Đại biểu cho rằng cần cân nhắc hạn chế việc lồng ghép chính sách xã hội trong chính sách thuế - Ảnh: Quochoi.vn
Nêu quan điểm về chính sách thu ngân sách với tinh thần "nhìn thẳng vào sự thật" tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội chiều 8-11, đại biểu đoàn Hà Nội Vũ Thị Lưu Mai, phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách, chỉ ra trong báo cáo của Chính phủ nêu giải pháp cần hạn chế tối đa việc lồng ghép các chính sách xã hội trong các chính sách thuế, tức sẽ phải hạn chế tối đa miễn giảm thuế.
Nêu quan điểm cần giải pháp này cần "hết sức cân nhắc", bà Mai cho rằng sẽ khó khả thi để thực hiện khi những hệ quả từ dịch bệnh sẽ còn kéo dài nhiều năm.
Thực tế 3 năm qua việc miễn giảm thuế đã được áp dụng liên tục như một giải pháp hữu hiệu, và năm 2022 các ý kiến vẫn tiếp tục đề xuất áp dụng, dự kiến đưa ra gói kích thích phục hồi kinh tế bao gồm cả chính sách miễn giảm thuế.
"Tại thời điểm hiện nay nên theo đuổi chính sách khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu thông qua các chính sách về khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh cần thiết và hợp lý hơn chính sách tận thu" - bà Mai lưu ý.
Cũng nêu vấn đề khoảng cách giàu nghèo, đặc biệt khi dịch bệnh bùng phát khiến kế sinh nhai, việc làm của nhóm nghèo nhất xã hội bị ảnh hưởng, bà Mai đề nghị cần khảo sát đánh giá thật chính xác thực trạng xã hội để nhìn thấy rõ nhất khó khăn phải đối mặt.
"Các gói an sinh xã hội với mức hỗ trợ vài triệu một người dân mang ý nghĩa động viên rất lớn. Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tình thế, không phải căn cơ lâu dài. Chỉ khi có giải pháp hữu hiệu phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động mới thu hẹp khoảng cách giàu nghèo" - bà Mai nhấn mạnh.
Đại biểu Hoàng Văn Cường - phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân - cho rằng sức chống chịu của nền kinh tế yếu, nên cần có chính sách cấp bù lãi suất để doanh nghiệp được vay vốn tương đương tỉ lệ lạm phát; tăng cường trích lập quỹ dự phòng rủi ro trong bối cảnh nợ xấu gia tăng.
Kèm theo đó có cơ chế kiểm soát để doanh nghiệp có nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh được tiếp cận vốn giá rẻ, không để tiền gửi ngân hàng đổ vào lĩnh vực rủi ro. Tập trung ưu tiên lĩnh vực cần phát triển như đường sắt, bởi không thể cứ mãi đi vay tiền về và thuê nhà cung cấp nước ngoài để lại nhiều hệ lụy như vừa qua.
Đồng thời, cần đầu tư mạnh kinh tế biển, hậu cần vận tải biển, là nơi trung tâm trung chuyển vận tải biển; thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia, cần có hạ tầng công nghệ số, chủ động kiểm soát, đảm bảo an toàn chuyển đổi số quốc gia.
Để huy động nguồn lực, theo đại biểu Cường, nên điều chỉnh tăng mức bội chi ngân sách để có nguồn lực thực hiện phục hồi và bứt phá. Việc tăng nợ công không phù hợp, nhưng vay nợ công cho đầu tư cần được cân nhắc thông qua phát hành trái phiếu chính phủ để huy động nguồn lực.
TTO - Nếu đến ngày 31-10 phải tạm nộp 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp cả năm theo quy định tại nghị định 126, doanh nghiệp không còn vốn làm ăn, thậm chí phải đi vay để nộp thuế. Nhưng chờ hướng dẫn mới, doanh nghiệp có nguy cơ bị phạt chậm nộp.