành vi chồng cạnh tranh mới, cho phép quản lý sát sao hơn các gã khổng lồ công nghệ. Đầu năm nay, Alibaba đã phải hứng chịu khoản tiền phạt tương đương 2,8 tỷ USD do chính quyền lo ngại rằng họ đang lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của mình.
Khi Trung Quốc tập trung vào nền kinh tế internet, Bytedance đã cố gắng tách khỏi các dịch vụ trực tuyến và chuyển sang phát triển phần mềm doanh nghiệp. Mới đây nhất, nó cho biết đang tổ chức lại công ty thành sáu đơn vị kinh doanh khác nhau, bao gồm: TikTok, Douyin (TikTok phiên bản Trung Quốc), phần mềm giáo dục, phần mềm văn phòng, nền tảng hạ tầng đám mây và phát triển trò chơi.
Zhang Yiming đã tạo ra ByteDance gần một thập kỷ trước, tại một khu dân cư ở thành phố Bắc Kinh.
ByteDance trở thành công ty internet Trung Quốc đầu tiên đạt được thành công toàn cầu với TikTok, nền tảng video ngắn có hơn 1 tỷ người dùng hàng tháng trên toàn thế giới. Nó được định giá 140 tỷ USD trong vòng gọi vốn năm 2020 và sau đó tăng lên tới 500 tỷ USD trước khi giảm từ mức đỉnh này.
Tuy nhiên, thành công đó, cùng với những thành công trong nước với ứng dụng Douyin và trang tổng hợp tin tức Toutiao, đã khiến công ty có trụ sở tại Bắc Kinh trở thành mục tiêu cả ở trong nước và ở Mỹ, nơi họ suýt phải bán ứng dụng TikTok dưới thời chính quyền ông Trump.
Tại Trung Quốc, ByteDance đã vấp phải sự chỉ trích từ các cơ quan quản lý, những người đang tìm cách kiềm chế ngành công nghiệp internet vốn tự do một thời.
Mặc dù ByteDance không phải là mục tiêu của bất kỳ cuộc điều tra chính thức nào, công ty vẫn nằm trong số hơn hai chục công ty được Bộ công nghệ Trung Quốc yêu cầu thực hiện kiểm tra nội bộ và xử lý tận gốc hoạt động trực tuyến bất hợp pháp đầu năm nay.
Các nhà quản lý cũng đã làm chậm việc phê duyệt các trò chơi điện tử mới để thực thi các tiêu chí nghiêm ngặt hơn về nội dung và bảo vệ trẻ em. Điều này cũng đe dọa hoạt động kinh doanh trò chơi mới nổi của ByteDance.
Với bộ phận phát triển ứng dụng giáo dục, công ty đã buộc phải sa thải ít nhất hàng trăm nhân viên trong năm nay, sau khi chính quyền Bắc Kinh đưa ra các biện pháp hạn chế khắc nghiệt nhất từ trước đến nay đối với việc dạy thêm sau giờ học.
Mới đây, chính quyền Trung Quốc đã đưa ra các quy định mới về bảo mật dữ liệu, bao gồm yêu cầu rằng các công ty có hơn 1 triệu người dùng cần có sự chấp thuận rõ ràng của chính phủ trước khi công khai ở các quốc gia khác. Và giờ, các công ty như ByteDance cần phải trấn an các nhà quản lý rằng dữ liệu người dùng của họ sẽ không bị xâm phạm.
Xem thêm: mth.47032700150111202-hnid-teyuq-auv-kotkit-uuh-os-uhc-ecnadetyb-pal-gnas-iougn/nv.ahos