CTCP Tập đoàn Masan (MSN) và SK Group vừa công bố ký kết thỏa thuận mua lại cổ phần của The CrownX (TCX) với giá trị 345 triệu USD.
Theo đó, SK Group đầu tư 340 triệu USD vào The CrownX, Masan đầu tư 5 triệu USD. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của Masan và SK tại The CrownX lần lượt đạt 85% và 4,9%. Trong đó Masan dự kiến gia tăng thêm nữa tỷ lệ sở hữu tại The CrownX.
Masan đặt mục tiêu khép lại vòng huy động vốn vào The CrownX với giá trị từ 200 - 300 triệu USD trước cuối năm 2021.
Trước đó, báo cáo tài chính hợp nhất bán niên đã kiểm toán của Masan tiết lộ tập đoàn đã cam kết với với nhóm nhà đầu tư ngoại sẽ "nỗ lực tối đa để thực hiện phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) cổ phiếu của The CrownX trước ngày 11/6/2026".
Ngoài ra, báo cáo tài chính Quý III/2021, Masan đạt 23.605 tỷ đồng doanh thu thuần, 1.586 tỷ đồng lãi sau thuế; tăng lần lượt gần 17% và 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi ròng quý III tăng gần 35% lên 1.147 tỷ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần Masan Group đạt 64.801 tỷ đồng, tăng trưởng 16,5% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ tăng trưởng doanh thu ở hầu hết các mảng kinh doanh như doanh thu Masan Consumer Holdings tăng 14,3%, Masan MEATLife tăng 32,8% và 89,3% của Masan High-Tech Materials.
Sau khi cải thiện lợi nhuận thành công tại WinCommerce (WCM) và ghi nhận chuỗi bán lẻ này có quý đầu tiên đạt lãi ròng (137 tỷ đồng), ưu tiên trong thời gian tới của Masan là tăng tốc mở rộng mô hình mini-mall tại TCX.
Mô hình này là một phần trong chiến lược "Point of Life", tích hợp WinMart + (nhu yếu phẩm), kiosk Phúc Long (trà và cà phê), dược phẩm, Techcombank (tiện ích tài chính) và Mobicast (nhà mạng di động mới) vào một nền tảng khách hàng thân thiết.
Các cửa hàng thí điểm theo mô hình mini-mall đã gặt hái các kết quả thành công bước đầu với lưu lượng khách hàng gia tăng và lợi nhuận cải thiện rõ rệt.
Masan hiện đang xây dựng kế hoạch trung hạn để mở rộng quy mô của các cửa hàng trên toàn quốc, duy trì lợi nhuận thông qua việc gia tăng mức đóng góp của danh mục nhãn hàng riêng, chiếm 20-25% doanh số kênh bán lẻ hiện đại.
Đồng thời, Masan cũng thúc đẩy xu hướng mua sắm nhu yếu phẩm trên kênh online, đặt mục tiêu kênh online đóng góp trên 5% vào tổng doanh thu hay đạt 50.000 đơn hàng/ngày; hợp tác với 2.000 – 3.000 đối tác bán lẻ truyền thống của Masan Consumer Holdings để thúc đẩy mô hình nhượng quyền của WCM và phát triển chương trình khách hàng thân thiết và hệ thống thanh toán thông qua ví di động (mobile wallet), duy trì mô hình thu hút khách hàng mới có chi phí thấp.
Credit Suisse (Singapore) Limited đóng vai trò là đơn vị tư vấn tài chính cho Masan Group.
SK Group bao gồm 95 công ty con có chung thương hiệu SK và đều hoạt động theo hệ thống văn hóa quản lý của Tập đoàn có tên SKMS (SK Management System). Doanh nghiệp này đã đổi tên từ Tập đoàn Sunkyong thành Tập đoàn SK vào năm 1998.
Mặc dù các doanh nghiệp lớn nhất của SK chủ yếu tham gia vào các ngành công nghiệp hóa chất, dầu khí và năng lượng, song SK Group cũng sở hữu nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động không dây lớn nhất Hàn Quốc (SK Telecom).