Ngày 11/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thông báo kết quả như trên trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Yên Phước, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương và các đơn vị liên quan.
Trong 7 bị can, 4 người bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Mua bán, sử dụng trái phép vật liệu nổ theo điều 305 Bộ luật Hình sự là: Đỗ Văn Vĩnh và Lương Văn Tiến (đều là lao động tự do, quê Thái Nguyên), Ngụy Văn Thủy (thủ kho Công ty Yên Phước), Ngụy Quang Thuyên (trợ lý Tổng giám đốc, điều hành hoạt động của Công ty Yên Phước).
3 người bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên theo điều 227 Bộ luật Hình sự là Đàm Hương Huệ (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Uyên Hiển), Phạm Văn Thu (thành viên góp vốn Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương), Phạm Ngọc Thanh (nhân viên Công ty Đông Bắc Hải Dương).
Trước đó, ngày 27/8, cảnh sát đã khởi tố vụ án Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên. Cùng ngày, cảnh sát khởi tố 12 bị can về cùng tội danh, trong đó có bà Châu Thị Mỹ Linh, Giám đốc Công ty cổ phần Yên Phước; Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh, người điều hành Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương.
Giang và Thanh là hai anh em song sinh, nổi tiếng với vụ giao dịch lan đột biến trị giá 250 tỷ đồng.
Điều tra ban đầu xác định, năm 2014, Công ty Yên Phước do bà Linh làm giám đốc được cấp phép khai thác than tại Mỏ than Minh Tiến ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Trữ lượng được cấp phép khai thác là 8.500 tấn một năm, thời hạn đến năm 2031 với hơn 136.000 tấn.
Sau khi giải phóng xong mặt bằng, từ năm 2018 Công ty Yên Phước bắt đầu khai thác than bằng hình thức lộ thiên. Một năm sau, bà Linh móc nối để hai anh em Giang, Thanh (là người điều hành Công ty Đông Bắc Hải Dương) đứng ra làm đơn vị khai thác than mỏ này.
Từ khi được cấp phép, mỏ này đã khai thác hơn 2,5 triệu tấn than nguyên khai, than cám nghiền từ bã sàng và than xít. Tuy nhiên theo báo cáo của chủ mỏ và đơn vị khai thác thì mỗi năm chỉ khai thác 8.500 tấn than theo đúng như giấy phép. Nghĩa là số lượng than khai thác vượt mức cho phép gần 120 lần.
Việc khai thác diễn ra công khai trong thời gian dài song không bị phát hiện. Để che giấu sai phạm, Công ty Yên Phước và Đông Bắc Hải Dương đã lập khống hồ sơ nghiệm thu, báo cáo số lượng khai thác với nhà chức trách Thái Nguyên bằng đúng với cấp phép. Than được nhóm này chuyển về các bãi ở Hải Dương, Quảng Ninh để tiêu thụ đi khắp cả nước.
Cảnh sát xác định, với hành vi khai thác than lậu, trốn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên môi trường, phí bảo vệ môi trường, nhóm này đã thu lợi bất chính hơn 100 tỷ đồng. Hành vi khai thác vượt trữ lượng tối đa của giấy phép khai thác khoáng sản của các bị can còn gây thiệt hại cho Nhà nước về thuế hàng chục tỷ đồng.
Xem thêm: lmth.0854834-ual-naht-nat-ueirt-gnah-caht-iahk-uv-gnort-tab-ib-iougn-7-meht/ten.sserpxenv