Một người biểu tình kêu gọi hành động chống biến đổi khí hậu tại COP26 ngày 13-11 - Ảnh: REUTERS
197 quốc gia nhất trí hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C, mục tiêu đã được đề ra trong Hiệp định Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu.
Theo báo Guardian, cuộc đàm phán kéo dài đến tối 13-11, giờ địa phương, để giải quyết những tranh cãi về loại bỏ sử dụng than, cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và hỗ trợ tiền cho các nước nghèo.
Tranh cãi gay gắt nhất trong những giờ cuối của hội nghị là "xóa bỏ" việc sử dụng than, sau đó đã được điều chỉnh thành "giảm dần". Dù vậy, đây cũng được coi là bước ngoặt lớn bởi lần đầu tiên nhiên liệu hóa thạch được đề cập tại một thỏa thuận của Hội nghị thượng đỉnh khí hậu Liên Hiệp Quốc.
Các nước nghèo cũng nhượng bộ về vấn đề "thiệt hại và tổn thất", trong đó các nước giàu sẽ "bồi thường" những tổn thất do các hiện tượng thời tiết cực đoan, hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Các nước đồng ý sẽ tiếp tục thảo luận điều này.
"Bây giờ chúng ta có thể nói rằng đã giữ cho (mục tiêu) 1,5 độ C tồn tại. Tuy nhiên, nhịp đập của nó rất yếu và nó sẽ chỉ tồn tại nếu chúng ta giữ lời hứa, nhanh chóng chuyển các cam kết thành hành động", ông Alok Sharma - chủ tịch COP26 - nói. Theo ông, hiệp ước dù "không hoàn hảo" nhưng cho thấy "sự đồng thuận và ủng hộ".
Nhận định về thỏa thuận, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho rằng thảm họa khí hậu đang đến gần và Trái đất đang trong tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc.
"Kết quả COP26 là một sự nhượng bộ, phản ánh các lợi ích, mâu thuẫn và ý chí chính trị trên thế giới ngày nay. Đây là một bước quan trọng nhưng chưa đủ", ông Guterres viết trên mạng xã hội Twitter, cho rằng thế giới cần bật chế độ khẩn cấp trong cuộc chiến khí hậu.
Thỏa thuận nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các nhà hoạt động. Trong khi nhiều người đánh giá đây là một bước tiến, nhà hoạt động trẻ Greta Thunberg và nhiều nhà hoạt động khác cho rằng thỏa thuận thiếu hành động thực tế, theo Hãng tin AFP.
Còn Mohamed Adow - giám đốc tổ chức Power Shift Africa ở châu Phi - chỉ trích việc các nước nghèo hy sinh trong thỏa thuận vì sự ích kỷ của các nước giàu. "Đây là kết quả từ một COP tổ chức ở thế giới giàu có và bao gồm các ưu tiên của thế giới giàu có đó", ông nói.
Bà Mary Robinson - cựu quan chức Liên Hiệp Quốc - cũng cho rằng các nước cần nỗ lực hơn vào năm sau.
TTO - Ngày 3-11, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết Anh sẽ cam kết 100 triệu bảng Anh (136,19 triệu USD) để giúp các nước đang phát triển tiếp cận với các nguồn tài chính dễ dàng hơn.
Xem thêm: mth.38722149041111202-ud-auhc-gnuhn-nac-iom-uah-ihk-nauht-aoht/nv.ertiout